Ngân sách bị vi phạm rộng khắp, trầm trọng

Các chuyên gia nói gì về những con số “giật mình”, về đủ các kiểu “rút ruột” cũng như “chơi sang” tiền nhà nước?

Ngân sách bị vi phạm rộng khắp, trầm trọng ảnh 1* Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:

Tránh để kết quả kiểm toán bị “nhờn thuốc”

Tôi cho rằng việc công khai kết quả kiểm toán là rất đáng hoan nghênh. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang tiến dần tới nền kinh tế công khai minh bạch hơn. Hành động này rất cần thiết và sẽ có ý nghĩa hơn khi được đăng tải toàn văn trên mạng Internet cũng như các phương tiện thông tin khác, sao cho nhân dân, doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức cũng như chính quyền có thể phân tích, nghiên cứu và suy ngẫm.

Kết quả kiểm toán lần này cho thấy tình hình vi phạm tài chính, ngân sách ở các đơn vị được kiểm toán không thuyên giảm so với lần trước, thậm chí còn rộng khắp, trầm trọng hơn. Điều đó nói rằng chỉ nêu thông tin mà thiếu phương pháp xử lý thì thông tin không còn nhiều ý nghĩa. Theo tôi, báo cáo kiểm toán cần được đưa vào các chương trình làm việc của Quốc hội, các cấp HĐND, thảo luận, phân tích, rút ra kết luận và có hình thức chế tài phù hợp, tránh tình trạng ném đá ao bèo, tránh việc kết quả kiểm toán trở nên “nhờn thuốc”.

Ngân sách bị vi phạm rộng khắp, trầm trọng ảnh 2* Tiến sĩ Trần Đình Thiên (phó viện trưởng Viện Kinh tế VN):

Càng công khai, càng dễ quản lý

Kết quả kiểm toán vừa công bố tuy rất nhiều con số “giật mình” nhưng theo tôi vẫn là chuyện đáng mừng. Bởi ít ra sự đáng giật mình đã được công khai. Đây là một bước tiến đáng mừng trong quản trị quốc gia. Kết quả vừa qua cho thấy ở cả hệ thống cơ chế và bộ máy nhà nước đều có nhiều vấn đề bất cập cần điều chỉnh.

Có một biện pháp chống thất thoát rất hiệu quả. Đó là phải khắc phục việc ngân sách đổ quá nhiều vào các dự án đầu tư phát triển. Thật ra đây là phần việc của doanh nghiệp, của thị trường, không phải của Nhà nước. Bộ máy hành chính ôm đồm một khối lượng dự án khổng lồ, trong khi năng lực quản lý giám sát không cao thì càng dễ thất thoát.

Nhà nước càng gạt bớt những dự án đầu tư phát triển, hỗ trợ phát triển theo hình thức bao cấp thì càng ít phải bỏ ngân sách, dễ quản lý. Càng công khai minh bạch việc phân bổ chi tiêu ngân sách càng dễ quản lý. Thay vì Chính phủ phải giám sát “một mình” thì có càng nhiều cơ quan, tổ chức, nhân dân giám sát sẽ tốt hơn. Tất nhiên những điều đó phải đi đôi với chế tài, xử lý cũng như những cơ chế quản lý giám sát hiệu quả.

Ngân sách bị vi phạm rộng khắp, trầm trọng ảnh 3* Bà Dương Thu Hương (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội):

Đẩy nhanh cải cách hành chính

Trong báo cáo thấy nổi lên con số thất thoát trong lĩnh vực chi tiêu hành chính còn lớn hơn cả số ngân sách bị vi phạm trong chi đầu tư phát triển.

Đây không chỉ đơn thuần là việc chúng ta bàn với nhau làm sao để kiểm soát chi hành chính tốt hơn, mà gốc rễ của nó nằm ở chỗ phải đẩy nhanh cải cách hành chính, cải tiến mô hình tổ chức để có một bộ máy phục vụ dân nhẹ nhàng, năng động và hợp lý. Phải nhìn nhận lại chúng ta có cần nhiều cán bộ như thế không, cơ quan hành chính nhà nước có phải là nơi tạo công ăn việc làm “hào phóng” đến thế không? Tôi đi đến nhiều địa phương, đặc biệt các phường, xã... thấy bộ máy cồng kềnh quá.

Chúng ta cứ hô hào kiểm soát tài chính, nhưng cứ đem tiền của dân, đem ngân sách nhà nước ra nuôi bộ máy như thế thì cũng chính là hợp thức hóa... sự lãng phí.

* Danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được kiểm toán niên độ 2005: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Điện Biên, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

* Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi nộp ngân sách chi sai chế độ tại một số tỉnh thành có vi phạm điển hình như sau:

- Khoản chi thường xuyên: Bình Dương: 11,6 tỉ; Hà Nội: 4,2 tỉ; Đắc Nông: 7,743 tỉ; Cà Mau: 4,8 tỉ, Thanh Hóa: 1,03 tỉ...

- Khoản chi xây dựng cơ bản: Hà Nội: 5 tỉ, Ninh Bình: 2,2 tỉ; Đồng Nai: 3 tỉ, Bạc Liêu: 6 tỉ, Cà Mau: 2 tỉ, Quảng Trị: 2 tỉ...

Dự án đường hầm Viện Hải dương học Nha Trang:

Phải đầu tư thêm 50-80 tỉ đồng mới hoạt động được!

Ngân sách bị vi phạm rộng khắp, trầm trọng ảnh 4Dự án cải tạo và mở rộng Viện Hải dương học Nha Trang đã đổ vào hơn 7 tỉ đồng cho hạng mục đường hầm, hoàn thành năm 2002 nhưng đến nay cũng chỉ để không. Kể từ khi dự án hoàn thành cho tới nay, cả hai cửa vào hầm vẫn thường xuyên im ỉm khóa. Bên ngoài cửa phía nam chỉ có hai "mỹ nhân ngư” bằng đá khoe ngực đứng canh. Còn ở cửa bắc thì đầy cỏ dại, cây hoang (ảnh).

Theo tiến sĩ Bùi Hồng Long - viện trưởng Viện Hải dương học, nếu muốn đưa đường hầm vào sử dụng, khai thác thì cần được đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị bên trong "ruột" hầm mới đảm bảo các yếu tố như: ánh sáng, thông gió, thoát nước, đảm bảo môi trường cùng các công năng chuyên môn khác... Và theo dự án đầu tư cho "ruột" hầm mà Viện Hải dương học mới lập thêm cách đây gần hai tháng, "muốn cho khu nuôi thuần hóa sinh vật biển thí nghiệm đi vào hoạt động cần phải đầu tư kinh phí gần 50-80 tỉ đồng" nữa.

PHAN SÔNG NGÂN - Q. THIỆN - N.HẰNG<EM> (Theo TTO)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm