Có nên nhập khẩu lao động phổ thông?

Thực tế chuyện doanh nghiệp xin nhập khẩu lao động không phải là chuyện mới. Năm 2008 nhiều lần phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra câu chuyện một doanh nghiệp đầu tư vào nước ta xin nhập khẩu 1.000 lao động như một ví dụ chứng minh cho sự thiếu hụt nguồn lao động có nghề ở nước ta. Thời điểm đó là lúc một số doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép như Intel hay Foxconn… Còn tới thời điểm này khi lao động phổ thông cũng khó tuyển, nhất là ở khu vực Đông Nam bộ, doanh nghiệp lại đề nghị được nhập khẩu từ một số nước lân cận.

Thừa người thiếu thợ

Khu vực Đông Nam bộ hiện đang đứng đầu cả nước về sự khan hiếm lao động. Theo báo cáo cung – cầu lao động năm 2009 được bộ Lao động, thương binh và xã hội gửi Chính phủ, lực lượng lao động nước ta hiện tại có tới 73,5% tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn. Trong đó tập trung ở đồng bằng sông Hồng (22,29% lực lượng lao động cả nước), đồng bằng sông Cửu Long (21,49%). Tuy nhiên sự phân bố của các doanh nghiệp lại khác biệt so với sự phân bố lao động. Vùng đồng bằng sông Hồng hiện đang có 23,39% số doanh nghiệp của các nước và sử dụng 36,01% số lao động. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 11,67% số doanh nghiệp và sử dụng 6,7% số l ao động. Riêng khu vực Đông Nam bộ hiện chiếm tới 36,89% số doanh nghiệp, sử dụng đến 40,48% số lao động tạo nên sự khan hiếm lao động thật sự cho khu vực này.

Người nhập cư đối mặt khó khăn

Chính sách đào tạo không hợp lý nhiều năm qua cũng có tác động không nhỏ tới sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Đào tạo không gắn với sử dụng khiến cho vấn đề việc làm của người lao động sau khi tốt nghiệp khó khăn trong khi thị trường vẫn thiếu hụt. Điều này gây nên tâm lý nghi ngại cho những gia đình nông dân khi bỏ ra cả gia tài để đầu tư cho con học tập.

Chính sách hỗ trợ cho lao động nhập cư hiện tại cũng hoàn toàn không có gì. Với đồng lương quá thấp lại không nhà cửa, không hỗ trợ y tế, giáo dục, đời sống tinh thần lại quá nghèo nàn, người lao động cũng sẽ “yên phận” với làm nông nghiệp thay vì phải di cư ra đô thị và đối mặt với nhiều khó khăn. Trong khi đó tại các khu công nghiệp ở vùng Đông Nam bộ, lao động di cư đang chiếm tỷ lệ cao, ở TP.HCM tỷ lệ lao động nhập cư là gần 70%

Nhưng chắc chắn đề nghị nhập khẩu lao động phổ thông sẽ khó được chấp thuận. Bởi ở nước ta hiện tại việc xuất khẩu lao động phổ thông vẫn đang được xem là một giải pháp quan trọng để tạo việc làm, chuyện đồng ý cho nhập khẩu lao động phổ thông là khá hài hước. Chưa kể tới việc cho phép nhập khẩu lao động phổ thông mà không kiểm soát tốt sẽ làm tăng dân số cơ học không mong muốn. Điều này là cân nhắc lớn khi nước ta đàm phán gia nhập WTO nhiều năm trước đây. Nhưng đây cũng là một kiến nghị đáng để các cơ quan có trách nhiệm quản lý, điều hành thị trường lao động phải lưu ý.

Còn nhiều cách khác

Hiện tại ở nhiều vùng nước ta lao động phổ thông vẫn rất dư thừa, đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự thiếu hụt tới mức doanh nghiệp phải đề nghị nhập khẩu lao động phổ thông là minh chứng cho quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động đang quá chậm ở nước ta, không theo kịp với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Hiện tại có tới bảy trong tám vùng lãnh thổ của nước ta tỷ lệ lao động nông thôn làm nông nghiệp vẫn chiếm hơn 70% lực lượng lao động.

Chuyển đổi cơ cấu lao động là cách làm thế nào đó để người lao động hiện đang chủ yếu làm nông nghiệp chuyển sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sự chuyển dịch này sẽ hỗ trợ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo điều kiện thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nhiều năm qua trong các báo cáo tỷ lệ chuyển dịch này luôn khả quan nhưng trong thực tế hiện tại lao động vẫn “nằm” nhiều ở khu vực nông nghiệp. Các chính sách chưa có đủ tác động để bứt số lao động này thoát khỏi nông nghiệp, cho dù làm nông nghiệp thu nhập thấp và thiếu các chính sách đảm bảo an sinh lâu dài.

Để tạo được sự đột phá cho chuyển dịch cơ cấu lao động và sự chuyển dịch lao động từ những khu vực dư thừa sang khu vực khan hiếm, ba chính sách quan trọng nhất sẽ là lương, nhập cư và đào tạo. Trong nhiều năm qua do duy trì chính sách tiền lương tối thiểu thấp để thu hút đầu tư lại không thực thi đồng bộ với chính sách phát triển thị trường lao động, mức lương người lao động được trả đang quá thấp, không đủ sống. Với lý thuyết lương tối thiểu chỉ là mức sàn để người lao động đàm phán thoả thuận lương với chủ sử dụng nhưng không hỗ trợ người lao động các công cụ đàm phán, tổ chức công đoàn quá yếu không đại diện được cho quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nên người lao động bị ép lương và không có quyền đàm phán. Điều này tạo nên sự chuyển dịch ngược, đó là lao động đang làm công nghiệp trở về làm nông nghiệp, nhất là sau làn sóng sa thải hồi cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Theo Tây Giang ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm