Một điều luật bị sửa tới sửa lui

Điều 170 Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005 quy định DN FDI thành lập trước ngày 1-7-2006 phải đăng ký lại trong vòng hai năm (đến 1-7-2008). Nếu DN không đăng ký lại thì chỉ được quyền hoạt động trong phạm vi ngành nghề và thời hạn ghi trên giấy phép đầu tư.

Đặt thời hạn rồi gia hạn

Sau hai năm thực hiện Luật DN, số DN FDI đăng ký lại rất ít. Cho nên sau gần bốn năm thực hiện, vào tháng 6-2009, quy định trên được Quốc hội sửa đổi từ “hai năm” thành “năm năm” nhằm tạo thời hạn dài hơn cho DN đăng ký lại. Theo đó, DN được đăng ký lại đến 1-7-2011.

Thế nhưng theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hết hạn năm năm này thì số DN đã đăng ký lại chỉ đạt khoảng 50% trong tổng số 6.000 DN thành lập trước ngày 1-7-2006. Riêng TP.HCM có khoảng 800 DN chưa đăng ký lại.

Việc không đăng ký lại này dẫn đến các vướng mắc, chủ yếu là: DN không được bổ sung ngành nghề kinh doanh, không được mở rộng kinh doanh, không được gia hạn thời gian hoạt động…

Một điều luật bị sửa tới sửa lui ảnh 1

Sau hai năm thực hiện Luật DN, số DN FDI đăng ký lại rất ít. Ảnh: Hữu Luận

Trong khi đó, khá nhiều DN FDI thành lập trước đây (những năm 1990) đều đăng ký thời gian hoạt động phổ biến là 20 năm chứ không phải 50 năm như giai đoạn sau. Chính vì vậy mà nhiều DN không đăng ký lại đã lâm vào tình trạng “hết thời hạn hoạt động” vào năm 2012, cụ thể ở TP.HCM có gần 30 DN. Nếu thực hiện đúng Luật DN thì các DN FDI này phải giải thể.

Một lượng lớn DN rơi vào vướng mắc này dẫn đến nguy cơ cho cả môi trường đầu tư chứ không chỉ là vấn đề của riêng DN.

Đến bỏ luôn thời hạn

Bộ KH&ĐT đưa ra một số nguyên nhân khiến DN FDI không đăng ký lại như DN muốn duy trì mô hình hoạt động hiện hữu nhưng không lường trước hậu quả xảy ra khi không thể mở rộng đầu tư, gia hạn thời gian; các bên liên doanh trong DN không đồng thuận trong việc đăng ký lại; DN không biết có yêu cầu đăng ký lại trong Luật DN.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ KH&ĐT đưa ra dự thảo sửa đổi Điều 170 Luật DN về đăng ký lại. Theo đó, DN FDI chưa đăng ký lại theo quy định của Luật DN năm 2005 sẽ được đăng ký lại vào bất cứ thời điểm nào sau ngày 1-7-2013, không giới hạn thời gian. Trường hợp DN không đăng ký lại mà muốn mở rộng đầu tư hoặc thực hiện dự án đầu tư mới, điều chỉnh, bổ sung giấy phép đầu tư thì vẫn được phép.

Lỗi tại ai?

Làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện quy định đăng ký lại, bộ này cho rằng “tình trạng không thực hiện yêu cầu đăng ký lại thuộc về trách nhiệm của DN”.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc sửa đổi Điều 170 là một cách chấp nhận thực tiễn. Trước đây quy định mong muốn DN sẽ đăng ký lại nhưng DN không kịp thực hiện nên kéo dài thời hạn ra năm năm. Tuy nhiên, DN có những vướng mắc riêng nên không thực hiện được, mà cũng không thể ép buộc họ. Sửa luật, bỏ thời hạn đăng ký lại, cho phép điều chỉnh, bổ sung dù không đăng ký lại là một cách gỡ nút thắt.

Có ý kiến cho rằng việc gia hạn từ hai năm lên năm năm tạo một tiền lệ xấu về thực hiện pháp luật cho DN. Nay lại bỏ luôn thời hạn thực hiện thì liệu có tạo tiền lệ xấu hơn chăng? Ông Đậu Anh Tuấn nói rõ không nên xem việc sửa đổi này là một tiền lệ xấu cho DN mà ngược lại, phải xem đây là bài học về xây dựng pháp luật đối với các cơ quan quản lý.

Khi đặt ra quy định, các cơ quan quản lý phải đánh giá tác động của quy định đó xem khả năng áp dụng thực tiễn như thế nào, liệu DN có nhu cầu hay không, có cần thiết hay không, DN gặp khó khăn gì nếu phải thực hiện… Nếu như đánh giá tác động tốt sẽ tránh được tình trạng đặt ra quy định rồi không thực hiện được, phải sửa tới sửa lui rồi hủy bỏ.

Sửa ngay

Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã làm việc với nhiều địa phương, DN và đều thống nhất việc sửa ngay Điều 170 Luật DN. Dự kiến việc sửa đổi này được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2013), áp dụng ngay từ ngày 1-7-2013.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm