Cơ bản kiểm soát tình trạng nhập lậu gà thải loại

Cơ bản kiểm soát tình trạng nhập lậu gà thải loại ảnh 1
Bắt gà nhập lậu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Văn Phát/TTXVN)

Thông tin đáng chú ý là Cục Thú y phối hợp ngành Công an đi kiểm tra thực tế tình hình nhập lậu gà thải loại tràn lan vào thị trường thời gian qua, đặc biệt là tại chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín, Hà Nội (chợ buôn bán gia cầm thuộc loại lớn nhất miền Bắc). Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, bước đầu đã kiểm soát được tình trạng nhập lậu gà thải loại, hiện ở chợ Hà Vỹ không còn loại gà trọc đầu, lượng gà ở chợ này cũng giảm đến 40%. Giá gà ta, gà đồi cũng đã nhích lên từ 10.000-20.000 đồng/kg. Cùng với đó, theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, qua kiểm tra 104 mẫu hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật trong tháng 7, phát hiện có ba mẫu vi phạm gồm hai mẫu nho và một mẫu khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp từ 3-5 lần cho phép. Cục Bảo vệ thực vật đã giữ các lô hàng có mẫu vi phạm và sẽ tăng cường tần suất kiểm tra đối với nho theo đúng tinh thần của Thông tư 13 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm khi còn xảy ra các sự cố liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm loại C vẫn ở mức cao... Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, vấn đề không phải là thiếu cán bộ mà là làm không hết trách nhiệm. Không chỉ đối với thú y mà nhiều lĩnh vực khác đều vậy, như kiểm lâm, có cán bộ kiểm lâm nhưng rừng vẫn mất. Trâu bò lậu đi qua trước cửa trạm, cán bộ thú y đứng ở lò mổ…nhưng thịt kém chất lượng vẫn lọt ra ngoài. Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị Thanh tra Bộ cùng với Cục Thú y tăng cường kiểm tra, cùng với địa phương chấn chỉnh hoạt động của cán bộ thực thi công vụ trong lĩnh vực thú y. Đối với kiểm soát hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật, động vật, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng các cơ sở pháp lý, các văn bản thi hành Luật An toàn thực phẩm, làm sao quy định đảm bảo thực thi được luật pháp với cả hàng xuất khẩu từ trong nước và với cả hàng hóa nhập khẩu vào vào Việt Nam. Mặt khác, các quy định cũng phải sát điều kiện thực tế, khả thi, giảm thiểu tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp, cần có bước đi phù hợp, có thời gian để các doanh nghiệp thích nghi với môi trường mới. Theo Bộ trưởng, việc quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ có hiệu quả khi thực hiện có hệ thống và theo chuỗi, kiểm tra theo chuỗi, tập trung vào những sản phẩm chính, tập trung vào khâu xung yếu, tăng cường kiểm tra tần suất lớn.
Theo Hoàng Tùng (TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm