Một doanh nghiệp kiện, cả cộng đồng được lợi

Kiện để tác động chính sách

Doanh nghiệp (DN) nên dũng cảm đi kiện, nếu không rành pháp lý có thể nhờ luật sư, chuyên gia về thuế, hải quan hỗ trợ. Tuy nhiên, trước hết là DN phải đàng hoàng cái đã. Nhiều anh làm ăn không đàng hoàng, sổ sách không rõ ràng nên ngại đi kiện, sợ kiện thì bị kiểm tra ra nhiều chuyện khác, sợ kiện xong bị “găm”. Tôi cho rằng cán bộ không hơi sức đâu đi “găm” DN. DN cứ làm đúng thì không ai “găm” được.

DN phải thấy việc mình đi kiện, rồi nhiều DN khác đi kiện thì càng ngày càng đánh động lên, các cơ quan thuế, hải quan không dám làm sai, không dám thu bậy nữa.

Mặt khác, việc kiện của DN còn giúp hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn. Vì khi DN kiện ra tòa, vụ việc được quan tâm hơn, có thể cả dư luận và truyền thông cũng quan tâm phân tích vụ việc và các khía cạnh pháp lý của nó. Từ đó các cơ quan ban hành văn bản nhìn lại để chỉnh sửa quy định bất hợp lý, chỉnh sửa lại chính sách thuế cho phù hợp. Tôi ví dụ một vụ kiện, trước đây một công ty kinh doanh kim cương, vàng đã kiện Chi cục Thuế quận 1 về cách áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng khấu trừ hay trực tiếp trong hoạt động kinh doanh, gia công vàng. Công ty này kiện không vì 300 triệu đồng tiền thuế, vì thời gian, công sức mà chủ DN bỏ ra để theo đuổi vụ kiện có khi còn hơn 300 triệu đồng nữa. Họ kiện là để cơ quan thuế thấy quy định về phương pháp tính thuế trong kinh doanh vàng có vấn đề. Sau vụ kiện, cơ quan thuế có các báo cáo về vụ việc trên, về sau Bộ Tài chính có chỉnh sửa chính sách cho rõ ràng, thể hiện trong Nghị định 121/2011 và Thông tư 06/2012 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng.

Một thế mạnh mà các DN có thể khai thác là các kênh truyền thông. DN có kiện thì nên đánh động dư luận để các doanh nhân, luật sư, chuyên gia cùng thảo luận, nhờ đó vướng mắc về pháp luật được làm sáng tỏ hơn. Cơ quan xét xử thấy dư luận quan tâm thì việc xét xử cũng minh bạch hơn.

Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang

Một doanh nghiệp kiện, cả cộng đồng được lợi ảnh 1
 

Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Đừng “chạy” cho riêng mình

Nhiều DN có tâm lý “chạy” để được giải quyết êm các vụ truy thu, phạt thuế. Nhiều DN ngại sau khi kiện tụng sẽ bị trù dập. Vì vậy mà DN ít đi kiện. Hầu hết DN chọn cách khiếu nại các quyết định truy thu, phạt thuế nhưng theo tôi, việc khiếu nại đó ít mang lại kết quả thuận lợi. DN cũng ngán khiếu nại lắm, vì tâm lý các cơ quan quản lý là “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Theo tôi, DN nên chủ động kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời làm rõ các vướng mắc pháp lý chung cho cộng đồng DN, ví dụ như cách tính thuế suất, cách áp dụng ưu đãi thuế, cách khấu trừ thuế... DN nên thực hiện tốt pháp luật, khi mình đúng thì mình không còn sợ bị trù dập nữa. Mình làm đúng pháp luật, ai dám bắt bẻ mình mà sợ?!

Luật sư PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

Tạo sức mạnh cộng đồng

Thông thường khi hậu kiểm, cơ quan thuế, hải quan thường thực hiện hậu kiểm một nhóm các DN có chung mặt hàng, chung chính sách thuế. Ví dụ vụ hậu kiểm mã hàng và thuế suất đối với mặt hàng “vận thăng lồng” của 12 DN ở TP.HCM vừa qua, hậu kiểm về giá trị tính thuế ô tô đối với các DN nhập ô tô... Do đó, khi một DN cảm thấy mình bị áp một mức thuế không hợp lý, hãy nghĩ rằng DN cùng ngành nghề, lĩnh vực với mình cũng bị áp mức thuế đó, các DN nên ngồi lại cùng các luật sư, chuyên gia xem mức thuế mà cơ quan thuế áp cho họ, cách truy thu thuế, cách phạt... có đúng quy định hiện hành chưa. Việc thuê luật sư, chuyên gia cho một nhóm DN có cùng nội dung vụ việc thì sẽ chuyên nghiệp hơn và đỡ tốn chi phí, công sức hơn. Nếu cơ quan thuế làm chưa đúng thì các DN cùng hợp lại mà kiến nghị. Nếu cơ quan thuế đúng nhưng quy định, chính sách có vẻ không hợp tình thì các DN một mặt vẫn thực hiện quy định, mặt khác cùng kiến nghị để sửa đổi quy định, chính sách đó. Nhiều DN cùng lên tiếng về một vấn đề sẽ tạo được sức mạnh hơn là một DN đi kiện.

Ông NGUYỄN QUỐC TUẤN, phụ trách pháp lý
một công ty xuất nhập khẩu, quận 7, TP.HCM

 

Cần thương lượng tập thể

Pháp luật không công nhận cơ chế kiện tập thể. Các DN tuy có chung vấn đề nhưng không khiếu nại, kiện chung một vụ kiện được. Tuy nhiên, các DN có thể thương lượng tập thể với cơ quan thuế, hải quan về gút mắc pháp lý chung của nhóm DN đó. Các DN cũng có thể cùng kiến nghị hoặc phản ánh vướng mắc của mình đến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... khi nhóm DN cho rằng mình đúng, cơ quan hải quan hay cơ quan thuế áp dụng quy định không hợp lý. Pháp luật khuyến khích chúng ta sử dụng cơ chế thương lượng nên DN có thể sử dụng để cùng nhau gỡ vướng vấn đề chung.

Ông TRẦN HỮU HUỲNH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài
quốc tế Việt Nam

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm