Nạn “chặt chém” du khách

Nhưng đây lại là mùa du lịch. Dù kinh tế khó khăn nhưng nhiều người cũng cố thu vén để gia đình có một chuyến du lịch, phối hợp dịp con nghỉ hè, vừa xả bớt stress. Có những người dù khó khăn cũng tranh thủ dịp hè đưa gia đình đi Vũng Tàu, Long Hải, Cần Giờ hưởng gió biển một bữa! Nhưng hầu hết những ai dự định đưa gia đình du lịch trong nước đều e dè, ngán ngẩm vì nạn “chặt chém” du khách trong mùa du lịch. Những tệ nạn kéo dài từ năm này sang năm khác nhưng ngành du lịch đành bất lực.

Đa số du khách nước ngoài chỉ đến Việt Nam một lần rồi không trở lại, bởi nhiều nguyên nhân như: Bị người bán hàng rong chèo kéo, giá cả “chặt chém”, giao thông lộn xộn dễ gây tai nạn, nạn cướp giật, thiếu nhà vệ sinh công cộng... Không chỉ du khách nước ngoài mà du khách trong nước cũng chẳng được “tha” - thậm chí còn tệ hơn. Bởi du khách nước ngoài đôi khi còn được một vài nhân viên trật tự hướng dẫn và bảo vệ tại các điểm nóng, còn du khách người Việt thì tự xoay xở lấy. Chuyện ông tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phải đến tận khách sạn xin lỗi và cho người trả lại tiền cho du khách người Úc bị taxi “chặt đẹp”ở Hà Nội là chuyện không biết buồn hay vui. Nhưng đó cũng là chuyện hiếm có. Chứ hàng ngàn hàng vạn du khách nước ngoài, nước trong khác dễ gì được “hưởng ơn mưa móc” nếu bị như vậy, mà khi bị “chặt chém” cũng chẳng biết kêu ai, có khi kêu cứu còn “bị đòn” thêm! Đó thường là những trường hợp đi tự túc. Đi theo đoàn tuy có khá hơn một chút nhờ có hướng dẫn viên nhưng nhiều người không thích, phần vì bị lệ thuộc và quan trọng hơn là giá các tour vào mùa du lịch khá cao. Bất hợp lý là giá nhiều tour trong nước cao hơn tour nước ngoài, như tour Sài Gòn - Hà Hội - Hạ Long cao hơn nhiều so với giá tour Thái Lan cùng thời gian và cũng bằng đường hàng không nên nhiều người chọn đi nước ngoài, vừa rẻ lại được hưởng nhiều dịch vụ, phục vụ chu đáo, nhất là không sợ bị nạn hàng rong chèo kéo, giá cả “chặt chém”, cướp giật…; lại được tiếng là đi du lịch nước ngoài, oai chán!

Một vấn đề thật “nhỏ nhưng không nhỏ” mà ngành du lịch khá bị động vì không thể tự quyết được, khi hầu như ở Việt Nam, TP nào cũng thiếu nhà vệ sinh công cộng. Chuyện xây nhà vệ sinh công cộng thật ra đâu phải quá tốn kém. Kể cả xuất công quỹ xây dựng và miễn phí sử dụng. Một khoản đầu tư không đáng gì so với nhiều sự lãng phí khác. Như ở Đà Lạt có một nhà vệ sinh công cộng tuyệt đẹp, nhìn từ ngoài như một công trình kiến trúc nghệ thuật nằm ở chân đồi Cù, gần bến xe ngựa bờ hồ Xuân Hương, góc đường Phù Đổng Thiên Vương, Bùi Thị Xuân cực kỳ sạch đẹp, vệ sinh miễn phí, có cả nhân viên phục vụ, có sẵn dép nhựa ở cửa để khách đổi giày dép khi vào vệ sinh! Một mô hình nên nhân rộng ở các TP khác nhưng cần rải đều TP chứ không chỉ làm vài cái ở những phố sang trọng để “lấy điểm”!

Một động thái tích cực khác đối với ngành du lịch là ngày 15-5 vừa qua, TP Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách với sự phối hợp giữa năm đơn vị gồm: Phòng Cảnh sát trật tự, Trung tâm Cấp cứu 115, Chi cục QLTT, Thanh tra Sở GTVT và Trung tâm An ninh hàng không. Du khách sẽ được hỗ trợ nếu bị tai nạn, trộm cướp, chèo kéo, bán hàng “chặt chém”, chất lượng dịch vụ giá cả… Số điện thoại trung tâm được thông báo rộng rãi để du khách biết. Hy vọng đây sẽ là tiền đề tác động tới các TP du lịch khác trong cả nước.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm