‘Đánh’ vào ông lớn vận tải để giảm cước!

Giá xăng dầu trong nước giảm liên tiếp nhưng giá cước vận tải vẫn án binh bất động. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính, xung quanh sự bất hợp lý này.

Bất chấp mọi thứ

. Phóng viên: Tính từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã bảy lần giảm nhưng giá cước vận tải không giảm. Ông có bình luận gì về thực tế này?

‘Đánh’ vào ông lớn vận tải để giảm cước! ảnh 1
 
+ TS Ngô Trí Long: Nhiên liệu là yếu tố quan trọng trong cơ cấu giá vận tải, nó chiếm 25%-40%. Giá cước vận tải bao gồm nhiều loại hình như đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy. Hiện nay hàng không đang ở vị trí “độc quyền nhóm” nên Nhà nước quy định giá trần. Còn các loại hình khác đã có sự cạnh tranh thực sự, nhất là vận tải ô tô.

Khi giá cước vận tải ô tô không giảm theo giá xăng dầu, Bộ GTVT đã từng đề nghị Bộ Tài chính đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá để doanh nghiệp (DN) niêm yết, kê khai giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng ý vì cho rằng thị trường vận tải ô tô đang cạnh tranh thực sự.

Hiện nay thủ tục điều chỉnh cước vận tải ô tô rất phức tạp. Dù vậy, khi giá xăng tăng, các DN bất chấp vất vả về thủ tục để tăng ngay, vậy mà khi giá xăng dầu giảm thì họ đã lợi dụng cơ chế “chậm chạp” của đăng ký giá cước để không giảm cước. Như vậy nguyên nhân có phần xuất phát từ cơ chế chính sách quản lý. Cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm và quyết liệt.

.Vậy theo ông, với mức giá xăng dầu giảm như thời gian qua thì giá cước vận tải giảm ở mức tương ứng bao nhiêu là hợp lý?

+ Giá cước vận tải được hình thành từ nhiều yếu tố như phí bến bãi, cầu đường, lương công nhân,... trong đó giá xăng dầu là một yếu tố trong số đó. Chẳng hạn, giá xăng giảm 30% không có nghĩa là giá vận tải phải giảm tương ứng vì trong từng loại hình phải xem giá xăng dầu chiếm bao nhiêu %. Nếu trong bối cảnh các yếu tố khác không thay đổi thì giá xăng giảm 30%, giá cước vận tải có thể giảm khoảng 3%-5%.

. Các DN taxi, vận tải đưa ra nhiều lý do để không giảm giá cước, như quá trình điều chỉnh cước tốn kém, tốn kinh phí in lại giá vé... Những lý do trên, theo ông có thực sự thuyết phục?

+ Như tôi đã phân tích ở trên. Hiện nay cơ chế đăng ký cước vận tải rất phức tạp, DN mất nhiều thời gian lòng vòng. Đặc biệt chi phí mỗi lần thay đổi giá cước bình quân DN phải bỏ ra 200.000 đồng/xe cho khâu in bảng cước, in vé…

Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng tâm lý của nhiều DN là càng giữ được giá cước cao bao nhiêu thì càng lợi, nếu không có sức ép từ dư luận, người tiêu dùng. Không loại trừ khả năng họ sẵn sàng bất chấp mọi thứ để đem lại lợi ích cho mình! Điều này được thể hiện rõ khi giá xăng tăng cao, kể cả thủ tục mất nhiều thời gian, họ ngay lập tức điều chỉnh giá cước tăng. Thế nhưng khi giá xăng giảm, họ lại chần chừ, kéo dài thời gian giảm giá vì chính “cơ chế thủ tục”. Điệp khúc tăng nhanh giảm chậm của cước vận tải luôn diễn ra.

Người tiêu dùng không được hưởng lợi đầy đủ từ khi giá xăng dầu giảm. Ảnh: HTD

Thanh tra một số “ông lớn”

. Luật giá có quy định DN phải điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Nếu DN không điều chỉnh giá là trái quy định và hoàn toàn có thể xử phạt…Vậy vì sao các cơ quan chức năng không sử dụng công vụ này và cần phải làm gì để DN thực hiện theo đúng quy định?

+ Tôi xin lưu ý, vận tải ô tô đã theo thị trường và chịu sự chi phối của thị trường, cơ quan quản lý không thể vô cớ muốn phạt là phạt ngay được. Nếu làm không khéo có thể bị DN kiện lại và phá vỡ cam kết quốc tế khi hội nhập.

Cơ quan quản lý muốn xử phạt thì phải thanh tra, kiểm tra cơ cấu giá cước và chứng minh DN sai phạm. Bộ Tài chính, Bộ GTVT phải thanh tra để xem các DN đã thực sự cạnh tranh chưa.

. Có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để buộc các DN vận tải phải giảm giá cước, trả lại sự công bằng cho người tiêu dùng. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng hãy để thị trường điều tiết, Nhà nước không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Nguyên tắc thị trường luôn phải ưu tiên thị trường. Có điều để có sự cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, Nhà nước cần có cơ chế để tạo môi trường kinh doanh cho các dịch vụ vận tải như Uber, Grabtaxi… nhằm tạo sức ép về giá cước với loại hình taxi truyền thống.

Cùng với đó, Nhà nước xem xét lại có cần thiết áp dụng thủ tục kê khai giá hay không. Bởi điều này vô tình lại làm cho khâu giảm giá chậm hơn. Câu chuyện vẫn nằm ở chính những thủ tục, giấy tờ hành chính.

Mặt khác, DN không bao giờ tự ý thức từ bỏ quyền lợi mà mình đang có nên để giải quyết vấn đề “tăng nhanh giảm chậm”, Bộ Tài chính, GTVT cần có chiến dịch thanh tra một số “ông lớn” trên thị trường vận tải để xem xét biểu giá có hợp lý không; nếu bất hợp lý thì có chế tài xử phạt nghiêm. Từ đó để tạo hiệu ứng dây chuyền cho các DN khác buộc phải giảm giá cước theo để cạnh tranh.

. Xin cám ơn ông.

Giá cước taxi bất hợp lý vì…cơ quan quản lý

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết hiện đã có ba DN taxi báo cáo về việc điểu chỉnh giảm giá cước theo giá xăng dầu. Các DN khác đang tiếp tục rà soát các chi phí, đối chiếu với giá xăng dầu để có sự điều chỉnh hợp lý.

Liên quan đến giá cước taxi Việt Nam được đánh giá là đắt đỏ so với các nước trong khu vực, ông Liên lý giải cước taxi cao thì không thể đổ lỗi cho DN được mà là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi khi DN đăng ký kinh doanh họ đã kê khai giá cước và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mức giá trên. Sau đó, xăng lên họ tăng theo giá xăng là hợp lý.

“Việc phê duyệt giá cho DN chưa khoa học của cơ quan quản lý nhà nước là một trong những nguyên nhân đẩy giá cước taxi tại Việt Nam cao hơn so với các nước. Do vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định giá cước khởi điểm của DN để đăng ký, từ đó có cơ sở khoa học để xác định giá cước taxi Việt Nam đắt hay rẻ” - ông Liên đề nghị.

VIẾT LONG

Giá cước vận tải khó thấp xuống

Ông Khuất Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nói giá xăng dầu giảm mà giá chở hàng chưa giảm vì thời gian trước DN đua nhau chở quá tải để bớt chi phí, cạnh tranh về giá. Sau đó Nhà nước siết lại vấn đề tải trọng, kiểm tra và phạt nặng xe quá tải nên hầu hết các DN đều phải chở đúng tải. Chở đúng tải thì giảm số hàng/lần chở, dẫn đến chi phí tăng, giá cước tăng, làm sao giảm giá cước được nữa!

Xử lý các đơn vị vận tải không giảm giá cước

Ngày 9-9, thông tin từ Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết đã có công văn đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố phải thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Sở GTVT cũng quy định thời gian các DN nộp hồ sơ kê khai phương án giảm giá đến hết ngày 20-9. Sau thời điểm trên, các DN không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu sẽ bị lập danh sách đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm.

TÚ UYÊN - QUỲNH NHƯ - GIA TUỆ

Đó là bao biện

Trang thông tin chi phí sinh hoạt toàn cầu Numbeo.com cho biết giá cước taxi ở VN vẫn cao so với các nước trong khu vực. Ví dụ: Cước taxi tại TP.HCM 14.500-15.500 đồng/km trong khi ở Singapore - nơi có chi phí đắt đỏ khoảng 8.700 đồng/km, Thái Lan 3.800 đồng/km…

Về vấn đề này, tôi cho rằng nguyên nhân là ở các nước có sự cạnh tranh bình đẳng và khốc liệt, do vậy khi giá xăng dầu giảm là họ điều chỉnh giảm ngay. Nhờ tác động của cạnh tranh nên kéo giá giảm xuống, nếu ai không giảm thì sẽ bị người dùng tẩy chay.

Còn tại Việt Nam, các DN taxi, vận tải đưa ra nhiều lý do để không giảm giá cước như việc điều chỉnh cước tốn kém... Đó là cách nói bao biện của DN vì giá xăng dầu đã giảm đáng kể trong một thời gian dài rồi. Và chính vì giá cước không giảm nên chi phí đầu vào của các DN sản xuất còn cao, người tiêu dùng thì không được hưởng lợi đầy đủ từ khi giá xăng dầu giảm.

TS LÊ ĐĂNG DOANH

Có thể sẽ giảm 1.000 đồng/km

Mấy ngày nay tôi có việc phải đi taxi nhiều, tốn cả mấy triệu đồng. Tôi hỏi tài xế của hãng V. vì sao xăng dầu giảm mà giá cước taxi không chịu giảm theo thì tài xế nói nếu giảm cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến việc khách đi hay không đi taxi! Tuy vậy, tài xế này cho biết có nghe thông tin sắp tới hãng V. sẽ giảm 1.000 đồng/km.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Châu, nhà ở quận 2 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.