Nhiều sàn vàng vẫn chưa thể khóa sổ

Hôm qua, ngày 30-3 là hạn chót để các sàn vàng đóng cửa theo quy định của Thủ ướng Chính phủ. Tuy nhiên, một số sàn vẫn còn thực hiện giao dịch, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hoàn tất đóng tài khoản và hợp đồng.

Giao dịch tới giờ chót

Tính tới 2 giờ 50 ngày 30-3, bảng điện tử giao dịch của sàn vàng Việt Nam (VGB) vẫn đang ở trạng thái giao dịch. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 70 lượng, tương đương giá trị đạt 1.829.800 đồng. Số lượng lệnh bán áp đảo lệnh mua, trong khi người mua chỉ chấp nhận giá 25,41 triệu đồng/lượng thì bên bán vẫn cố giữ 25,75 triệu đồng/lượng nên số lượng khớp rất ít.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc VGB, hết ngày 30-3 mà vẫn chưa tất toán hết hợp đồng của nhà đầu tư thì VGB sẽ giải quyết cho từng trường hợp bằng cách thương lượng giữa công ty và nhà đầu tư. Hiện số tài khoản còn lại không đáng kể. Ông Hải cho biết thêm nguyên nhân khiến VGB vẫn chưa tất toán được tài khoản và thanh lý hợp đồng với khách là do một số nhà đầu tư còn số lượng vàng trong tài khoản không nhiều, không chịu đến làm thủ tục tất toán.

Nhà đầu tư Nguyễn Việt Anh tiếc nuối cho rằng giá khớp thấp quá, nếu bán thì lỗ nặng. “Ngày nào chẳng ngó tới bảng giao dịch nhưng cứ nghĩ tới khoản lỗ kia không biết lấy tiền đâu để bù đắp nên tôi cứ đặt lệnh bán giá cao với hy vọng khớp, vậy mà không khớp được” - anh Việt Anh nói.

Nhiều sàn vàng vẫn chưa thể khóa sổ ảnh 1

Hầu hết nhà đầu tư đều tranh thủ tất toán tài khoản, thanh lý hợp đồng. Ảnh minh họa: HTD

Ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Vi Na, cho biết hiện tại sàn của công ty này còn ba tài khoản chưa tất toán và sẽ giải quyết nội trong ngày 30-3.

Cùng thời gian trên, sàn vàng ACB cũng đang thực hiện nốt những giao dịch cuối cùng, số lượng khớp lệnh tại sàn này đạt 60 lượng, tương đương 1.534.680 đồng. Số nhà đầu tư còn mắc kẹt lại sàn này với số lượng vàng khá nhiều. Nhiều người còn tới 20 lượng.

Nhiều sàn đã đóng cửa từ sớm

Bên cạnh đó, một số sàn vàng đã chấp hành nghiêm yêu cầu của Thủ tướng nên đã tìm cách tư vấn cho nhà đầu tư thực hiện chốt lời, cắt lỗ ngay sau khi có yêu cầu đóng cửa sàn vàng. Do vậy, hầu hết nhà đầu tư đều tranh thủ tất toán tài khoản, thanh lý hợp đồng sớm.

Ngày 11-3, sàn vàng Eximbank đã gửi thông báo đến nhà đầu tư về việc đóng trạng thái và chấm dứt hoạt động vào lúc 17 giờ ngày 25-3. Trong khoảng thời gian từ 25 đến 30-3, sàn Eximbank đã thực hiện mua/bán đối ứng để đóng trạng thái theo giá vàng thế giới đối với những khách hàng còn vàng trong tài khoản.

Theo ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, sau 17 giờ ngày 25-3, sàn vàng này sẽ tự động thanh lý mọi hợp đồng với khách hàng và các tài khoản liên quan đến đầu tư tại sàn. Khách hàng nào còn tiền trong tài khoản sẽ được sàn chuyển vào tài khoản thanh toán của khách, còn vàng sẽ được sàn này quản lý và khách hàng phải trả phí. Ông Châu cho biết thêm tính tới thời điểm này, sàn đã tất toán hết tài khoản khách hàng và không nhận được bất kỳ khiếu nại nào của nhà đầu tư.

Hiện website của sàn vàng Eximbank, Sacombank-SJC, Việt Á… đã hoàn toàn đóng cửa, không thể truy cập được. Lãnh đạo các sàn này cho biết sàn ngưng hoạt động và giải quyết thỏa đáng xong các yêu cầu của nhà đầu tư.

Ngày cuối ngậm ngùi

Hầu hết lãnh đạo sàn vàng đều khẳng định sẽ khóa tài khoản hết ngày 30-3, thế nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn không tìm được tài khoản đối ứng khiến nhiều sàn vàng tại TP.HCM khó có thể đóng cửa trước 12 giờ cùng ngày như quy định. Ghi nhận tại một số sàn vàng như VGB, VNS, Vi Na cho thấy khó có thể “chốt” xong trước 12 giờ.

Ngày cuối cùng tại các điểm giao dịch của một số sàn vàng thật ảm đạm, cả nhân viên giao dịch và nhà đầu tư đều trong tâm trạng uể oải, mệt mỏi. Không ai nở nổi một nụ cười. Giá vàng tiếp tục xuống, nhà đầu tư phải bấm bụng bán lỗ để thanh lý hợp đồng.

Những nhân sự cuối cùng của sàn đang làm việc ngày cuối cùng, không phải ai cũng dễ dàng tìm ngay cho mình được công việc phù hợp. “Tôi sẽ nghỉ một tuần để đi tìm công việc mới nhưng không phải dễ. Tâm lý đã sẵn sàng cách đây hai tháng nhưng… vẫn luyến tiếc công việc này. Không biết tháng tới lấy tiền đâu để trả góp tiền nhà cho ngân hàng” - một nhân viên tư vấn của sàn VGB ngậm ngùi.

Không chỉ nhân viên, nhân sự ở các vị trí quản lý cũng tiếc nuối không kém. Có người góp cổ phần thành lập sàn vàng, có người bỏ vị trí khá tốt ở những công ty khác để về sàn làm việc. Nay có những người đã tìm được các vị trí khá tốt ở các công ty chứng khoán, có người mở công ty riêng nhưng không ít người đang bơ vơ chưa biết đi về đâu. Trưởng phòng kinh doanh của một sàn vàng tại TP.HCM buồn bã dứt áo ra đi từ vị trí giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán, tưởng về sàn vàng sẽ ổn định...

THỦY AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm