Nhiều người 'nghi ngờ' vai trò của Luật Cạnh tranh

Mặc dù Luật Cạnh tranh đã đi vào thực tế cuộc sống nhưng luật vẫn còn thiếu những điều khoản để có thể kiểm soát được những hành vi không lành mạnh, cản trở sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Nhận định trên được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), đưa ra trong hội thảo lấy ý kiến dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh sửa đổi được tổ chức tại Hà Nội.

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết trên thực tế, Luật Cạnh tranh được coi như hiến pháp của nền kinh tế. Tuy vậy dù Luật Cạnh tranh đã đi vào thực hiện được 12 năm nhưng luật này chưa có hơi thở của cuộc sống.

“Luật Cạnh tranh chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Ở đây không phải Luật Cạnh tranh sai lầm, không đúng thực tế mà là chúng ta chưa thực hiện luật chưa hiệu quả, việc áp dụng luật trong thực tế cuộc sống, trong việc kiểm soát tình trạng cạnh tranh không lành mạnh còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập” - bà Loan nói.

Luật Cạnh tranh là vô cùng cần thiết, bởi luật có thể hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, hạn chế quá trình cạnh tranh không lành mạnh, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, lành mạnh.

Thế nhưng theo bà Loan, trên thực tế rất nhiều người hiện đang nghi ngờ vai trò của Luật Cạnh tranh trong việc thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

“Luật Cạnh tranh là điều luật vô cùng cần thiết thế nhưng kể từ khi áp dụng nó đến nay thì chưa có luật nào lại bị nghi ngờ như thế. Bởi người ta cho rằng luật không thể kiểm soát được những hoạt động không lành mạnh của thị trường” - bà Loan thẳng thắn.

“Sau một thời gian thực thi Luật Cạnh tranh đã bộc lộ nhiều bất cập. Khi luật ra đời đã đưa vấn đề cạnh tranh vào luật chuyên ngành làm môi trường pháp lý chưa đảm bảo được sự thống nhất, chưa thực sự phù hợp, chưa bắt kịp xu hướng phát triển của giới. Điều này dẫn đến thực tế trong nhiều năm qua, luật chưa đi sâu vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh, vai trò của luật trong cuộc sống” - ông Phùng Văn Thành, Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh, thẳng thắn.

Bên cạnh đó, bà Loan còn cho rằng để Luật Cạnh tranh có thể đi sâu vào cuộc sống có thể bám sát hơi thở cuộc sống thì bộ phận những cán bộ thực thi Luật Cạnh tranh và bộ phận những cán bộ những người xử lý các vụ việc cạnh tranh phải là những người có đủ tâm và đủ tầm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm