Chỉ mong đừng quấy nhiễu doanh nghiệp

Cơ chế thông thoáng, công chức công tâm, không sách nhiễu… đó là sự hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp (DN). Đây là phát biểu của nhiều DN, hiệp hội, chuyên gia tại hội thảo về dự luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) do Bộ KH&ĐT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11-7.

“Như cá nằm trên thớt”

Đem câu chuyện của Công ty Huy Lâm tại Thanh Hóa ra làm ví dụ, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, nói: “DNNVV tại Thanh Hóa như cá nằm trên thớt, có thể bị cơ quan chức năng “đánh” bất kỳ lúc nào”.

Theo ông Đệ, Huy Lâm là một DN nhỏ. Tháng 3-2016, công ty này đầu tư dự án khu bể bơi thể thao dưới nước và vui chơi giải trí cho thiếu nhi tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành. Đây là dự án thuộc diện ưu tiên và theo Luật Xây dựng thì hồ sơ sẽ được thẩm định chỉ trong 20 ngày. Đáng tiếc là từ tháng 3 đến tháng 6-2016, công ty này đã bị bộ phận một cửa của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa trả đi trả lại hồ sơ ba lần.

Chờ đợi mãi không được, Huy Lâm đã tiến hành xây dựng một số hạng mục như bờ rào, nền, móng…, thế là bị Thanh tra Sở Xây dựng thanh tra, cảnh báo sẽ cưỡng chế phá dỡ phần đã xây dựng. Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu Công ty Huy Lâm “nếu sau 60 ngày chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng thì phải tự tháo dỡ công trình vi phạm…”. Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngay sau đó cũng có văn bản khẳng định: “Sở Xây dựng hiện tại không thể thẩm định được hồ sơ thiết kế đối với công trình này”. Trong khi đó DN đã nộp hồ sơ thẩm định nhiều lần nhưng không được giải quyết.

nản chí, ngày 1-7, Huy Lâm quyết định trả đất cho UBND tỉnh Thanh Hóa và đề nghị: “Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho người lên đấu giá lại khu đất, tài sản trên đất (nếu có) cho DN của tôi thanh lý lại, tìm thị trường khác để đầu tư chứ không thể đầu tư ở thị trường này được nữa”.

Từ thực tế của các DN trong Hiệp hội DN tỉnh mình, ông Đệ cho rằng luật thì cởi mở cho DN, trung ương yêu cầu cởi trói cho DN… nhưng địa phương lại hành DN. Cho nên vấn đề quan trọng không hẳn là các luật hỗ trợ, các chính sách hỗ trợ mà tinh thần hỗ trợ này phải thấm vào tim các công chức, hệ thống công quyền.

“Cán bộ, công chức không gây khó dễ cho DN đã là hỗ trợ DN rồi. Bởi lẽ các DN ai cũng muốn làm ăn đàng hoàng. Công chức mà cứ làm khó DN thì không biết khi nào DN mới phát triển” - ông Đệ than.

Ông Nguyễn Văn Đệ: “Cán bộ, công chức đừng gây khó dễ cho DN đã là hỗ trợ DN rồi!”.  Ảnh: CL

Rất ngại vì môi trường méo mó

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng việc hỗ trợ DNNVV hiện nay vẫn nặng cơ chế xin cho, làm DN thấy rất ngại vì môi trường kinh doanh méo mó.

 “Theo phản ánh của các hiệp hội DN ĐBSCL thì hiện nay Nhà nước có nhiều chương trình hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản… nhưng DNNVV không tiếp cận được. Lý do là thủ tục nhiêu khê, tốn kém nhiều chi phí hơn là phần được hỗ trợ nên họ không mặn mà” - ông Dũng nêu thực trạng.

Từ đó ông Dũng đề nghị Luật Hỗ trợ DNNVV lần này phải làm sao để DN nhìn thấy được cụ thể những gì được hỗ trợ. Nếu chung chung và vẫn còn cơ chế “xin xỏ” thì sự hỗ trợ sẽ không đến được với DN.

Đồng tình, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói dứt khoát không được tạo ra cơ chế xin cho trong hỗ trợ DN. “Việc hỗ trợ DNNVV cần phải theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin cho” - ông Lộc nói và cho rằng việc hỗ trợ cần nhắm tới những DN có tiềm năng phát triển chứ không phải là những đơn vị khó khăn triền miên.

Có nên đổi tên luật?

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nhìn nhận Luật Hỗ trợ DNNVV là một luật khó nhưng phải hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN. Nghị quyết này có năm nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ quan trọng như: Cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh cho DN, nhất là DNNVV trong bối cảnh chi phí không chính thức rất lớn; bảo vệ quyền và lợi ích của DN. “Nếu những nhiệm vụ này được chi tiết hóa và đi vào cuộc sống để các DNNVV tiếp cận thì sẽ phát huy hiệu quả. Đặc biệt nếu luật hóa được quan điểm không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế thì rất tốt” - ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho rằng định hướng là chỉ hỗ trợ các DNNVV có thể lớn lên, mạnh lên để tập trung nguồn lực chứ không hỗ trợ đại trà. “Từ quan điểm trên, liệu chúng ta có nên đổi tên Luật Hỗ trợ DNNVV thành Luật Phát triển DNNVV hay không?” - ông Hà đặt vấn đề.

Khó tiếp cận vốn

Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đề nghị cần hỗ trợ DNNVV tiếp cận dễ dàng về đất đai bằng cách xây dựng các khu tập trung, các cụm công nghiệp cho các DNNVV. Đồng thời việc tiếp cận tài chính, tín dụng cũng cần được quan tâm. “Tôi từng nhiều năm trong ngân hàng và thấy rằng DNNVV rất khó vay được vốn từ ngân hàng. Còn khi tiếp cận với các quỹ tín dụng thì quy trình đôi khi còn rắc rối hơn ngân hàng” - ông Đức nêu thực tế.

Đồng tình, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực nhận xét một số ngân hàng đang làm rất tốt phần hỗ trợ xuất khẩu, trong khi việc hỗ trợ các DNNVV thì mờ nhạt. Nói về việc các DNNVV khó tiếp cận các quỹ tín dụng, ông Lực cho rằng: “Có lỗi từ ba phía: Bản thân quỹ có vấn đề; phối hợp thẩm định giữa quỹ và ngân hàng chưa đồng bộ trong vấn đề công nhận kết quả thẩm định của nhau và nhất là quy định quỹ không được lỗ. “Nếu quy định phi thị trường như thế thì các quỹ không cho vay là phương án tốt nhất vì không lỗ” - ông Lực bình luận.

Việc hỗ trợ các DNNVV tiếp cận tín dụng, tài chính thông qua ngân hàng là điều nên làm. Các ngân hàng nên có một khoản dành riêng cho các DNNVV vay với lãi suất phù hợp và đó cũng là một cách hỗ trợ tốt.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT ĐẶNG HUY ĐÔNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm