Ngạc nhiên đồ chơi 'độc, lạ' Việt bay sang Mỹ, Anh

Thị trường đồ chơi nhiều năm nay gần như không có cửa cho sản phẩm Việt Nam chen chân. Ở phân khúc giá rẻ, đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường, còn ở phân khúc cao cấp cũng không có cửa cạnh tranh với các hãng nước ngoài.

Tuy vậy gần đây một số doanh nghiệp (DN) đồ chơi Việt đã nỗ lực và phát triển mạnh mẽ nhờ chọn hướng đi riêng với những sản phẩm mới lạ, độc đáo, chất lượng và giá cạnh tranh. Chính vì vậy những sản phẩm này được người tiêu dùng trong nước và thế giới chọn lựa.

Đồ chơi bằng len xuất ngoại

Mới khởi nghiệp chưa đầy một năm nhưng sản phẩm thú bông len làm bằng tay (handmade) mang thương hiệu Wowlen đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Nga, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng đồ chơi Wowlen, chia sẻ: “Trong quá trình tìm kiếm đồ chơi cho con của mình, tôi đã nảy ra câu hỏi: Tại sao không tự tay tạo ra một món đồ chơi vừa hấp dẫn vừa an toàn? Từ ý tưởng này, tôi trăn trở, mày mò để tạo ra những sản phẩm thú bông được đan từ sợi len”.

Trong quá trình tìm nguyên vật liệu, mẫu mã, người hướng dẫn…, chị Nga còn phát hiện ở phân khúc thị trường này không có nhiều DN tham gia trong khi nhu cầu của người tiêu dùng lại không hề nhỏ. Vậy là chị quyết định khởi nghiệp công ty sản xuất thú bông bằng len theo dạng làm thủ công bằng tay.

Thành công bước đầu khiến chị Nga không giấu được niềm vui. Chị cho biết chỉ sau một thời gian ngắn, hiện nay hệ thống Wowlen đã có bốn cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM. Doanh thu có cửa hàng đạt cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Cửa hàng thứ năm dự kiến sẽ được khai trương đầu tháng 8-2017 ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đây sẽ giới thiệu nhiều mẫu mã đồ chơi bằng len mà theo lời chị Nga là để “vừa quảng bá hàng Việt và giới thiệu với du khách quốc tế những sản phẩm handmade độc đáo, tinh tế của Việt Nam”.

Đáng chú ý sản phẩm đồ chơi đan móc bằng len của Wowlen đã nằm trên kệ hàng hệ thống đồ chơi trẻ em và có mặt tại một số trung tâm thương mại cao cấp ở Anh, Hàn Quốc...

“Mới đây đối tác Hàn Quốc đặt mua hơn 2.000 thú bông len trị giá 15.000 USD và dự kiến sẽ tăng lượng đặt hàng mỗi tháng vì thị trường ưa chuộng. Một số đối tác lớn đến từ Đức cũng đã chọn chúng tôi làm đối tác gia công” - chị Nga tiết lộ.

Khách hàng thích thú với thú bông làm bằng len tại cửa hàng của Wowlen. Ảnh: QUANG HUY

Việc đồ chơi Việt xuất ngoại như trường hợp Wowlen không phải là cá biệt. Thực tế một số đồ chơi cao cấp với hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao như đĩa bay, robot nhảy theo nhạc, con quay… cũng đã bước đầu chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật.

Đơn cử Công ty Cổ phần Robot Tosy đã xuất khẩu các sản phẩm đồ chơi đi hàng chục quốc gia với những đơn hàng giá trị hợp đồng hàng triệu USD. Tương tự, những sản phẩm đồ chơi bằng gỗ với nhiều trò chơi hấp dẫn, có tính giáo dục cao cho trẻ em của Công ty Gỗ Đức Thành cũng đã bay sang hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Cạnh tranh bằng tiêu chuẩn quốc tế

Hiệp hội Các nhà sản xuất đồ chơi thế giới đánh giá thị trường hàng hóa cho trẻ em Việt Nam lên tới hơn 5 tỉ USD/năm. Đặc biệt Việt Nam đang có khoảng 22 triệu trẻ em ở độ tuổi 0-14, chiếm 24% dân số. Số lượng trẻ em cũng không ngừng tăng qua mỗi năm tạo ra một thị trường tiềm năng cho các công ty Việt Nam ngay trên sân nhà nếu biết phát huy khả năng của mình.

“Thị trường đồ chơi trong nước lẫn xuất khẩu đều rất tiềm năng. Quan trọng nhất là DN phải tạo ra được sản phẩm mới lạ, đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ và đạt tiêu chuẩn an toàn cao thì sẽ có cơ hội” - nhà sáng lập chuỗi cửa hàng đồ chơi Wowlen Nguyễn Thị Mỹ Nga tự tin nói.

Dưới góc nhìn của người tiêu dùng, anh Minh Phương, nhà ở quận 1, TP.HCM nhận xét đồ chơi Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng rất đáng lo ngại. Bởi báo chí từng nhiều lần đưa tin phát hiện đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc gây ngứa, viêm da, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em... Trong khi đó, một món đồ chơi nhập khẩu từ các nước châu Âu, Mỹ… lại có giá quá cao, có bộ đồ chơi lego giá bằng cả tháng lương.

“Trong bối cảnh đó, đồ chơi Việt gần đây bắt đầu xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, mẫu mã cần đa dạng hơn, màu sắc phải bắt mắt hơn và giá thấp hơn thì mới chiếm lĩnh được thị trường, chinh phục được các bậc phụ huynh” - anh Phương nói.

Thừa nhận đồ chơi “made in Việt Nam” nhìn chung vẫn còn khá đơn điệu, đại diện một DN chuyên sản xuất sản phẩm trẻ em cho rằng để cạnh tranh thắng đối thủ ngoại thì các DN vẫn còn nhiều việc phải làm. “Đồ chơi phải có cá tính riêng, nổi bật giữa đám đông, khác biệt và kích thích tính sáng tạo, chất lượng, an toàn sức khỏe” - đại diện DN trên nhấn mạnh.

Xuất khẩu đồ chơi tăng

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đồ chơi và dụng cụ thể thao của Việt Nam quý I-2017 đạt gần 236 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng này là Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Canada và Hàn Quốc.

Đặc biệt, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu những mặt hàng này sang Hà Lan tăng mạnh nhất tới 102%, xuất sang Tây Ban Nha tăng trên 98%, sang Đức tăng 52%, sang Bỉ tăng 42%...

___________________________

Để chinh phục được thị trường, chúng tôi có đội ngũ thiết kế, lên ý tưởng. Đặc biệt chúng tôi thường xuyên cập nhật xu hướng của thế giới, những bộ phim mà trẻ em thế giới ưa thích xem để sáng tạo ra sản phẩm; quảng cáo trên các ứng dụng mà du khách nước ngoài vào Việt Nam hay sử dụng.

Chị NGUYỄN THỊ MỸ NGA, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng
đồ chơi Wowlen

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm