Masan mua 20 triệu cổ phiếu, VN-Index sẽ thay đổi

 Masan đang có chiến lược trong việc chuyển đổi MNS thành mô hình hàng tiêu dùng có thị trường thịt trị giá 18 tỉ USD, với việc tham gia của cổ đông chiến lược Vissan mà MNS đang sở hữu 24,9% cổ phần.

Trong phiên chiều 18-8, khi thông tin Tập đoàn Masan (mã: MSN) sẽ mua vào 20 triệu cổ phiếu quỹ được công bố, giá cổ phiếu đã lập tức được kéo “thẳng đứng” chốt phiên ở mức trần 63.500 đồng/CP, giúp VN-Index “thoát hiểm” ở phút chót, đóng cửa ở mức tăng 0,14 điểm. Giới phân tích dự báo kể từ ngày 6-9 tới đây, khi Masan chính thức mua vào cổ phiếu quỹ với khối lượng rất lớn từng phiên, điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực tới diễn biến chung thị trường.

Mua vào vì bị định giá thấp

Trong thông báo mua cổ phiếu quỹ, Masan không ngại ngần công bố lý do mua vào là nhằm “giảm lượng cổ phiếu lưu hành, hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cho cổ đông” và “hiện giá trị cổ phiếu MSN đang ở mức thấp hơn khá nhiều so với giá trị thực”. Đây là một hành động nhằm bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu MSN.

Đối với Masan, mặc dù lượng mua vào nhỏ hơn với 20 triệu cổ phiếu nhưng do mức giá hiện tại của MSN đang ở mức hơn 60.000 đồng/cổ phiếu nên ước số tiền mà Masan trong trường hợp mua được toàn bộ cổ phiếu đã công bố phải tối thiểu ở mức trên 1.200 tỉ đồng. Đây là con số khá kỷ lục trong hoạt động mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời, giúp cung cấp cho thị trường một lượng tiền mặt lớn, tương đương khoảng 50% giá trị giao dịch mỗi phiên.

Theo kế hoạch mua vào cổ phiếu quỹ được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận cuối tuần qua, giao dịch sẽ được thực hiện từ ngày 6-9 đến 5-10. Điểm đáng lưu ý là khối lượng cổ phiếu mà Masan phải mua vào mỗi phiên dao động ở mức từ 600.000 đến 2 triệu cổ phiếu (theo quy định hiện hành, mức tối thiểu là 3% và tối đa là 10% lượng cổ phiếu đăng ký mỗi phiên). Nếu giả sử hành động mua vào này không thực hiện qua phương thức thỏa thuận mà đều theo phương thức khớp lệnh qua sàn thì mục tiêu “hỗ trợ giá” là hiện hữu, vì khối lượng trung bình khớp lệnh 10 phiên gần nhất (tính đến cuối tuần qua) chỉ có trên 833.000 cổ phiếu/phiên.

Là một trong không nhiều mã đóng góp lớn vào tỉ trọng VN-Index (GAS, VNM, VIC…), sự tác động của MSN với VN-Index là khá tích cực khi hoạt động mua vào được kích hoạt.

Trong một góc độ khác, Masan cũng khẳng định ngoài lý do hỗ trợ giá thị trường hiện nay, việc mua vào cổ phiếu quỹ là một “khoản đầu tư” có lời cho chính Masan, bởi triển vọng tăng giá cổ phiếu là có cơ sở. Trong báo cáo mới nhất về kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm, lợi nhuận của Masan (trước thuế, khấu hao) tăng kỷ lục 69,1% so với cùng kỳ, đạt mức 4.127 tỉ đồng.

Nhìn từ góc độ phân tích, báo cáo của các tổ chức tư vấn đều cho đánh giá triển vọng tích cực. Trong báo cáo phát hành ngày 1-8, Credit Suisse định giá MSN ở mức 85.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, báo cáo phân tích của Vietcapital Securities ngày 10-8, định giá MSN ở mức 94.000 đồng/cổ phiếu…

Doanh thu, lợi nhuận 2016 vượt kế hoạch

Dòng sản phẩm chiến lược Café de Nam đang có cơ hội tiếp cận mảng tiêu thụ chủ chốt là cà phê rang xay.

Theo báo cáo tài chính soát xét sáu tháng đầu năm 2016 được kiểm toán bởi KPMG, doanh thu thuần của Masan tăng trưởng 83,8% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 19.141 tỉ đồng. Doanh số thực phẩm và đồ uống của Công ty Masan Consumer (MSC) trong quý II-2016 tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu thuần của Masan Consumer Holdings (MCH) trong nửa đầu năm 2016 tăng 7,9%, trong đó mảng kinh doanh bia (Sư tử trắng) đạt tốc độ tăng trưởng 83,5% so với cùng kỳ. Doanh thu của Masan Nutri Science (MNS), Công ty Masan Resources (MSR) cũng đạt mức độ tăng trưởng tốt. Sáu tháng cuối năm và những năm tiếp theo, một số mảng kinh doanh mới sẽ đóng góp doanh thu, lợi nhuận tốt cho Masan như Café de Nam, bia Sư tử trắng, Ngân hàng Techcombank…

Masan đang có chiến lược trong việc chuyển đổi MNS (vẫn được hiểu là ngành nông nghiệp) thành mô hình hàng tiêu dùng có thị trường thịt trị giá 18 tỉ USD, với việc tham gia của cổ đông chiến lược Vissan mà MNS đang sở hữu 24,9% cổ phần. Nếu chuyển đổi thành công, mô hình hàng tiêu dùng (thực phẩm và đồ uống, bia và thịt có thương hiệu) đạt doanh thu hơn 1,8 tỉ USD, chiếm hơn 90% tỉ trọng doanh thu của MSN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm