Nâng chất cổ phiếu để chứng khoán hồi sinh

Bốn phiên chứng khoán đầu năm trên hai sàn Hà Nội và TP.HCM tăng điểm liên tục, VN-Index tăng thêm 11 điểm, đạt 401 điểm. Quan trọng hơn, thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể, có phiên giao dịch luồng tiền vào hai sàn gần 1.400 tỉ đồng. Chứng khoán đầu năm khởi sắc là vậy. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận về chứng khoán năm 2012 lạc quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kênh huy động vốn này vẫn còn nhiều khuyết tật và rất cần những liều thuốc mạnh để bừng tỉnh, nhất là việc mổ xẻ và siết chặt về quản trị, minh bạch từ phía các công ty niêm yết.

Tăng vì chính sách

Chứng khoán tăng vì chính sách. Điều này mới nghe có vẻ như không thuận tai. Vì giá cổ phiếu tăng giảm là do cung cầu thị trường, từ luồng tiền đổ vào của nhà đầu tư. Tuy nhiên, điểm qua động thái các chính sách thì nhận định trên có vẻ đúng.

Ngay từ đầu năm 2012, các cơ quan quản lý lập tức đã tiến hành một số động thái cụ thể, chẳng hạn từ ngày 6-2 tới, sàn HOSE sẽ đưa chỉ số VN30 vào sử dụng, đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán được Bộ Tài chính thông qua… Nhà đầu tư chỉ giải ngân khi cảm thấy an tâm và có kỳ vọng vào giá cổ phiếu sinh lợi.

Mặt khác, so với các năm trước đây chính sách dành cho tiền tệ hay được công bố sớm thì năm nay, chứng khoán dường như đã giật cờ chạy hàng đầu. Bên cạnh đó, vấn đề đau đầu nhiều năm của nền kinh tế là lạm phát liên tục tăng cao cũng đã được khẳng định quyết tâm tìm thuốc chữa. Việc Quốc hội phê chuẩn điều hành của Chính phủ năm 2012 phải hướng lạm phát xuống dưới một con số (9%-9,5%) là tiền đề quan trọng để lãi vay hạ nhiệt…

Chương trình cứu chứng khoán đã khởi động nhưng thị trường có cơ hội hay không thì vẫn bỏ ngỏ vì chất lượng hàng hóa (cổ phiếu) niêm yết vẫn chưa được “chuẩn” lại.

Nâng chất cổ phiếu để chứng khoán hồi sinh ảnh 1

Sàn chứng khoán năm 2011 làm nhiều nhà đầu tư đứng tim. Ảnh: HTD

Cổ phiếu “xanh vỏ đỏ lòng”

Dư luận lâu nay dường như ít soi vào chất lượng cổ phiếu niêm yết. Trong năm 2011, điều mà nhiều nhà đầu tư chán nản là chứng khoán sụt giảm không phanh, giá cổ phiếu trên sàn có mã giảm đến mức không thể bán ra để mua ly trà đá. Trong bối cảnh ấy, người ta chỉ nghĩ rằng do kinh tế khó khăn nên chứng khoán ảm đạm chứ ít nghĩ về các khuyết tật của công ty niêm yết.

Chính vì vậy, dù Luật Chứng khoán quy định công ty niêm yết phải là công ty đại chúng (có vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên và có từ 100 cổ đông trở lên, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp) nhưng nhiều công ty lại hoạt động và có sở hữu như một công ty gia đình. Thậm chí trên sàn có công ty mà tất cả thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) là người trong một gia đình, còn nhiều công ty khác thì có người thân nắm giữ cổ phiếu từ 60% đến 80%. Việc này khiến cổ phiếu không có thanh khoản do cổ đông nội bộ nắm hết. Các cổ đông nhỏ lẻ sở hữu cổ phiếu các công ty dạng này sẽ gặp nhiều bất lợi. Lý do: Các quyết định quan trọng ở công ty đều bị các thành viên thân thích bỏ phiếu áp đảo.

Chuyện chất lượng hàng hóa niêm yết còn bộc lộ yếu kém ở khâu minh bạch. Có không ít công ty niêm yết trên sàn thường xuyên bị phạt vì chậm công bố thông tin, thậm chí che giấu thông tin hoặc làm giá. Việc này có thể thấy rõ ở chuyện thành viên HĐQT các công ty niêm yết mua bán cổ phiếu quỹ như chơi trò tung hứng, lúc giá cổ phiếu xuống thì công bố mua vào số lượng đến hàng triệu nhưng sau đó lại công bố không mua vì lý do chưa thu xếp được tài chính (?).

Có công ty lợi dụng cơ chế lỏng lẻo để trốn thuế, để chuyển giá. Trên sàn, nhiều công ty có các thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc nắm giữ khá nhiều chức vụ chủ chốt ở các công ty khác. Có người làm chủ tịch HĐQT kiêm nắm giữ chức tổng giám đốc của bên kia. Như vậy, việc tạo ra lãi, lỗ có lợi cho bản thân, nhóm lợi ích tại nhiều công ty dễ dàng gây thiệt hại cho các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ.

Về chất lượng quản trị doanh nghiệp, lại cũng khá nhiều công ty mang tiếng tập đoàn, kinh doanh đa ngành nghề nhưng thiếu nhiều thứ, từ nhân sự cho đến chiến lược kinh doanh. Không ít công ty công bố báo cáo tài chính cho thấy sử dụng nợ vay quá lớn nên chi phí lãi suất vay nuốt hết lợi nhuận. Có nhiều công ty liên tục điều chỉnh và không có kế hoạch cũng như chiến lược kinh doanh khả thi. Khi thị trường lên thì công ty niêm yết tranh thủ phát hành trái phiếu, cổ phiếu huy động vốn rồi đem tiền đó sử dụng không đúng mục đích; khi làm ăn thua lỗ, buộc phải công bố thông tin thì lại xin rút niêm yết… Thành thử, chuyện lên sàn niêm yết nghiêm túc hóa ra giống như trò trẻ con!

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán là một việc lâu dài. Nhiều thay đổi về khung pháp lý, điều hành cũng đang được các cơ quan quản lý triển khai. Nhưng việc thay đổi chất lượng hàng hóa niêm yết thì chưa thấy ai nói tới. Nhìn nhận việc này, các nhà đầu tư lại phán rằng nếu tình hình tiếp diễn, dù đầu năm Thìn chứng khoán có tăng thì cũng chỉ dưới dạng “xanh vỏ đỏ lòng”!

Song hành cùng chính sách tiền tệ

Theo tôi, muốn cứu chứng khoán thì phải thực thi các giải pháp liên tục và đồng bộ như đã đề ra, khó có thể nói ưu tiên cho cái nào trước. Năm nay là năm có nhiều khó khăn do các quỹ đóng đến thời hạn phải thoái vốn, rút tiền ra còn các quỹ mở mới cho thành lập thì chưa có thời gian huy động nguồn tiền của các cá nhân, tổ chức bên ngoài đổ vào. Mặt khác, khó khăn của thị trường chứng khoán chính là khó khăn chung của doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Các năm qua, lãi suất cho vay quá cao nên nhiều doanh nghiệp niêm yết đua nhau phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động tiền. Việc này, diễn ra trong một thời gian dài nên nguồn tiền trong dân vào chứng khoán cũng cạn.

Để chứng khoán hồi sinh và trở thành kênh huy động vốn trung hạn cho nền kinh tế thì ngoài các giải pháp của ủy ban chứng khoán (tái cấu trúc công ty chứng khoán, đổi mới hai sở giao dịch, hoàn chỉnh khung pháp lý, đào tạo xây dựng nhà đầu tư…) thì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng phải linh hoạt.

Ông NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG CHINH, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sen Vàng

Minh bạch công ty niêm yết

Việc cần làm ngay là minh bạch hóa thị trường và siết các công ty niêm yết về quản trị. Dù khung pháp lý, điều hành thị trường chứng khoán có chặt đến mấy mà chất lượng hàng hóa niêm yết có vấn đề thì nhà đầu tư không đổ dòng tiền vào cổ phiếu.

TS NGUYỄN VĂN THUẬN, Trưởng khoa Kế toán, tài chính, ngân hàng, Trường ĐH Mở TP.HCM

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm