Nông dân bị ép giá sữa tươi

Bước vào tháng tư, các hãng sữa lại thông báo là sẽ tăng giá thêm khoảng 5%-7%. Trước đó, nhiều hãng sữa như Nestlé, Dumex, Mead Johnson... cũng đã tăng giá với mức 5%-6%. Tuy nhiên, ngay cả khi giá sữa lẫn giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì giá nguyên liệu thu mua trong nước lại không tăng, thậm chí còn giảm so với trước.

Giá mua sữa tươi giảm

Hiện nay, nông dân chăn nuôi bò sữa tại một số nơi thuộc TP.HCM như ấp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), xã Bà Điểm, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), phường Tân Thới Nhất (quận 12)... đang khốn đốn vì giá thu mua sữa từ Công ty Vinamilk giảm gần 500 đồng/lít trong khi chi phí chăn nuôi lại tăng.

Ông Lê Văn Đắc, ấp Hộ Lân, xã Bà Điểm (Hóc Môn) cho biết trước đây ước chừng mỗi ngày gia đình ông tốn khoảng 600 ngàn đồng tiền thức ăn cho đàn bò sáu con. Còn giờ ông phải tốn hơn 700 ngàn đồng vì giá các loại thức ăn như hèm, xác mì... đều đã tăng xấp xỉ 8.000 đồng/kg, nặng nhất là tiền cám khi tăng gần 25.000 đồng/bao.

Được biết, trước Tết giá hợp đồng mua sữa giữa nhà máy sữa Trường Thọ của Vinamilk với đại lý thu mua sữa là 8.200 đồng/lít. Thế nhưng từ sau Tết, Vinamilk lại đột ngột ra thông báo tăng mức trừ tiền theo tiêu chuẩn sữa. Nghĩa là trước đây nếu chất béo trong sữa đạt loại B bị trừ 50 đồng/lít thì nay tăng lên 100 đồng/lít. Với sữa có nhiều chất khô (làm cho sữa mau bị đóng) thì mức trừ cũng tăng từ 50 đồng lên 700 đồng/lít. Ngoài ra, đầu tháng 4, giá chuẩn thu mua từ nhà máy xuống đại lý cũng hạ chỉ còn 7.750 đồng/lít. Như vậy tới người nông dân thì giá sữa cũng chỉ còn khoảng 5.400-5.600 đồng/lít. Tuy nhiên, giá mua từ đại lý lại không đồng nhất như trước, có khi là 5.600 đồng/lít, có khi lại 5.200 đồng/lít. Điều này đã khiến cho người chăn nuôi thật sự khốn đốn.

Ông Phan Văn Liên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bà Điểm, cho biết qua trao đổi, phía đại lý thu mua của Vinamilk cũng đã giải thích là do chất lượng sữa của nông dân không đạt tiêu chuẩn chất lượng về vi sinh, chất béo, chất khô nên phải trừ tiền.

Theo ông Lê Minh Đức, người chuyên vắt sữa thuê tại xã Bà Điểm, thời điểm trước Tết tuy cũng có chuyện trừ tiêu chuẩn nhưng giá mua đồng đều là 6.400 đồng/lít, sữa đạt thì giá 5.400-5.600 đồng/lít, không đạt thì 5.200 đồng/lít chứ không thấp đến vậy.

Đánh giá tiêu chuẩn không rõ

Ông Đức cũng cho rằng cách kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn sữa hiện nay của đại lý cũng không rõ ràng. “Thà khi người bán đến giao sữa thì bên đại lý kiểm tra ngay trước mặt người bán rồi thông báo ngay kết quả là sữa đạt hay không đạt để còn biết. Đằng này, ai đến giao sữa thì họ chỉ lấy một ít sữa làm mẫu thử bỏ vào bịch rồi nói là đem về nhà máy kiểm tra. Đến một tuần sau, khi trả tiền bên đại lý mới đưa bảng báo kết quả và định giá tiền”, ông Đức nói.

Ông Phan Văn Liên cho biết với mức trừ quá cao như hiện nay thì người chăn nuôi bò sữa không có lời. Thế nhưng dù không đồng ý họ cũng buộc phải bán vì nếu không bỏ cho đại lý thì cũng không biết bán đâu. Với tình trạng như bây giờ thì chắc đàn bò ở Hóc Môn sẽ không trụ thêm được lâu.

Quá phụ thuộc đại lý

Ông Vũ Phương Bình, chủ một trang trại chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM, cho biết điều vô lý là người nuôi bò là chủ lại không có bất cứ quyền gì quyết định giá sữa bán ra, thậm chí còn bị “ép” bán thấp hơn giá thị trường. Ông Bình cho biết thêm, hiện cả nước có hàng trăm công ty sữa nhưng thực chất chỉ có rất ít công ty thu mua sữa tươi. Chính vì vậy, nếu công ty không mua thì người nuôi không biết bán cho ai.

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc của Vinamilk, cho biết không thể so sánh chất lượng giữa nguyên liệu nhập khẩu với nguyên liệu thu mua từ nông dân. Theo ông Minh, tại các nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển như Úc, New Zealand..., chất lượng sữa rất tốt và hoàn toàn trái ngược với chất lượng sữa thu mua trong nước. Ông Minh nói: “Nguyên liệu trong nước qua kiểm tra thường không đạt tiêu chuẩn về độ béo, độ đạm, độ khô... Mua 1,5 lít sữa nhưng khi cô lại để đạt tiêu chuẩn chỉ còn một lít sữa”. Ông Minh khẳng định, nếu chất lượng sữa đảm bảo thì công ty ông sẵn sàng thu mua với giá 7.000-8.000 đồng/lít chứ không có ý định bớt xén.

Theo ông Minh, cũng không loại trừ việc sữa không đạt tiêu chuẩn có nguyên nhân từ đại lý khi trong quá trình đưa mẫu tới công ty sữa kiểm tra. Có đại lý cố tình pha loãng sữa bằng cách đổ nước vào.

Các công ty sữa vẫn khuyến khích nông dân bán nguyên liệu sữa trực tiếp cho công ty. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, công ty sữa chỉ thu mua trực tiếp từ các hộ có số lượng sữa lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều phải thông qua các đại lý.

Ai làm trọng tài chất lượng?

Ông Trần Bảo Minh cho rằng việc nhà máy sữa vừa là người mua lại là người kiểm tra chất lượng để từ đó quyết định giá rõ ràng là chưa hợp lý. Tuy nhiên, thực tế, vấn đề kiểm tra chất lượng sữa nếu nhà máy không chủ động làm thì chưa có một cơ quan nhà nước nào chủ động làm việc này.

Trong lần hội thảo về chất lượng sữa diễn ra mới đây, ông Trịnh Quý Phổ, đại diện Bộ Công thương, cho biết nhà nước cần nhanh chóng xây dựng ba-rem chất lượng cho sữa tươi trong nước và nguyên liệu sữa nhập khẩu. Theo ông Phổ, điều này sẽ tạo ra công bằng về quyền lợi cho người nuôi bò cũng như giám sát được chất lượng sữa đang bát nháo trên thị trường như hiện hay.

Cấm tăng giá bán sữa

Đến thời điểm này, nhiều công ty sữa không có ý định tăng giá mua nguyên liệu cho người nuôi bò sữa. Lý do là gần đây giá nguyên liệu nhập khẩu đang đỡ căng thẳng và có dấu hiệu giảm xuống. Nhưng điều quan trọng nhất, nếu tăng giá sữa nguyên liệu thì tất yếu giá bán ra phải tăng trong khi giá sữa trên thị trường đã vượt ra khỏi sự chịu đựng của người tiêu dùng.

Thực tế, thời gian vừa qua, chỉ có các nhãn hiệu sữa nhập khẩu yêu cầu tăng giá, còn các công ty sữa trong nước chưa có ý định tăng thêm bởi vừa qua sữa là mặt hàng nằm trong danh mục Thủ tướng có chỉ thị không được tăng giá bán.

HOÀNG TÚ - TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm