Những lỗ hổng khiến ngân hàng sập bẫy

Vụ một công ty dùng một kho cà phê thế chấp tận bảy ngân hàng (NH) vay 600 tỉ đồng trong khi giá trị thực chỉ có 100 tỉ đồng đang gây chấn động dư luận. Mới đây BIDV Chi nhánh Bạc Liêu vừa gửi đơn cho công an tỉnh tố cáo Công ty CP Thủy sản Minh Hiếu có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tài sản thế chấp không đúng như khai báo. Khi sự việc được phanh phui thì không chỉ BIDV mà công ty này còn dùng kho hàng của mình là hàng đông lạnh thế chấp ở nhiều NH khác. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng những chuyện này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Còn thực tế có rất nhiều vụ mà chúng ta không biết.

Nước cạn, rác rưởi nhô lên

. Phóng viên: Thưa ông, tại sao thời gian gần đây những vụ việc kể trên lại xảy ra ngày càng nhiều?

+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Năm ngoái ở Hà Nội cũng có sự việc tương tự xảy ra sau khi doanh nghiệp (DN) phá sản, các NH tá hỏa đến canh giữ kho hàng. Bình thường khi nền kinh tế hưng thịnh, những cái xấu được che đậy đi vì lợi nhuận. Một khi nền kinh tế đang phồng ra thì ai cũng được phổng phao, anh nào cũng được chia lợi nhuận… Đến khi chiếc bánh xẹp lại thì mọi thứ trong chiếc bánh nhô ra, dòng sông cạn nước thì những rác rưởi... ở dưới lộ lên.

. Nhưng các quy trình thẩm định giá trị tài sản ở các NH hiện nay rất chặt chẽ, vậy thì nguyên nhân đến từ đâu?

+ Có ba nguyên nhân chính.

- Thứ nhất, do cơ chế, luật pháp, quy định của mình không đủ chặt chẽ. Nếu không có cơ chế chặt chẽ thì đáng lý những NH nhận tài sản thế chấp lô hàng A thì phải tách lô hàng của mình ra riêng để quản lý. Chứ để chung cám với gạo lẫn lộn nhau biết là của ai.

Những lỗ hổng khiến ngân hàng sập bẫy ảnh 1

- Thứ hai, thuộc về trách nhiệm của người đi vay. Khi vay, DN phải báo cho NH biết kho tài sản của mình đã thế chấp cho ai chưa và nếu có rồi phải nói rõ quyền ưu tiên của NH này như thế nào. Khi DN không làm chuyện đó mà lại tạo cho NH hiểu rằng mình là duy nhất nghĩa là mang tính không minh bạch, có hành vi lừa đảo.

- Thứ ba, trách nhiệm của bên cho vay là NH phải điều tra xem tài sản đó đã thế chấp cho ai chưa. Nếu xác định tài sản thế chấp ấy là của mình phải đảm bảo xác thực và giữ tay hòm chìa khóa.

. Nhưng nếu sai sót thì chỉ có thể là một hoặc hai, vậy tại sao theo ông có tới bảy NH đều chấp nhận thế chấp một kho hàng?

+ Đầu tiên là việc thực hiện các công cụ và pháp luật còn rất lỏng lẻo. Chính vì thế, trường hợp này cũng có thể DN đã qua mặt được nhiều NH. Tất nhiên trong vấn đề thẩm định giá cũng không loại trừ khả năng có sự bắt tay của các nhân viên tín dụng với DN. Mặc dù đây chỉ là giả thiết nhưng chắc chắn một điều có rất nhiều lỗ hổng trong vấn đề quản lý tài sản thế chấp của NH. Thường thì bộ phận này phải tách rời khỏi khối tín dụng nhưng có nhiều NH thẩm định vẫn nằm trong khối tín dụng nên thiếu sự độc lập và minh bạch.

. Dù vậy nhưng hiện nay nhiều NH cũng đã dùng dịch vụ thẩm định bên ngoài và ngay trong NH có công ty thẩm định riêng, thưa ông?

+ Đúng nhưng ở Việt Nam hiện nay chỉ só một số NH sử dụng công ty bên ngoài thẩm định. Còn lại rất nhiều dùng thẩm định của chính NH, nghĩa là tự thẩm định lấy. Cái này rất nguy hiểm và thiếu sót vì nhân viên NH không thể hiểu hết, hiểu sâu về thẩm định. Họ có thể thẩm định giá trị căn hộ 2-3 tầng được chứ không thể thẩm định cả dự án, tòa nhà…

Trong khi đó bên Mỹ chia rõ ra, với tài sản bằng bất động sản thương mại thì bắt buộc phải được thẩm định do các công ty độc lập bên ngoài và không cho phép NH tự thẩm định. Tài sản bằng động sản như xe hơi, ô tô, sổ bảo hiểm, sổ tiết kiệm… thì NH có thể tự xử lý.

Vẫn có thể thế chấp một kho hàng cho nhiều NH

. Như vậy, việc một DN có thể thế chấp nhiều NH đúng hay sai?

+ Điều này hợp lý và hợp pháp. Ví dụ, tài sản thế chấp là 1.000 tỉ đồng, anh đem thế chấp cho NH A lấy 100 tỉ đồng, còn nhiều phần còn lại anh có thể thế chấp NH B, C… miễn sao giá trị tài sản bảo đảm nó cao hơn dư nợ. Ở Mỹ cũng vậy, họ cho phép tài sản bảo đảm chia ra để thế chấp ở nhiều NH. Nhưng nó có hệ thống đăng ký quyền thế chấp rất chặt chẽ của các tiểu bang. Và nó theo thứ tự ưu tiên, ông nào được đăng ký trước thì ông đó được quyền thanh lý tài sản đó trước. Rồi đến lượt anh thứ hai, ba, tư.

. Ở Mỹ họ thẩm định tài sản thế chấp thế nào, thưa ông?

+ Họ dựa qua việc đăng ký trên hệ thống lưu ký gọi là UCC và việc thẩm định đầu tiên sẽ qua hệ thống này. Chỉ cần đăng nhập vào hệ thống này sẽ biết ngay hàng này đã có anh nào thế chấp chưa. UCC này là cơ quan đăng ký của tiểu bang. Sau đó, NH cũng sẽ tới tận chỗ để kiểm hàng giống Việt Nam. Tiếp đến là họ xem sổ sách xem có mượn tiền của ai thế chấp chưa…

. Nhưng nếu DN đó không chịu đăng ký tài sản của mình lên UCC thì sao?

+ Nếu không đăng ký lên UCC thì họ không có quyền thanh lý tài sản đó. Trường hợp muốn thanh lý tài sản bảo đảm thì phải qua UCC. Vì tòa án sẽ dựa vào UCC để phán quyết ai đăng ký trước để cho họ ưu tiên trước. Và việc xử lý của họ rất mạnh tay và nhanh chóng. Chẳng hạn, một DN thế chấp căn nhà 1 tỉ đồng, NH sẽ cho vay 700 triệu đồng. Khi thị trường đi xuống, DN không có khả năng trả nợ phải đi đến thanh lý tài sản. NH sẽ gửi thư đòi nợ trong 30 ngày phải trả nếu không họ sẽ thanh lý bằng cách đấu thầu và bán ngay hôm đó, không cần ra tòa án vì luật ở Mỹ cho phép các NH có thể thanh lý ngay. Tuy nhiên, trong trường hợp giá nhà xuống quá, nếu thanh lý tài sản không đủ cho khoản vay và NH biết rõ anh này còn giấu tài sản chỗ khác thì NH sẽ phải đưa ra tòa.

Mỗi giám đốc chi nhánh là một… tiểu vương

. Ông nghĩ thế nào khi sự việc như trên đa số xảy ra ở các chi nhánh chứ không phải do hội sở ký duyệt, thưa ông?

+ Đúng là vấn đề bất cập hiện nay là chúng ta giao quyền hạn cho các giám đốc chi nhánh. Làm gì có ông giám đốc chi nhánh lại mang chức vụ phó tổng giám đốc. Các ông giám đốc chi nhánh thường biết rõ địa phương mình tình trạng DN ra sao, rủi ro thế nào… nên được trao quyền định đoạt. Thậm chí nhiều giám đốc chi nhánh được phát hành bảo lãnh tín dụng thư. Đó là nguyên nhân tạo nhiều rủi ro bất cập gây nợ xấu. Vô hình trung các giám đốc chi nhánh là ông vua trong tiểu vương của mình với con dấu và chữ ký riêng.

Trong khi ở Mỹ giám đốc chi nhánh chỉ được phép huy động và cho vay tiêu dùng. Còn cho vay DN phải được đưa về hội sở NH. Chúng ta cũng không nên nói dồn vào hội sở thì quá tải vì thiếu người. Người ta làm được sao không quá tải. Vậy nên phải tái cơ cấu hệ thống của mình kể cả NH lớn.

. Còn vấn đề giao chỉ tiêu huy động và cho vay xuống các chi nhánh ở NH, ông đánh giá thế nào?

+ Tôi được biết có NH chỉ đạo cho các chi nhánh và các chi nhánh chỉ đạo nhân viên mở sổ tiết kiệm 100 triệu rồi dùng chính số tiền đó cho vay đi với số tiền tương đương đó. Nên tổng tài sản cho vay và huy động mỗi bên tăng 100 triệu đồng. Nhưng ảnh hưởng đến tổng tài sản NH không chính xác, dư nợ tín dụng không chính xác… Điều này cũng là bất cập trong NH khi tạo ra một số khoản này đã tạo ra tín dụng ảo.

. Xin cảm ơn ông.

Những lỗ hổng khiến ngân hàng sập bẫy ảnh 2
Những lỗ hổng khiến ngân hàng sập bẫy ảnh 3

YÊN TRANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm