Muốn nấu phải đăng ký với xã

Mặc dù dự thảo đã soạn lần thứ sáu nhưng theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm (Bộ Công Thương), hai điểm gây tranh cãi nhiều nhất mà dự thảo đưa ra là việc quy định sản xuất kinh doanh rượu phải có đăng ký và các quy định về quản lý rượu bán lẻ.

Khó quản lý rượu thủ công

Theo Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, hầu hết các loại rượu thủ công tuy có những hương vị đặc trưng và tên tuổi nhưng do nấu bằng công cụ thô sơ nên còn chứa nhiều độc tố, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cho đến nay, việc thống kê số lượng và tình trạng hoạt động của các cơ sở nấu rượu trong dân không thể thực hiện được. Như báo cáo của Sở Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, không thể thống kê được số hộ dân tự nấu rượu mà hiện chỉ có hơn 10 hộ có đăng ký kinh doanh rượu trên số hàng ngàn hộ nấu rượu trong tỉnh. Nam Định ước tính 11.000 hộ và Hà Tĩnh là 26.000 hộ... đều chưa có đăng ký.

Theo ông Dũng, vì rượu là mặt hàng nhạy cảm và đặc biệt nên phải đưa vào diện quản lý các khâu sản xuất, lưu thông và sử dụng. Hiện nay, nhà nước mới chỉ quản lý được rượu công nghiệp, tức là thuộc các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh. Còn rượu do hộ gia đình sản xuất (gọi là rượu thủ công) thì chưa quản lý được mà thực tế lại chiếm 70% sản lượng rượu trên toàn quốc. Chính vì vậy, dự thảo quy định cần phải quản lý rượu thủ công. Đây là điểm gây nhiều tranh cãi nhất.

Về quy định quản lý rượu thủ công, đại diện Sở Công thương tỉnh Nam Định cho rằng dự thảo yêu cầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc hộ gia đình phải đăng ký sản xuất rượu với sản lượng là bao nhiêu, nguyên liệu gì, cam kết không được tiêu thụ. Điều này rất khó thực hiện. Vậy ai sẽ là người giám sát các hộ này chỉ nấu gạo mà không nấu sắn, không bán ra ngoài hay nấu hơn 150 lít/năm như đã đăng ký? Nếu một vài hộ thì có thể được chứ hàng ngàn hộ thì làm sao kiểm soát nổi. Hơn nữa, rượu nấu tại gia đình thì có thể mua một cách dễ dàng tại bất kỳ quán cóc, ngõ ngách nào từ nông thôn cho đến thành thị ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc giao cho địa phương quản lý chuyện này là khó khả thi.

Tuy nhiên, quan điểm của ban soạn thảo kiên quyết cho rằng nếu không quản lý loại rượu thủ công này thì không thể nói là quản lý rượu. Do vậy, không thể vì khó mà không làm. Mục đích của nghị định này khuyến khích sản xuất và tiêu thụ rượu an toàn, chất lượng cao và hạn chế những loại rượu chất lượng thấp.

Không bán rượu cho người dưới 18 tuổi

Theo dự thảo nghị định lần thứ sáu, không bán rượu cho người dưới 18 tuổi, rượu không có nhãn mác sẽ bị tịch thu, các cơ sở bán rượu phải có đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Còn đối với những người nấu rượu thủ công không vì mục đích kinh doanh mà chỉ để sử dụng thì vẫn phải đăng ký với chính quyền về sản lượng, nấu bằng nguyên liệu gì và cam kết không tiêu thụ trên thị trường. Việc cấp đăng ký sẽ do chính quyền xã cấp, theo dõi và quản lý. Theo ông Dũng, đây là biện pháp rất mềm mại chứ nếu cho rằng khó quản lý rồi buông thì cũng không được.

Riêng quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi, nhiều ý kiến cho rằng không thể kiểm tra được khách hàng đã đủ 18 tuổi chưa. Nếu có thể thì chỉ còn cách kiểm tra chứng minh nhân dân của khách hàng sau khi xuất hàng. Vậy ai sẽ kiểm tra các quán cóc? Theo ông Dũng, nếu nói như vậy thì cũng không nên đưa luật hình sự vào vì thực tế tội phạm vẫn được phát hiện. Do vậy, vấn đề là phải đưa ra quy định để người dân thực hiện, rồi dựa trên tình hình thực tế để chỉnh sửa cho phù hợp. “Nếu chúng ta không có quy định để quản lý, tình trạng lộn xộn sẽ còn tiếp diễn. Những quy định đưa vào dự thảo là cần thiết. Còn mức độ quản lý được đến đâu thì làm đến đó. Không thể cứ không quản lý được thì không đưa vào” - ông Dũng nêu.

Với lần chỉnh sửa thứ sáu này, cả doanh nghiệp, hộ sản xuất cá thể đến cơ quan quản lý đều mong mỏi dự thảo sớm hoàn thiện.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm