Đồng loạt vào cuộc làm rõ vụ Khaisilk lừa dối

Sáng 31-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời báo chí những vấn đề liên quan đến vụ việc Khaisilk phản bội niềm tin của khách hàng.

Kiểm tra Khaisilk trên toàn quốc

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, sau khi có báo cáo tổng hợp về vụ việc này của các cơ quan chức năng, cộng thêm các thông tin, dấu hiệu, chứng cứ vi phạm pháp luật của Khaisilk cho thấy: Các hành vi vi phạm của doanh nghiệp này cũng như các cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Khaisilk là nghiêm trọng.

“Chúng tôi thấy đã đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm pháp hình sự, đặc biệt là tính chất nghiêm trọng trong lĩnh vực này” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, về quy mô cũng như các mức độ của hành vi vi phạm này đã vượt quá ngưỡng xử lý vi phạm hành chính, đủ điều kiện để chuyển các cơ quan điều tra để làm rõ.

“Yếu tố nữa là qua báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, chúng tôi thấy rằng có sự phức tạp trong mối liên hệ giữa Tập đoàn Khaisilk với các cửa hàng trực thuộc tập đoàn trong kinh doanh các sản phẩm sử dụng nhãn mác giả đó. Vì vậy, cần phải có lực lượng chức năng để làm rõ mức độ vi phạm hình sự của hoạt động kinh doanh này. Từ đó chúng tôi đã thống nhất chỉ đạo chuyển cơ quan điều tra” - Bộ trưởng Công Thương nói.

Lực lượng chức năng ngày 31-10 đã kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại 101 Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

Người đứng đầu Bộ Công Thương giải thích thêm: “Việc làm giả nhãn mác cho những sản phẩm tiêu thụ ở đây làm hại đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ lụy khác nhau. Đặc biệt, xét tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, xét quy mô cũng như mức độ thiệt hại gây ra của hành vi vi phạm này vượt quá mức 30 triệu đồng (theo quy định về xử lý vi phạm hành chính), vụ việc đã đủ căn cứ, điều kiện để chuyển cho cơ quan điều tra kinh tế để làm rõ” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra, xác minh làm rõ các hoạt động, dấu hiệu vi phạm trên toàn bộ hệ thống các cửa hàng thuộc Tập đoàn Khaisilk.

Nhập gần 700.000 m2 vải tơ tằm Trung Quốc

Tại cuộc họp báo diễn ra sáng 31-10, trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM liên quan đến vụ việc Khaisilk thừa nhận nhập khẩu khăn Trung Quốc (TQ) dán mác “Made in Vietnam”, ông Trần Đức Hùng, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, cho biết cơ quan này đã chủ động rà soát số liệu đối với mặt hàng tơ lụa nhập khẩu từ TQ.

Cụ thể trong hai năm 2015, 2016 và chín tháng đầu năm 2017, Việt Nam (VN) đã nhập hơn 8.800 chiếc khăn tơ tằm TQ chính ngạch (chưa tính con số nhập tiểu ngạch - PV) với trị giá 35.800 USD, tương đương 816 triệu đồng.

Với giá bình quân hàng nhập nói trên, mỗi chiếc khăn tơ tằm TQ nhập về VN giá trên 92.700 đồng. Trong đó, riêng chín tháng đầu năm 2017, VN đã nhập hơn 4.400 chiếc khăn tơ tằm TQ, trị giá 134 triệu đồng.

Về mặt hàng vải, hai năm chín tháng qua, VN đã nhập hơn 753.000 m vải tơ tằm. Trong đó riêng chín tháng đầu năm nay là 153.000 m. Tính theo mét vuông, vải tơ tằm nhập về VN là hơn 680.000 m2.

“Điều đáng nói, con số nhập khẩu diện chính ngạch của mặt hàng khăn tơ tằm và vải tơ tằm từ TQ về VN từ năm 2015 đến 2016 dù lượng nhập không thay đổi nhiều nhưng giá trị lại giảm nhanh, từ con số 4 triệu USD giảm còn 2,3 triệu USD. Riêng trong chín tháng đầu năm nay chỉ 1,2 triệu USD” - Tổng cục Hải quan cho biết.

Trưa cùng ngày, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng Khaisilk tại TP.HCM để làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Tại cửa hàng Khaisilk tọa lạc tại 101 Đồng Khởi, quận 1, khi PV các báo đài đến tác nghiệp, bảo vệ cửa hàng này ngăn cản không cho vào.

Trong khi đó, khá nhiều du khách nước ngoài có lẽ chưa nắm thông tin nên vẫn muốn vào cửa hàng Khaisilk để mua hàng. Dù vậy, khách bị bảo vệ chặn lại và cho biết: “Hôm nay đóng cửa”. Khi khách hỏi ngày mai có mở cửa lại không thì được trả lời: “Không biết”.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho hay sẽ thông tin kết quả cụ thể cho báo chí khi kết thúc kiểm tra. Nếu phát hiện Khaisilk vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, tại TP.HCM hiện có ba điểm bán tơ lụa Khaisilk, trong đó hai điểm tại đường Đồng Khởi và một điểm trên đường Tôn Đức Thắng. Ngoài ra còn bốn nhà hàng Khaisilk có trưng bày hàng ở quận 3 và quận 7.

Sau khi vụ việc được báo chí đăng tải, cả ba cửa hàng đều đã đóng cửa, treo biển tạm ngừng kinh doanh để kiểm tra hàng hóa. Bốn nhà hàng thì không còn trưng bày sản phẩm của Khaisilk.

Không có đất sống cho làm ăn gian dối

Ngày 31-10, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản khẩn thông báo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM khẩn trương kiểm tra toàn bộ hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư Khaisilk và tất cả đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP có biểu hiện gian lận thương mại để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu báo cáo liên quan đến vụ Khaisilk bán vải lụa TQ. Theo ông Phong, thời gian qua có xảy ra một số vụ việc liên quan đến doanh nghiệp làm ăn gian dối, thiếu đạo đức kinh doanh, thiếu tôn trọng người tiêu dùng, trong đó có vụ Khaisilk bán khăn lụa TQ.

Từ những vụ việc này, ông Phong khẳng định: “TP.HCM không phải là đất sống cho những doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh, làm ăn gian dối và thiếu tôn trọng người tiêu dùng”.

Không thể chấp nhận được

“Đây là hành vi không thể chấp nhận được” - Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời báo chí về việc Khaisilk lấy lụa TQ dán mác VN tại lễ ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân diễn ra tối 30-10.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho hay Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương kiểm tra, xử lý vụ việc. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập khẩu, đặc biệt là yêu cầu cơ quan quản lý phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.

“Không thể chấp nhận việc Khaisilk lấy hàng bên ngoài rồi dán nhãn mác hàng Việt được. Làm như thế là làm giảm uy tín, chất lượng của hàng hóa chúng ta đi” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm