Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá cá

Ngày 4-9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thông báo về quyết định sơ bộ của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ chín (POR9) đối với mặt hàng cá tra, basa xuất khẩu từ Việt Nam. đồng thời, DOC thông báo mức thuế sẽ áp đối với mặt hàng cá tra philê đông lạnh của Việt Nam xuất sang nước này. Mức thuế áp dụng cho các lô hàng đã xuất khẩu cách nay gần hai năm, giai đoạn từ 1-8-2011 đến 31-7-2012 đều tăng rất cao.

Bị “đánh” nhiều quá!

Luật sư Ngô Quang Thụy, người nhiều năm kinh nghiệm với các vụ kiện chống bán phá giá, cho biết theo phán quyết sơ bộ, mức thuế chống bán phá giá cá tra trong đợt rà soát POR9 cao gấp đôi đợt rà soát lần thứ tám (POR8) được công bố vào tháng 3-2013.

Cụ thể, mức thuế Công ty Vĩnh Hoàn tăng 2,2 lần lên 0,42 USD/kg, Công ty Hùng Vương chịu mức thuế cao nhất với 2,15 USD/kg, tăng 2,8 lần. Mức thuế đối với các bị đơn tự nguyện khác tham gia đợt rà soát cũng bị áp thuế tới 0,99 USD/kg, tăng 1,3 lần. Mức thuế áp dụng chung toàn quốc các công ty khác là 2,11 USD/kg.

Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá cá ảnh 1

Có thể coi việc bị áp thuế chống bán phá giá mới là cơ hội để các DN và nhà nhập khẩu cùng nhau nâng giá bán lên, khẳng định lại giá trị của cá tra Việt Nam. Ảnh: QUANG HUY

Luật sư Thụy cho hay đây là quyết định bất ngờ và có nhiều điều bất hợp lý không được giải quyết thỏa đáng tương tự đợt rà soát POR8 trước. Theo quy trình, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam có bốn tháng xem xét, khiếu kiện về quyết định này.

Việc DOC tiếp tục đánh thuế sẽ khiến ngành cá tra chồng chất khó khăn, cá tra xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục giảm, DN bị thu hẹp lợi nhuận.

“Hết lo đợt thuế chống bán phá giá này đến đợt thuế khác, mức thuế cứ tăng lên. Nói thật DN chúng tôi mệt mỏi lắm rồi. DN đã nói, đã kêu cứu, báo chí đã viết hết lần này đến lần khác, hiệp hội, bộ ngành nói sẽ làm cách này, chuẩn bị cách kia mà kết quả vẫn vậy. Giờ đến đâu thì đến, bị đánh thuế nhiều quá... quen rồi!” - ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Cafatex kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, bức xúc.

Hiện nhiều DN đã tạm ngưng xuất khẩu cá tra, không ký hợp đồng mới nữa vì thiếu nguyên liệu. Lượng cá tra chỉ còn trong ao DN, ở chỗ nông dân gần như đã hết. Đó là thông tin ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Hùng Vương kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), vừa đưa ra.

Chỉ còn cách tăng giá xuất khẩu

Cũng theo ông Dương Ngọc Minh, Công ty Hùng Vương vừa mới tăng giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ thêm 20 cent/kg. Đây là cách DN có thể thực hiện để bù lại tiền thuế phải đóng thêm. Và, DN còn một cách làm nữa, theo ông Nguyễn Văn Kịch (Cafatex) là chuyển hướng thị trường. Hiện chỉ còn chín DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Nhìn vấn đề ở một góc khác, luật sư Thụy nhận định có thể coi việc bị áp thuế chống bán phá giá mới là cơ hội để các DN và nhà nhập khẩu cùng nhau nâng giá bán lên, khẳng định lại giá trị của cá tra Việt Nam.

Trước đây, nhiều DN ồ ạt xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mạnh ai nấy bán để nhanh chóng thu hồi vốn, điều này gián tiếp làm người tiêu dùng Mỹ coi cá tra là sản phẩm kém chất lượng vì giá bán quá rẻ. Việc tăng giá bán xuất khẩu còn giúp giảm biên độ bán phá giá xuống đáng kể.

Theo tính toán thì giá cá tra Việt Nam xuất khẩu có thể tăng thêm 30%-40%, tương đương 1,85-2,25 USD/pound. Giá này vẫn thấp hơn nhiều so với giá philê cá da trơn của Mỹ hiện có giá 5,99 USD/pound.

QUANG HUY

Phải tiếp tục đấu tranh

Theo ông  Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, "Dù thế nào cũng phải tiếp tục tranh đấu. Hiệp hội đã có thông cáo báo chí phản đối việc đánh thuế của DOC đối với cá tra Việt Nam trong đợt POR9.

Trước đó, VASEP cùng các DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã khiếu kiện phán quyết cuối cùng POR8 của DOC lên Tòa Thương mại Quốc tế Mỹ (US CIT), yêu cầu xem xét tính chính xác trong các tính toán của DOC, buộc DOC phải lựa chọn lại quốc gia thay thế hợp lý hơn và tính toán lại mức thuế. US CIT đã chấp nhận đơn và yêu cầu Hải quan Mỹ tạm dừng thu thuế của các DN theo kết luận cuối cùng của POR8 cho tới khi US CIT có phán quyết cuối cùng.

Quyết định chọn Indonesia làm quốc gia thay thế trong đợt rà soát POR9 để tính toán biên độ phá giá và áp thuế là hết sức vô lý; mâu thuẫn với chính quyết định của DOC vào ngày 8-11-2012, khi danh sách sáu quốc gia sử dụng làm nước thay thế để tính toán mức thuế chống bán phá giá cho POR9 được công bố không có Indonesia. DOC cũng thừa nhận Indonesia không “tương đồng về điều kiện kinh tế” với Việt Nam trong hơn một nửa số tiêu chí của POR. "

Hơn nữa, quyết định này của DOC có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm