'Nuôi hàng triệu dân thế giới nhưng mình lại nghèo'

Nếu ĐBSCL tiếp tục duy trì mô hình trồng cây lúa làm chủ lực một cách cứng nhắc thì thời gian tới đời sống nông dân Việt Nam sẽ càng lún sâu vào khó khăn. Đó là ý kiến của rất nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự Diễn đàn ĐBSCL 2015 nhằm tìm kiếm những giải pháp mới cho công cuộc phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu. Diễn đàn do Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và các đơn vị phối hợp tổ chức từ ngày 2 đến 3-2 tại TP.HCM.

Quá nhiều thách thức “đè” hạt gạo

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu: “Có thể nói chưa bao giờ vùng ĐBSCL lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Trong đó có cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các áp lực ngày càng lớn của sự phát triển kinh tế-xã hội còn chưa thực sự bền vững”.

ông Leocadio Sebastian (Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế - IRRI) cho biết: “Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hiện thực trạng nhiễm mặn tại ĐBSCL ngày một nghiêm trọng do độ mặn tăng dần, thời gian nhiễm mặn kéo dài hơn”. Chưa kể 90% nguồn nước ngọt ở ĐBSCL đến từ sông Me Kong hiện đứng trước nguy cơ không ổn định do hàng loạt dự án thủy điện trên dòng chính sông Me Kong ở thượng nguồn. “Không loại trừ trường hợp phần lớn đất tại ĐBSCL trong tương lai không thể trồng lúa nếu không có những giải pháp hiệu quả” - ông Leocadio Sebastian nhấn mạnh.

Người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, độ mặn tăng dần. Ảnh: HTD

Cho đến nay đã có nhiều giải pháp được đề xuất và áp dụng nhằm phát triển nông nghiệp ĐBSCL. Song các hoạt động cải tạo mặn, thủy lợi, kỹ thuật… giải quyết khó khăn cho hạt gạo vẫn còn nhiều thách thức. 

“Điển hình như việc liên kết vùng, hợp tác mua và sử dụng chung công nghệ giữa các tỉnh để tối đa hóa hiệu suất sản xuất còn hạn chế” - ông Nathan Belete (Ngân hàng Thế giới) cho biết. Bên cạnh đó, chi phí hệ thống hạ tầng, công nghệ hỗ trợ cải tạo môi trường trồng lúa lại quá cao. 

Thế nên một mình nông dân hoặc hành động đơn lẻ của từng đơn vị không thể gồng gánh nổi. Sản xuất ra hạt lúa đã khó, thị trường đầu ra lại khó khăn hơn khi giá thấp khiến đời sống nông dân càng tụt hậu.

Một chuyên gia bức xúc: “Nông dân Việt nuôi hàng triệu người dân trên thế giới nhưng chính họ lại sống trong cảnh nghèo khó vì trồng lúa hoài không khá nổi mà ngày càng khó khăn hơn”.

Chưa có mô hình thay thế hiệu quả

Trước những thay đổi về khí hậu lẫn các yếu tố kinh tế-xã hội, một trong những giải pháp quan trọng trong trung và dài hạn cho ĐBSCL được nhiều chuyên gia đề xuất chính là chuyển đổi hệ thống “lúa làm chủ lực” sang “đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi”. Hiện ĐBSCL có đến 1.140.000 người trồng lúa và đang bị tổn thương nghiêm trọng vì khí hậu thay đổi cùng áp lực thị trường.

Trong khi đó, các chuyên gia dẫn kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần 30-35 huyện trên tổng thể vùng ĐBSCL đã có năng lực sản xuất trên 50% sản lượng lúa gạo hiện nay. Nhiều hộ gia đình mong muốn chuyển đổi hệ thống cây trồng thay cây lúa. 

Tuy nhiên, chi phí chuyển đổi cây trồng cao, phương pháp canh tác mới còn hạn chế, thị trường đầu ra cho sản phẩm mới (cây trồng, vật nuôi mới) chưa ổn định… nên nông dân vẫn chấp nhận chọn cây lúa - chấp nhận cuộc sống bấp bênh nhưng nhìn chung vẫn an toàn trong ngắn hạn so với việc đa dạng hóa cây trồng một cách mạo hiểm.

Đại diện từ IRRI cho biết nhìn chung hiện vẫn chưa có một mô hình nào thành công trên diện rộng ở ĐBSCL để giải quyết những khó khăn trong sản xuất lúa gạo. Các giải pháp chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi thay cây lúa vẫn mang tính bột phát, chưa có kiểm chứng và mô hình hóa.

Ba giải pháp căn cơ

Nhóm các chuyên gia thảo luận về vấn đề “Hệ thống canh tác nước mặn hay nước ngọt” cho hay muốn đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi cho ĐBSCL cần phải hiểu được thổ nhưỡng tại khu vực này. Có ba khu vực chính: khu vực nhiễm mặn quanh năm, khu vực nhiễm mặn và ngọt dựa theo mùa và khu vực nước ngọt quanh năm. Dựa vào đó, các chuyên gia đề xuất ba giải pháp tương ứng.

Với khu vực nhiễm mặn quanh năm, tất nhiên cây lúa không thể tồn tại. Vậy nên cần tăng cường hệ thống thủy lợi, phục hồi rừng ngập mặn, cải tạo nước mặn (có thể bơm nước biển thay nước ô nhiễm) để nuôi trồng thủy sản… Tạo kênh dẫn để trữ nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt.

Cần tạo ra hệ thống canh tác sinh thái mới tại khu vực nhiễm mặn theo mùa. Muốn thế phải xây dựng hệ thống thủy lợi tương ứng với các mô hình lúa - tôm - hoa màu.

Ông Jake Brunner (Liên minh Bảo tồn Quốc tế - IUCN, điều phối viên Chương trình Me Kong) đánh giá cao mô hình của An Giang, canh tác hai vụ lúa và một vụ hoa màu thay vì ba vụ lúa như trước đây. Hay như Bangladesh, nông dân trồng bèo tây vừa để cải tạo nguồn nước, vừa dùng sản xuất phân bón mang về thu nhập 800-900 USD (trên 17 triệu đồng đến trên 19 triệu đồng) trên diện tích 1 ha mỗi vụ, cao hơn nhiều so với việc trồng lúa.

Cuối cùng, phải chủ động sản xuất nhiều mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao, điển hình như đặc sản cây ăn trái, các dòng lúa giá trị cao thay cho các dòng lúa chất lượng kém như hiện tại. Muốn thế cần huy động kinh nghiệm, ngân sách từ nhà nước, các tỉnh, các đối tác quốc tế và tư nhân.

Sáu sáng kiến đề xuất

Ông Leocadio Sebastian (Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế - IRRI) đề xuất sáu sáng kiến: 1. Tăng cường gạo chất lượng cao và các sản phẩm thương mại; 2. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo Việt; 3. Giảm tối đa sự thất thoát lúa gạo trong quá trình trước và trong khi thu hoạch; 4. Áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu đối với dây chuyền sản xuất lúa gạo; 5. Tiếp cận và giúp đỡ nhiều hơn đối với các hộ nông dân nhỏ lẻ; và 6. Tập trung phát triển dây chuyền sản xuất gạo lấy chất lượng và tính ổn định làm trung tâm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.