Nông dân chầu chực chờ bán cá

Người nuôi cá tra, cá basa ở TP Cần Thơ đang mòn mỏi chờ doanh nghiệp đến thu mua cá. Ảnh: N.Trinh
Người nuôi cá tra, cá basa ở TP Cần Thơ đang mòn mỏi chờ doanh nghiệp đến thu mua cá. Ảnh: N.Trinh

Chính phủ vừa chỉ đạo đôn đốc lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản đẩy mạnh việc thu mua cá tra, cá basa tồn đọng ở ĐBSCL.

Giàu, nghèo đều "khóc"

Đến ngày 26-6, ngoài nỗ lực thu mua cá tồn đọng của các DN, tỉnh An Giang đã chủ động chuẩn bị đón nhận số tiền vay đợt hai để mua cá. Tuy nhiên, những nỗ lực đơn lẻ của DN ở An Giang gần như chưa xoay chuyển được tình trạng hàng trăm ngàn tấn cá tra đang tồn đọng.

Liên tục trong những ngày qua, các nhà máy chế biến thủy sản ở An Giang đã hoạt động hết công suất chế biến khoảng 2.000 - 3.000 tấn/ngày để tiêu thụ cá tra tồn đọng và ký kết thu mua thêm hàng chục ngàn tấn cá tồn đọng; lịch thu mua cá đã phủ kín hết tháng 7-2008. Tuy nhiên, lượng cá này phần lớn nằm trong các hợp đồng đã ký trước đó, lại rải đều ở An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp... Hàng trăm nông dân vẫn đang chầu chực ở các DN để chờ được đăng ký bán cá.

TP Cần Thơ là một trong những địa phương có lượng cá tra tồn đọng lớn nhất ĐBSCL (khoảng 50.000 tấn). “Các DN vẫn giữ nguyên nhịp độ mua cá, không có gì tăng thêm sau khi Chính phủ chỉ đạo. Trong khi đó, DN tại Cần Thơ chủ yếu thuộc dạng nhỏ, chỉ mua cá tồn đọng thuộc vùng nuôi của chính họ hoặc ai có quan hệ mật thiết. Lượng cá mua thực sự của dân chẳng đáng bao nhiêu” - ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, nhận định.

Theo ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA), hiện nay người nghèo và người giàu nuôi cá tra đều “khóc”! Người nghèo phải thế chấp tài sản vay vốn, nợ ngân hàng, nợ vay nóng chồng chất; còn người giàu đang trở thành những tỉ phú không tiền! Tại phường Thới An, quận Ô Môn - TP Cần Thơ, hàng chục hộ nhà giàu nuôi cá như ông Pham Văn Đông, Đào Văn Ngưng đang lâm cảnh như vậy. Có người tồn đọng gần 1.000 tấn cá, đành bỏ đói cá dài hạn.

Nhiều DN chỉ ký hợp đồng mua cá với giá 13.800 đồng/kg, nhưng nông dân vẫn phải bấm bụng bán đổ, bán tháo như muốn tống đi của nợ, chấp nhận thua lỗ. Trong khi đó, giá thức ăn cho cá tăng vùn vụt. “Thức ăn cho cá chiếm tới 82% giá thành, song lại tăng quá nhanh. Cần có biện pháp khẩn cấp để kiềm chế giá thức ăn cho cá” - ông Bùi Hữu Trí đề xuất.

Cá cũ chưa hết, cá mới sắp tồn

Chính vì lượng cá tra tồn đọng được tiêu thụ nhỏ giọt, nên lứa cá mới đang tới kỳ thu hoạch ở ĐBSCL đứng trước nguy cơ tồn đọng tiếp. Có nơi, như Hậu Giang, lượng cá tra tồn đọng ngày càng cao sau khi Chính phủ chỉ đạo các DN thu mua, từ 1.000 tấn đầu tháng nay đã vọt lên 3.000 tấn. Tại TP Cần Thơ, các DN hiện mới thu mua được khoảng 10.000 tấn cá quá lứa, trong khi lượng cá sắp thu hoạch khoảng 30.000 tấn. Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết các DN đã cam kết trong tháng 7 sẽ thu mua hết cá cũ lẫn mới.

Ông Bùi Văn Thưởng, Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nghề cá VN, khẳng định nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL và cả VN đang ở thế bất lợi do nhiều chi phí tăng mạnh. “Điều này không phải do cạnh tranh của thị trường nước ngoài mà do chính chúng ta gây ra. Thực trạng này đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách hợp lý. Một mặt tạo điều kiện thuận lợi để các DN xuất khẩu cá tra mở rộng thị trường, mặt khác áp dụng các biện pháp hành chính đủ mạnh để bảo đảm giá xuất có lợi nhất. Vì vậy, phải quy định mức giá sàn cá trong nước và xuất khẩu” - ông Thưởng nhìn nhận.

Tập trung vốn cho DN đầu mối thu mua, chế biến cá vay

Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) ngày 26-6 cho biết đang cùng Ngân hàng NN-PTNT VN tập trung các nguồn vốn để cho các DN đầu mối thu mua, chế biến cá tra, cá ba sa vay. Tổng giới hạn tín dụng đối với các DN sản xuất, chế biến cá tra, cá ba sa tại Vietcombank khoảng 1.699 tỉ đồng; tổng dư nợ đến cuối tháng 5-2008 gần 1.238 tỉ đồng. Dự kiến trong thời gian tới, tổng dư nợ của các DN này sẽ tăng lên khoảng 1.500-1.700 tỉ đồng. Vietcombank sẽ tiếp tục cho các DN thu mua, chế biến cá vay vốn theo đúng chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở xem xét hiệu quả hoạt động kinh doanh, khả năng tài chính lành mạnh, có thị trường tiêu thụ tiềm năng...

Theo ÂU DƯƠNG - ĐỨC KHÁNH( NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm