Nhiều lô nông sản Việt bị các nước trả về: Vì sao?

Ngày 2-11, tại TP.HCM, Cục Bảo vệ thực Vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với tổ chức Hiệp hội nông nghiệp toàn cầu CropLIfe Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam”.

Mục đích nâng cao hiểu biết về tiêu chuẩn mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép trên nông sản (MRL), tầm quan trọng của việc xây dựng và quản lý tiêu chuẩn này trong thương mại quốc tế.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết mặc dù Việt Nam đã có văn bản quy định và xây dựng các tiêu chuẩn về MRL tuy nhiên việc thực thi, quản lý còn gặp nhiều khó khăn do quá trình này đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm thực hiện của tất cả đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị phát triển sản phẩm, công ty chế biến, sản xuất, đóng gói, nông dân và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn MRL hiện không đồng nhất giữa các quốc gia, dữ liệu thường xuyên cập nhật và việc truy suất dữ liệu không thuận lợi cũng tạo thêm các khó khăn trong quá trình thực thi.

Một trong các cách tiếp cận đang thảo luận hiện nay trên thế giới là hài hòa hóa tiêu chuẩn MRL giữa các nước và trong khu vực. Cách tiếp cận này cho phép các nước có gói dữ liệu chung, công nhận kết quả thử nghiệm lẫn nhau và cùng áp dụng chung các mức dư lượng.

TS Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn vì vượt mức dư lượng đối với hàng xuất khẩu, một số DN đã bị các thị trường Mỹ, EU, Úc , Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… trả hàng về. Các loại nông sản bị ảnh hưởng nhiều nhất là trái cây (thanh long, xoài,…), hồ tiêu, chè, rau,…

Yêu cầu mức dư lượng thuốc BVTV khắt khe là một trong những hàng rào kỹ thuật gây khó khăn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu. 

Theo TS Tùng, cần xây dựng dữ liệu dư lượng thuốc trừ bệnh/thanh long nhằm trình thiết lập Codex MRL (hợp tác với IR-4, USDA); dữ liệu dư lượng thuốc trừ cỏ/lúa gạo (hợp tác với Eurofins, Đức); dữ liệu dư lượng thuốc trừ bệnh/thanh long (hợp tác với Kaken, Nhật Bản).

Bản thân DN phải nắm vững yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm,  MRL, danh mục thuốc sử dụng tại nước nhập khẩu. Đặc biệt chú ý thuốc cấm sử dụng từ nước nhập khẩu.

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, đại diện Bộ Nông nghiệp Ấn Độ đưa ra câu chuyện DN nước này gặp khó xuất khẩu chè sang Iran do dư lượng của một số thuốc BVTV trong chè nhập khẩu vượt quá MRL của Iran, có dư lượng một số kim loại nặng, độ tin cậy thấp của giấy chứng nhận GMP.

Giải pháp của Ấn Độ là đối thoại song phương, thuyết phục nhà nhập khẩu thuốc BVTV được sử dụng theo GAP và đánh giá rủi ro không cho thấy bất kỳ tác động nào lên sức khỏe của người tiêu dùng tại Iran.

Đồng thời cung cấp dữ liệu về 5 loại thuốc BVTV để sửa đổi mức MRL hiện có tại Iran cho thực tế hơn. Thiết lập MRL của các kim loại nặng nhất định theo quyên tắc ALARA mà không làm ảnh hưởng đến thương mại; giấy chứng nhận GMP có hiệu lực 3 năm, đánh giá chất lượng của các đơn vị xuất khẩu chè.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm