Người Việt có mang đôla sang Lào gửi?

Sau gần một tuần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất tiền gửi USD từ 0,25% về mức 0%, một số ngân hàng thương mại cho biết nhiều người đã bán USD lấy VND gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng thừa nhận một dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán, vàng…) sinh lời hơn.

Câu hỏi được đặt ra là khi lãi suất USD bằng 0%, liệu người dân có mang tiền ra nước ngoài gửi? Các ngân hàng thương mại vẫn đang cho doanh nghiệp (DN) vay bằng USD, vậy nếu không huy động được thì lấy gì để cho vay?...

Nhu cầu đồng đôla tăng

Theo ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc hạ lãi suất đồng USD về 0% sẽ khiến người dân có thể bán đôla cho ngân hàng nhiều hơn, dự trữ ngoại hối sẽ tăng. Nhưng hiện nay các DN xuất nhập khẩu vẫn buộc phải vay USD để thanh toán với đối tác nước ngoài, đặc biệt dịp cuối năm nhu cầu này tăng mạnh.

Trên nguyên tắc ngân hàng phải cân đối giữa huy động và cho vay, huy động được thì mới có tiền để cho vay.

“Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cho vay, đồng nghĩa với việc huy động USD tại Mỹ cũng tăng trong khi đó lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam bằng 0%. Còn trên thị trường tự do tại Việt Nam, giá USD vẫn giao dịch ở ngưỡng cao (có thời điểm gần ngưỡng 22.900 VND/USD - PV).

Trong bối cảnh trên, liệu ngân hàng có huy động được ngoại tệ? Nếu ngân hàng không huy động được hoặc huy động được ít thì làm sao đáp ứng được nhu cầu của DN?”- ông Tiến băn khoăn.

Đặt vấn đề giả sử nếu người dân đồng loạt rút USD quá nhiều ra khỏi ngân hàng do không được hưởng lãi suất, trong khi ngân hàng vẫn tiếp tục phải cho vay thì điều gì sẽ xảy ra? TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng lúc này ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản ngoại tệ.

  Việc hạ lãi suất đồng USD về 0% sẽ khiến người dân có thể bán đôla cho ngân hàng nhiều hơn. Ảnh: Trần Việt

“Tuy vậy, sau khi NHNN hạ lãi suất đồng USD bằng 0% đến nay tôi thấy chưa có hiện tượng rút đôla ồ ạt. Thực tế với người dân bình thường có thể bán USD ra lấy VND gửi tiết kiệm. Với những người còn găm giữ ngoại tệ đến giờ có thể là họ đầu cơ chờ kiếm lợi” - ông Hiếu nhìn nhận trấn an.

Chẳng hạn gửi 100.000 USD với lãi suất 0,25%/tháng cho kỳ hạn 12 tháng (sau thời gian này sẽ nhận về 250 USD, tương đương 20 USD/tháng). Nay lãi suất bằng 0% nghĩa là họ mất đi 20 USD/tháng cũng không lớn. Trong khi với những người đầu cơ, họ sẽ chờ đôla trên thị trường tự do tăng giá bán ra có lời hơn.

“Cho nên dù lãi suất USD về 0% họ vẫn sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt hại trước mắt và giữ lại USD. Chính điều này khiến việc huy động ngoại tệ trong ngân hàng chưa bị ảnh hưởng nhiều” - ông Hiếu phân tích.

Lo ngoại tệ chảy ra nước ngoài

“Việc đưa lãi suất đôla bằng 0% có mặt lợi là làm giảm tình trạng găm giữ USD. Cung cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ cân bằng hơn nhờ dòng ngoại tệ chảy ra thị trường nhiều hơn” - TS Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, trước đây lãi suất USD tại Việt Nam cao nên nhiều Việt kiều gửi tiền về cho người thân để hưởng lãi suất, nay dòng tiền này có thể sẽ về Việt Nam chậm lại do không có lãi suất.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây có ý kiến cho rằng với lãi suất USD bằng 0% thì người dân, DN Việt có thể sẽ tìm cách đem ngoại tệ gửi tại các ngân hàng Việt Nam có chi nhánh ở các nước. Thậm chí có người còn tính toán rằng nếu gửi ở các ngân hàng Việt Nam tại Lào sẽ được hưởng lãi tới 6%, trong khi nếu gửi trong nước không được hưởng đồng lãi nào.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định rất khó để thực hiện được điều này, vì NHNN có những quy định chặt chẽ trong quản lý ngoại hối. Chẳng hạn, việc chuyển tiền đôla đi nước ngoài chỉ được thực hiện trong các trường hợp như chuyển tiền cho con đi học, khám chữa bệnh…

“Trong trường hợp nếu gửi tiền ra nước ngoài được, khi rút ra mang về nước thế nào cũng là chuyện không dễ, cho nên không quá lo ngại vấn đề này” - ông Hiếu trấn an.

Khó tránh khỏi áp lực tỉ giá

Diễn biến trên thị trường những ngày qua cho thấy dù NHNN đã hạ lãi suất tiền gửi USD về mức 0% nhằm hạn chế tâm lý găm giữ USD và ổn định thị trường, song tỉ giá tại các ngân hàng vẫn đứng ở mức kịch trần.

Ví dụ ngày hôm qua (23-12), tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra vẫn neo ở mức kịch trần 22.547 VND/USD.

Bên cạnh đó, tâm lý găm giữ đồng bạc xanh vẫn còn, vì nhiều người sợ nếu đổi USD sang VND, sau đó cần giao dịch lại không đổi được. Điều này đang gây áp lực mạnh lên vấn đề tỉ giá.

Thêm nữa đồng USD đang mạnh lên, nhu cầu ngoại tệ của người dân, DN tăng cao vào thời điểm cuối năm, đồng nhân dân tệ liên tục mất giá… đang ngày càng gia tăng áp lực lên tỉ giá.

Kiều hối về TP.HCM vẫn tăng

Qua theo dõi hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM thời gian gần đây cho thấy cung cầu USD trên thị trường không có dấu hiệu tăng đột biến. Số lượng ngoại tệ mua vào có tăng lên, kiều hối về vẫn tăng.

Dự kiến năm 2015 lượng kiều hối về TP.HCM ước đạt khoảng 5,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2014. Con số này cũng cao hơn so với mức dự kiến ban đầu là 5,2 tỉ USD.

Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM

Theo tính toán của một số chuyên gia, hiện nay người nắm giữ VND vẫn lợi hơn so với đôla vì lãi suất chênh lệch lớn. Ví dụ, nếu gửi USD không được hưởng lãi thì gửi VND ở các kỳ hạn dài lãi suất lên đến 7%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm