Bất thường trong cách tính thuế xăng?

Bộ Tài chính đã có thông cáo báo chí vào ngày 2-6 giải thích sự tương tác giữa thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và thuế nhập khẩu trong giá cơ sở. Trong thông báo này, Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế BVMT không làm tăng giá xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, cách tính toán mà Bộ Tài chính cung cấp có nhiều vấn đề chưa hợp lý.

Áp thuế sai quy định

Theo kịch bản tính toán của Bộ Tài chính, giá xăng thành phẩm ngày 20-5 tại Singapore ở mức 81,34 USD/thùng. Nếu tính thuế nhập khẩu 35% như trước đây và áp dụng với mức thuế BVMT mới là 3.000 đồng/lít, giá cơ sở xăng RON 92 sẽ ở mức 23.528 đồng/lít.

Nếu giảm thuế nhập khẩu về 20% như hiện nay cùng với mức thuế BVMT, giá cơ sở giảm xuống còn 21.490 đồng/lít, tương ứng giảm 2.038 đồng/lít. Trong khi đó, thuế BVMT của xăng tăng 2.000 đồng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít.

Theo Bộ Tài chính, mức giảm tuyệt đối nhờ giảm thuế nhập khẩu về mức 20% là 2.038 đồng/lít, cao hơn 38 đồng so với con số tăng thêm 2.000 đồng thuế BVMT.

Theo TS Ngô Trí Long, “Chỉ cần nhìn vào phép tính đơn giản có thể nhận ra mức độ tác động của việc tăng thuế BVMT đến giá xăng trong nước ra sao”. Ảnh: HTD

Tương tự, nếu lấy giá xăng dầu thành phẩm ngày 31-5 ở mức 81,31 USD/thùng, chênh lệch giữa thuế nhập khẩu và thuế BVMT ở mức 42 đồng/lít. Từ đó Bộ Tài chính khẳng định với các tính toán nói trên thì việc tăng thuế BVMT không làm tăng giá bán lẻ.

Thế nhưng nhìn vào bảng tính toán của Bộ Tài chính thì thấy trong cách tính thuế nhập khẩu 35% đối với xăng, Bộ lại để mức thuế BVMT là 3.000 đồng/lít. Trong khi đó tại thời điểm áp thuế nhập khẩu xăng 35% thì thuế BVMT chỉ 1.000 đồng/lít.

Theo quy định, mức thuế BVMT với mức 3.000 đồng như trên chỉ áp dụng với mức thuế nhập khẩu 20% đối với xăng từ ngày 1-5. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại áp mức thuế BVMT mới so với thuế nhập khẩu cũ để tính toán giá cơ sở xăng dầu?

Ghi nhầm biểu thuế do… đánh máy

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế-TS Ngô Trí Long cho rằng cách tính thuế của Bộ Tài chính “có vấn đề”. Cụ thể, việc Bộ Tài chính đưa ra cách tính trên để chứng minh cho chênh lệch giữa tăng thuế BVMT và giảm thuế nhập khẩu không hợp lý, đồng thời khẳng định tăng thuế BVMT không làm giá xăng trong nước tăng là chưa thỏa đáng.

Ông Long tính toán nếu lấy giá xăng thành phẩm ở mức 81 USD/thùng x thuế nhập khẩu 35% + 1.000 đồng/lít (thuế BVMT cũ) so sánh với 81 USD/thùng x 20% thuế nhập khẩu + 3.000 đồng/lít (thuế BVMT mới) thì rõ ràng phần tăng thuế BVMT cao hơn phần giảm thuế nhập khẩu.

“Chỉ cần nhìn vào phép tính đơn giản trên có thể nhận ra mức độ tác động của việc tăng thuế BVMT đến giá xăng trong nước ra sao” - ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cho rằng công thức tính của Bộ Tài chính chứng minh thuế BVMT không làm tăng giá xăng dầu mang tính “ngụy trang”. “Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu 15% (từ 35% xuống 20% với xăng) nhưng thuế BVMT tính trên giá bán lẻ lại tăng hơn 15%. Thuế BVMT tăng làm tăng chi phí cao hơn so với chi phí giảm khi giảm thuế nhập khẩu” - ông Long phân tích.

Để rõ hơn, ông Long đưa ra thêm cách tính so sánh. Theo đó chỉ cần tính toán so sánh hai loại thuế này sẽ cho ra kết quả, bởi các loại thuế-phí khác đều giống nhau. Chẳng hạn, hiện nay giá bán lẻ xăng RON 92 là 20.430 đồng/lít thì giá CIF khoảng 10.500 đồng. Nếu lấy 10.500 đồng/lít x 35% + 1.000 đồng so với 10.500 đồng x 20% + 3.000 đồng, như vậy người tiêu dùng sẽ biết chênh lệch giữa giảm thuế nhập khẩu và tăng thuế BVMT là bao nhiêu.

ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cho biết biểu thuế BVMT mới đối với xăng chỉ áp dụng tính toán với biểu thuế nhập khẩu 20%. Trong kịch bản tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế BVMT trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu mà Bộ Tài chính công bố có thể do nhân viên đánh máy “ghi nhầm” mức thuế BVMT 3.000 đồng áp cho thuế nhập khẩu 35%.

Tuy nhiên, theo ông Thi, tăng thuế BVMT vẫn không làm tăng giá xăng dầu trong nước. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng giảm 15% (2.000 đồng/lít) tương đương với mức tăng thuế BVMT 2.000 đồng/lít.

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết so với thời điểm trước khi thay đổi thuế nhập khẩu xăng giảm từ 35% về 20% và tăng thuế BVMT 2.000 đồng thì giá xăng trong nước tăng 162 đồng, tương đương 0,8%. Việc tăng thuế môi trường đã làm giá xăng tăng không đáng kể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm