Nhiều công ty chứng khoán tự rút lui

Tạm dừng nghiệp vụ môi giới, đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, chuyển hướng đầu tư, giảm nhân sự… là những hoạt động dồn dập gần đây của các công ty chứng khoán (CTCK).

Đóng cửa giao dịch

Tổng giám đốc một CTCK ở TP.HCM cho biết đang có hiện tượng các CTCK tự rút lui. Lý do là Ủy ban Chứng khoán (UBCK) đang phân nhóm và siết lại hoạt động các CTCK theo đề án tái cấu trúc vừa được thông qua. Thông tin này khá chính xác vì những ngày gần đây ở mục “Công bố thông tin” của UBCK liên tục xuất hiện các công bố CTCK đóng cửa phòng giao dịch, đóng cửa chi nhánh, tạm ngưng môi giới…

Mới nhất là CTCK SMS thông báo nghị quyết đại hội đồng cổ đông, trong đó nêu từ ngày 1-3 sẽ tạm ngừng nghiệp vụ môi giới chứng khoán, đóng cửa chi nhánh giao dịch tại TP.HCM… Trước đó, CTCK Đông Dương cũng thông báo dừng nghiệp vụ môi giới, chuyển danh sách khách hàng cho CTCK KimEng. Công ty SME cũng thông báo ngừng giao dịch chứng khoán mới, cam kết hỗ trợ khách hàng làm thủ tục tất toán và chuyển tài khoản sang công ty khác…

Tại Hà Nội, một số nhà đầu tư còn phản ánh gần đây có nhiều CTCK chuyển trụ sở hoạt động đi nơi khác mà không thông báo cho khách hàng. Trước đó, trong dịp tết, nhiều CTCK không thưởng tết cho người lao động, thậm chí còn nợ lương.

Nhiều công ty chứng khoán tự rút lui ảnh 1

Nhiều CTCK để hút khách đã cho vay quá tay. Ảnh minh họa: M.THẢO

“Tự xử” vì bội thực số lượng

Theo thống kê, hiện có hơn 105 CTCK đang hoạt động nhưng nắm thị phần chi phối thị trường chỉ khoảng 20 CTCK, các CTCK còn lại chỉ hoạt động không hơn một quỹ đầu tư. Mới đây, trong công văn gửi Thủ tướng, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất 16 giải pháp vực dậy thị trường chứng khoán, trong đó có việc cần giảm ngay số lượng CTCK từ 105 xuống còn 25 công ty. Theo VAFI, hiện có quá nhiều CTCK dẫn đến hoạt động kém, nguồn nhân lực quản lý bị phân tán và cạnh tranh không lành mạnh.

VAFI dẫn ra có công ty cạnh tranh bằng mọi giá dẫn tới tỉ lệ cho vay cho đầu tư chứng khoán quá lớn (có thời điểm cho nhà đầu tư vay gấp năm lần vốn tự có). Việc CTCK cho vay nhiều đã biến thị trường chứng khoán trở thành một sòng bạc. Hậu quả tất yếu là đa phần các nhà đầu tư bám sàn thua lỗ, mất vốn, kéo theo nhiều CTCK thua lỗ, mất vốn và rơi vào tình trạng giải thể, phá sản.

Mạnh tay hơn nữa

Theo đề án tái cấu trúc CTCK thì từ ngày 10-1 đến 1-4, những CTCK có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% phải thực hiện chế độ báo cáo hằng tuần và những công ty có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% phải báo cáo hằng ngày. UBCK kiểm tra nếu phát hiện CTCK chưa thực hiện tách biệt tài sản của nhà đầu tư thì sẽ yêu cầu công ty thực hiện trong thời hạn tối đa hai tháng… Đồng thời, UBCK đã chỉ đạo hai sở giao dịch, trung tâm lưu ký kiểm soát chặt chẽ vấn đề thanh toán giao dịch của CTCK. Trường hợp liên tục vi phạm thiếu tiền thanh toán, lạm dụng tiền gửi của khách hàng thì UBCK xem xét rút phép nghiệp vụ môi giới.

Tuy vậy, khi bình luận về những giải pháp mà UBCK đề xuất, VAFI lại đánh giá là ít khả thi. “Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có nhiều CTCK ở tình trạng chết dần, chết mòn ăn hết vốn của cổ đông, thậm chí là ăn cả vào vốn vay của ngân hàng và khách hàng… Hiện tại, nhiều cổ đông CTCK muốn rút vốn nhưng không chuyển nhượng được vì không ai mua, kể cả với giá bèo” - VAFI phân tích.

VAFI đề xuất Thủ tướng nên có văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có cổ phần chi phối nhà nước đang nắm cổ phần chi phối tại các CTCK thực hiện ngay việc giải thể, hợp nhất, sáp nhập hoặc thoái vốn hoặc chuyển thành công ty đầu tư chứng khoán.

Cuối tháng 2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Tài chính chỉ đạo UBCK có ý kiến về các vấn đề, đề xuất cứu kênh chứng khoán của VAFI.

Tiêu điểm

2.200

tỉ đồng là mức lỗ được thống kê từ 16 CTCK niêm yết, trong đó lỗ nhiều nhất là CTCK SBS với số lỗ lên đến 620 tỉ đồng.

(Theo báo cáo tài chính 2011 của 27 CTCK)

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm