Người tiêu dùng nháo nhào sắm Tết

Đồ khô, hoa quả hút hàng

Do chưa quá giáp Tết nên các bà nội trợ đều mua sắm những mặt hàng để được dài ngày như mặt hàng khô, gạo, hoa quả chuẩn bị bày biện ngày Tết. Cá, thịt... thường là để vài ngày nữa mua cho tươi.

Chị Thu (Long Biên) sáng 26 Tết đong thêm 20kg gạo ngon, không quên trộn thêm gạo tám để dành ăn Tết. Giá gạo có tăng, nhưng không đáng kể. Chủ đại lý gạo này cho biết, gạo nếp cũng bán chạy hơn cả do người dân mua để chuẩn bị gói bánh chưng. Chỉ trong ngày, bà đã bán được hàng trăm ký.

Sáng 27 Tết, chợ vẫn chưa đông (ảnh Đắc Triển).
Sáng 27 Tết, chợ vẫn chưa đông (ảnh Đắc Triển).

Mặt hàng được lựa chọn mua nhiều hơn cả là đồ khô, như bóng bì, mộc nhĩ, nấm hương, miến, mì chính, nước mắm... , với mức giá chỉ tăng thêm vài nghìn: bóng 20.000 đồng/lạng, loại ngon 30.000 đồng; nấm hương 20.000-25.000 đồng/lạng, miến 25.000 đồng/lạng. Chị Khánh ở Ngọc Khánh khoe rằng đã mua được 5 lạng măng khô, ngâm dần, mỗi ngày đun một lúc để đến 30 Tết là có một nồi canh ăn 3 ngày Tết.

Ngoài ra, hoa quả cũng rất hút hàng. Trong nhà bà Hoa, một cửa hàng chuyên bán chuối ở Bồ Đề (Long Biên), vài chục buồng đang chờ được pha (cắt từng nải). Hai ngày nay, người mua lúc nào cũng tấp nập. Bà nội trợ nào cầu kỳ thì chọn nải gót, quả to và đẹp, giá 45.000-50.000 đồng/nải, thậm chí lên tới 60.000 đồng/nải. Nải chuối bình thường thì chỉ 25.000-30.000 đồng.

Các mặt hàng khác như cam canh, giá 22.000-25.000 đồng/kg; cam Văn Giang 20.000 đồng/kg; bưởi 20.000-30.000 đồng/quả tuỳ loại to nhỏ, màu sắc; rồi na, táo, xoài... cũng bắt đầu bán chạy, giá không tăng nhiều so với ngày thường. Riêng mía hiện chỉ 12.000-15.000 đồng/cây, song, dự báo cận Tết cũng phải lên tới 40.000 đồng/cây.

Đối với mặt hàng thịt, cá, tại hầu hết các chợ đầu mối ở Hà Nội, sức mua của người dân vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Mặc dù vậy, giá các loại thịt đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên, khoảng 5.000 - 15.000 đồng/kg so với cách đây một tuần. Chủ nhật vừa rồi (18/1), chị Hà đã phải mua gà trống ta với giá 78.000 đồng/kg ở chợ Phúc Xá (Tây Hồ). Chị dặn người bán 30 Tết để thêm cho một con, giá theo thị trường.

Tại các chợ Vĩnh Hồ, Thái Hà, gà ta còn tăng lên 90.000 đồng/kg, còn ở chợ Cầu Giấy, các chủ sạp hàng đều bán với giá 100.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp cũng dao động trong khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg tùy từng nơi. Thịt bò cũng tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/kg so với ngày trước, thăn lên 130.000 đồng/kg; bắp 125.000 đồng/kg...

Do đây là các mặt hàng tươi nên chị Hoàng (Cầu Giấy) đặt người quen 2kg thăn, 6 cái bắp bò, 2 con gà ngon, đến đúng 30 Tết mới lấy. Còn tôm, cua, chị mua trước, vứt trong ngăn đá tủ lạnh, dùng dần vì sát Tết rất đắt, khó mua.

Không lo quá đắt

Đến 26 Tết, hầu hết các chợ tại Hà Nội như Phúc Xá (Tây Hồ), Chính Kinh (Thanh Xuân), Hợp Nhất (cuối đường Trung Kính), chợ Cầu Giấy, chợ Thành Công, Long Biên... mới chỉ đông một lúc buổi sáng. Từ 8h trở ra chợ vắng dần, người mua thưa thớt. Nhiều người cho rằng, phải từ 27 Tết trở ra, chợ mới đông và họp đến tận trưa.

Chuối, hoa quả được mua nhiều hơn cả (ảnh Đắc Triển)
Chuối, hoa quả được mua nhiều hơn cả (ảnh Đắc Triển)

Hơn nữa, mặc dù các chợ cóc trong khu dân cư đã tràn ra mặt đường, hàng hoá bày la liệt nhưng các tiểu thương chợ Chính Kinh nhận xét, sức mua của người dân hiện vẫn bình thường, thậm chí là còn không bằng thời điểm này năm trước. Một người bán hoa quả cho biết, chị phải đi từ 2h30 sáng đến chợ đầu mối Long Biên lấy hàng. Mất hơn 2 tiếng mới ra khởi chợ do tắc đường vì đông, vậy mà ngồi đến 9h sáng, hàng vẫn đầy sạp.

Hầu hết các tiểu thương tại chợ đều cho rằng, giá có tăng nhưng cũng tăng cả chục ngày rồi, chứ không phải cận Tết mới tăng. Mức tăng cũng không đáng kể. Duy chỉ có một số mặt hàng rau quả tăng mạnh, như chuối xanh chỉ ngày Tết mới bán chạy và đắt như vậy. Cà chua giá cũng "vọt" lên 20.000-22.000 đồng/kg do năm nay mất mùa bởi mưa lũ cao điểm tháng 11/2008, còn tư thương đã dừng nhập mặt hàng này từ Trung Quốc.

Đậu cô ve, rau muống, hành tây, súp lơ, các loại rau thơm... cũng bắt đầu nhúc nhích tăng giá. Song, đó là do ngày Tết chợ nghỉ, người tiêu dùng mua để tích ăn 3 ngày Tết.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV.VietNamNet, hàng Tết khá dồi dào. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), dự báo, giá các loại thịt gà, lợn, trâu, bò... sẽ chỉ tăng dao động ở trong khoảng 10% so với mức ngày thường. Hiện nhiều vùng chăn nuôi lớn như Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội), Hưng Yên, Vĩnh Phúc... nhiều lứa gia súc, gia cầm đã đến kỳ xuất chuồng với số lượng lớn.

Vì thế, nhiều chuyên gia khuyên người dân không nên vội vã và lo lắng trước sự tăng giá nhất thời này.

Hơn nữa, người dân cần bình tĩnh khi đi mua sắm hàng Tết, không quá vội, dễ mua phải hàng giả, hàng quá hạn sử dụng hoặc mua phải thực phẩm không tươi, ngon. Ngày Tết, ai cũng bận bịu nên tâm lý người tiêu dùng muốn mua nhanh, bán nhanh nên lựa chọn không cẩn thận, rất dễ "mắc bẫy" về chất lượng, giá cả.

Ví như, mua lá dong nếu người tiêu dùng không tinh mắt dễ mua phải lá rừng chỉ 20.000-25.000/bó 100 lá, trong khi lá quê 40.000-50.000 đồng/bó (mới cho bánh chưng xanh), hay chọn phải thịt lợn ôi, gà ta quê nhầm lẫn gà ta nhưng nuôi công nghiệp hay gà tam hoàng, thịt bò với thịt trâu.

Theo Hà Yên (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm