Một người đi kiện, cộng đồng được lợi

Không ít người dự tòa bày tỏ sự... ngạc nhiên. Bởi lẽ lâu nay việc doanh nghiệp (DN) kiện cơ quan thuế, hải quan được coi là khá hiếm hoi. Kiện mà thắng lại càng hiếm hoi hơn.

Trong vụ kiện này, DN yêu cầu cơ quan thuế hủy một quyết định truy thu và phạt thuế gần 5,6 tỉ đồng. Hơn 95% số tiền trên bị tòa cho rằng truy thu sai quy định và DN thắng. Phần nội dung thắng kiện của DN này xoay quanh vướng mắc về chiết khấu thương mại có phải là khuyến mãi hay không. Vướng mắc này đã gây không ít phiền phức cho cộng đồng DN lâu nay.

Do vậy, khi tòa tuyên “chiết khấu không phải là khuyến mãi!” thì bản án của tòa có thể trở thành một “án lệ”, một chứng cứ tốt. Từ nay có lẽ cộng đồng DN yên tâm thực hiện việc chiết khấu hoặc thực hiện khuyến mãi mà không lo bị cơ quan thuế bác bỏ khoản chiết khấu, truy thu và phạt thuế!

Phần thuế còn lại khoảng 5%, cơ quan thuế được tòa tuyên truy thu đúng quy định. Phần này liên quan đến tranh luận hàng biếu, tặng, cho có phải là khuyến mãi hay không.

Phía DN cho rằng biếu, tặng, cho vẫn được chấp nhận khấu trừ thuế giá trị gia tăng, tính vào chi phí hợp lý của DN. Trong khi đó cơ quan thuế cho rằng biếu, tặng, cho có đăng ký khuyến mãi thì mới được xem là phục vụ sản xuất kinh doanh, không đăng ký/thông báo chương trình khuyến mãi với cơ quan chức năng thì coi như không được chấp nhận.

Chính vì lập luận này mà DN quyết tâm phải kháng cáo. Bởi nếu không kháng cáo, cách lập luận này của cơ quan thuế và của tòa có thể trở thành tiền lệ, sẽ làm khó không ít DN khác, vốn vẫn biếu, tặng, cho mà không làm đủ thủ tục khuyến mãi.

* * *

Điều đáng nói là những vướng mắc trên tồn tại đã lâu, gây khó khăn không ít cho cộng đồng DN nhưng chưa được giải quyết. Cũng chính vì vậy mà cơ quan thừa hành là các chi cục thuế, cục thuế tùy ý “vận dụng”, khi thì chấp nhận cho DN, khi thì bác bỏ và đòi truy thu thuế. Trong khi cái mà cộng đồng DN kỳ vọng là chính sách, quy định phải được hiểu một cách nhất quán, áp dụng nhất quán, không có chuyện cùng một nội dung quy định mà với DN này thì được “cho”, với DN kia thì không được chấp nhận.

Chẳng lẽ cứ mỗi lần có vướng mắc về quy định thuế mà bản thân ngành thuế không làm rõ nổi lại phải có một DN nào đó đi kiện và phải có bản án của tòa thì lấn cấn mới được làm rõ?

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm