EU: Khủng hoảng Hy Lạp không ảnh hưởng đầu tư vào Việt Nam

Đó là nhận định chung của các diễn giả trong buổi Hội thảo quan hệ chiến lược Việt Nam - EU Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU tổ chức tại TP.HCM vào ngày 11.5.

EU là thị trường chung nhưng lại là 27 nước khác nhau. Cơ chế nhập khẩu hàng hóa của EU tuy xuyên suốt, một chuyến hàng nhập vào cảng tại Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp hay bất cứ nước nào thuộc liên minh đều được tự do vào các thị trường còn lại của EU, nhưng điều đó không có nghĩa mọi sản phẩm đều đứng vững tại 27 thị trường này.

Hiểu được nhu cầu khách hàng để cung cấp sản phẩm phù hợp là vấn đề quan trọng nhất, khi đáp ứng được, việc tiêu thụ hàng hóa sẽ dễ dàng hơn. Như vậy, cách tốt nhất để thâm nhập thị trường, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Phó vụ trưởng vụ Thị trường châu Âu, bộ Công thương, là mời doanh nghiệp EU hoặc doanh nghiệp Việt kiều hợp tác đầu tư để sản xuất hàng hóa xuất ngược sang châu Âu. Có doanh nghiệp EU tham gia, việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng tại từng thị trường riêng trong 27 nước EU đơn giản hơn. Nhưng phó chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc lưu ý, khi mời một doanh nghiệp EU cộng tác, doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc những đối tác từng có quan hệ thời gian dài, và phải hiểu rõ về doanh nghiệp, hoạt động, tài chính của doanh nghiệp trước khi chính thức hợp tác.

Ông Lê Kỳ Anh, chuyên viên kinh tế & thương mại phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh sắp tới, EU và Việt Nam sẽ đưa ra một số quy định về sản phẩm, các doanh nghiệp cần lưu ý cập nhật để thực hiện tránh bị động đối với hàng hóa của mình, đặc biệt là quy định về khai thác gỗ.

Theo cảnh báo của chuyên gia tư vấn phát triển kinh doanh Hiệp hội gỗ TP.HCM, Eberhard Goetz, Việt Nam phải chú ý một số đối thủ cạnh tranh về mặt hàng này là Thái Lan, Indonesia. Dù lợi thế của Việt Nam là có sẵn nguyên vật liệu, giá lao động rẻ, nhưng Việt Nam không nên cạnh tranh bằng giá rẻ mà nên cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, thiết kế độc đáo.

Theo dự đoán của ông Cường, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu thời gian tới có chiều hướng phục hồi chậm. những mặt hàng hiện đã có chỗ đứng khó tạo được những đột phá lớn trong tương lai, trừ khi được nhận một mức thuế ưu đãi nhất định. Cơ hội cho hàng hóa chưa chiếm nhiều thị phần trong thị trường sẽ nhiều hơn, thí dụ hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre lá.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, từng khẳng định, khi bước vào sân chơi quốc tế, tranh chấp thương mại là không thể tránh khỏi. Khi bước vào sân chơi quốc tế, việc thuê mướn tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài nhằm đề phòng xử lý các tranh chấp thương mại là cần thiết. Cũng phải chuẩn bị tinh thần, chiến lược biện pháp để đối phó với những biện pháp bảo hộ của EU. Đặc biệt, nên giảm mức độ tập trung vào một số mặt hàng nhạy cảm như giày mũ da, xe đạp, chuyển chiến lược tập trung thị trường sang đa dạng hóa thị trường đối với những sản phẩm xuất khẩu nhạy cảm (có chính sách bảo hộ tại nước nhập), hàng có thị phần xuất khẩu tương đối cao (có nguy cơ bị điều tra bán phá giá).

Khi được hỏi về nhận định khủng hoảng nợ của Hy Lạp có ảnh hưởng gì tới thương mại song phương, ông Ông Antonia Berenguer, tham tán thương mại phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tỏ ra rất lạc quan: “Tôi nhìn thấy dấu hiệu tích cực cho cả hai về xuất hàng hóa, và cơ hội cho người tiêu dùng. Thí dụ, người Việt Nam sẽ có cơ hội mua hàng hiệu nếu đồng euro yếu đi so với đồng USD, điều này có nghĩa, EU vẫn bán được hàng hóa, trong khi đó, người dân EU có thể sẽ tiết kiệm chi tiêu, thay vì bỏ hàng ngàn euro mua chiếc áo hay đôi giày, họ sẽ tiết kiệm và chi vài trăm euro, điều đó có nghĩa hàng hóa Việt Nam vẫn có cơ hội tiêu thụ tại EU trong thời kỳ khó khăn”. Ông cũng cho rằng, về lâu dài, các kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp EU vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn từ vụ khủng hoảng này.

Theo K.D ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm