Luật “đá nhau”, ngành ngân hàng vướng

Bỏ quên tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Bà Đặng Thu Hà, Ngân hàng Á Châu, cho biết giữa luật và các văn bản dưới luật đang có sự mâu thuẫn trái ngược nhau. Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng khi thay đổi tên, vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần có ghi tên quá tỷ lệ... phải được chấp thuận trước khi thay đổi. Thế nhưng Nghị định 1087 lại quy định sau khi tổ chức tín dụng được Ngân hàng nhà nước chấp thuận lại phải chuẩn y thì mới có hiệu lực. Như vậy, trong cùng một đề nghị đã phải thông qua hai lần giấy phép.

Mặt khác, hành lang pháp lý hiện nay đang bỏ ngỏ những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng nước ngoài. Ví dụ điển hình là Công ty Diamond - tổ chức tài chính phi ngân hàng của Nhật Bản khi mở văn phòng đại diện ở Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn. Trong vụ này, Sở Thương mại TP.HCM không có chức năng cấp phép cho các tổ chức tín dụng, còn Ngân hàng nhà nước lại không thể cấp phép cho Diamond, một công ty chỉ cho thuê và cung cấp các khoản vay nhưng không nhận tiền gửi.

Bà Hà còn cho biết theo Luật Các tổ chức tín dụng thì Ngân hàng nhà nước là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng. Nhưng Nghị định 22 lại không quy định nội dung cấp phép và quản lý các tổ chức văn phòng đại diện thuộc các tổ chức tín dụng nước ngoài (những tổ chức này không hoạt động tín dụng nhưng lại cung cấp dịch vụ ngân hàng cho Ngân hàng nhà nước). Trong khi đó, Nghị định 72 quy định việc cấp phép hoạt động văn phòng đại diện ở những lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, tài chính nước ngoài... phải được giao cho các cơ quan chuyên ngành.

Trên cơ sở này, bà Hà đề nghị ban xây dựng Luật Ngân hàng nhà nước cần loại bỏ các văn bản dưới luật không còn phù hợp với thực tiễn. Từ đó hạn chế sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

Khắc phục tính cát cứ

Ông Trần Dũng, Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Sài Gòn (SCB), cho rằng các nhà làm luật khi xây dựng Luật Ngân hàng nhà nước cần có cái nhìn dài hạn hơn. Nếu luật có hiệu lực trong ngắn hạn thì sẽ lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc do phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Hiện nay Việt Nam đã gia nhập WTO, môi trường pháp lý đang được các nhà đầu tư trong nước cũng nhưng nước ngoài đặc biệt quan tâm.

Luật Ngân hàng nhà nước mới cần tạo ra sự bình đẳng cho các nhà đầu tư. Ông Dũng cho rằng các văn bản dưới luật mới chỉ phục vụ cho việc quản lý ngành nên đã tạo ra một lãnh địa, một môi trường pháp lý riêng biệt. Vì vậy, đây là nguyên nhân làm cho luật chồng chéo, mâu thuẫn, không đồng bộ và khó thực hiện.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Trưởng Ban soạn thảo Luật Ngân hàng nhà nước, cho biết thời hạn của luật mới chỉ có hiệu lực đến hết năm 2015. Trong giai đoạn này, Chính phủ vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nên Ngân hàng nhà nước chưa thể có vị thế tự chủ.

Hầu hết các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á đã tương đối độc lập với chính phủ về mặt hoạch định, thực thi chính sách tiền tệ cũng như dùng các công cụ của chính sách tiền tệ để đảm bảo mục tiêu ổn định giá cả. Từ đó, Ngân hàng trung ương không bị các chính sách liên quan khác chi phối. Nhờ vậy mới tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng phục vụ cho mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn.

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm