Nông dân ĐBSCL: Làm giàu từ thủy sản sạch

Là lao động chính trong gia đình ba thế hệ với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Hồng Ngọc Trân, huyện Kế Sách, Sóc Trăng đã mạnh dạn vay đầu tư 30 triệu đồng để nuôi ếch hơn một năm nay.

Nuôi trồng theo tiêu chuẩn an toàn - rất dễ

Trong suy nghĩ của nhiều nông dân, làm nông theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt là việc rất tốn kém khiến chi phí đầu tư bị đội lên. Bên cạnh đó, thương lái thu mua cũng không quan tâm nhiều đến chất lượng. Tuy nhiên, trong xu hướng chung hiện nay, nhiều nông dân bắt đầu tham gia vào các chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn mới.

“Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi an toàn mà ếch rất ít khi mắc bệnh. Do đó giảm được lượng hao hụt con giống và chi phí chăm sóc” - chị Trân cho biết. Hiện nay, trừ đi chi phí giống, thức ăn mỗi tháng chị có thêm từ 7 đến 9 triệu đồng, giúp chị có tích lũy cho các con ăn học.

Tháng 10 vừa qua, chị Trân được tuyên dương là hộ nông dân điển hình và trở thành mô hình cho các hộ nông dân khác trên địa bàn huyện đến tham quan học hỏi. Chị Trân chia sẻ bí quyết: “Nông dân bây giờ không những sản xuất giỏi mà còn phải biết xu hướng thị trường, sản xuất an toàn thì làm giàu mới bền vững”.

Nông dân ĐBSCL: Làm giàu từ thủy sản sạch ảnh 1

Thu hoạch cá chẽm ở ao của anh Hứa Trung Việt để bán cho Metro.

Chị Trân chỉ là một trong số hơn 350 nông dân được đào tạo hướng dẫn nuôi trồng theo hướng bền vững và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Đây cũng chính là một hoạt động khởi nguồn từ dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng thủy hải sản chất lượng cao cho thị trường nội địa Việt Nam” theo chương trình hợp tác công - tư do Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam kết hợp với Bộ NN&PTNT tại Cần Thơ từ năm 2011.

Tham gia vào dự án đào tạo nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn của Metro từ những ngày đầu tiên và được đội ngũ kỹ thuật viên hỗ trợ miễn phí, ông Lê Ngọc Quý, chủ hộ nuôi cá bè tại Cần Thơ, chia sẻ: “Ban đầu tôi nuôi cá bằng kinh nghiệm nên việc ghi chép mỗi ngày về lượng thức ăn, các loại thuốc đã sử dụng… làm tôi thấy bất tiện. Nhưng sau đó chính nhờ việc ghi chép và làm theo hướng dẫn, tôi đã có thể kiểm soát được con cá nuôi đang ở giai đoạn nào, lượng thức ăn bao nhiêu thì phù hợp và quan trọng nhất là cá bán ra đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bây giờ, việc ghi chép trở nên quen thuộc và dễ dàng hơn”.

Ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất

Với sự ra đời của Trạm trung chuyển thủy sản Cần Thơ thuộc dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng thủy hải sản chất lượng cao cho thị trường nội địa Việt Nam”, tiềm năng thủy sản của các tỉnh ĐBSCL đang được khai thác bền vững. Trạm trung chuyển đã kết nối các nông dân với thị trường tiêu thụ thông qua kênh phân phối hiện đại, đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho hàng trăm nông dân, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Sau hai năm hợp tác với Metro, ông Quý đã có những tư duy thị trường mới. Ông nhận định: “Tôi sản xuất đều đặn theo đơn đặt hàng của công ty. Lúc vụ nghịch giá cao, khan hàng, tôi vẫn duy trì tốt sản lượng và khi thị trường rớt giá tôi đã có nơi tiêu thụ, đồng thời giảm được mức lỗ do tôi nuôi theo kế hoạch công ty đưa ra. Mức lợi nhuận của tôi được duy trì và ổn định mỗi năm”. Theo ông Quý, trước đây thường xảy ra tình trạng nuôi trồng tràn lan. Thời điểm chính vụ thì nông dân thường phải chịu cảnh thương lái ép giá. Đến khi trái vụ thì không có hàng bán nên nông dân khó đạt được hiệu quả kinh tế.

Cũng như ông Quý, anh Hứa Trung Việt, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, lúc đầu nuôi tôm nhưng tôm thường xuyên bị bệnh, giá thất thường khiến anh thua lỗ triền miên. Năm 2011, anh bắt đầu tham gia chương trình và chuyển đổi sang nuôi cá chẽm. Trung bình mỗi tháng anh Trung cung cấp cho Metro từ 20 đến 25 tấn cá. Anh chia sẻ: “Chính nhờ sự ổn định của đơn đặt hàng và kế hoạch sản xuất mà tôi yên tâm hơn rất nhiều. Đơn vị này rất ưu tiên cho các hộ nuôi trồng theo các tiêu chuẩn thực hành thủy sản tốt. Trung bình giá cá bán ra đều cao hơn từ 6.000 đến 9.000 đồng so với thị trường. Cao điểm tôi có thể lời từ 300 đến 400 triệu đồng/tháng”.

Theo ông Lê Văn Cảnh, cán bộ quản lý thu mua của Trạm trung chuyển thủy sản Cần Thơ (Công ty Metro): “Việc nuôi trồng theo tiêu chuẩn an toàn không làm tăng chi phí nuôi mà ngược lại giúp giảm chi phí rất nhiều. Ví dụ, với cá điêu hồng, hiệu quả từ mô hình Metro ứng dụng trong hai năm qua cho thấy nông dân giảm hao hụt thức ăn và giống cũng như các chi phí khác từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg cá”.

Ông Cảnh cho biết thêm các nông dân được đào tạo đạt tiêu chuẩn đang cung cấp gần 80% sản lượng cá cho đơn vị này đồng thời được hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng thường xuyên từ các chuyên gia tư vấn Hà Lan.

THANH HOA - NM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm