Gạo Việt tự hại nhau, thương nhân Trung Quốc hưởng lợi

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, thua lỗ vì tự hại nhau, đua nhau hạ giá, bán giá rẻ; cơ chế quản lý, điều hành còn nhiều bất cập gây khó khăn cho nhà xuất khẩu gạo…

Đó là nội dung được nhiều DN, chuyên gia, cơ quan quản lý đưa ra tại hội nghị về phát triển thị trường xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17-10 ở TP.HCM.

Hại nhau chết chùm

Đại diện Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết hiện nay địa phương này có khoảng 150 DN xuất khẩu gạo, trong đó có 30 đơn vị xuất khẩu trực tiếp. Thế nhưng số DN đang gặp khó khăn rất nhiều, thậm chí thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản mà nguyên nhân chính là do các DN tự “giết” nhau.

“DN Việt Nam (VN) thiếu sự liên kết, bắt tay nhau để cùng làm ăn, cùng thắng trên thị trường quốc tế. Nắm được điểm yếu này, các thương nhân Trung Quốc (TQ) cho người thâm nhập vào các DN Việt nắm thông tin. Sau đó tung tin làm loạn thị trường để các DN Việt cạnh tranh lẫn nhau, đua nhau hạ giá và chèn ép nhau. Cuối cùng các công ty nhập khẩu TQ ngư ông đắc lợi. Họ lũng đoạn thị trường gạo VN, mua được gạo giá rẻ từ nước ta” - đại diện Sở Công Thương TP Cần Thơ nêu thực tế.

Một nghịch lý nữa đang xảy ra đối với các DN xuất khẩu gạo được đại diện Sở Công Thương TP Cần Thơ nêu ra là có một số DN không có đủ gạo để bán dù đối tác nước ngoài hỏi mua với số lượng lớn, trong khi đó có DN dư thừa gạo nhưng bán không ai mua.

“Ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có khoảng 10-15 công ty đứng vững nhờ quản lý được chất lượng sản phẩm xuất khẩu thông qua việc truy xuất nguồn gốc; liên kết với nông dân, quản lý tốt vùng nguyên liệu và hiểu rõ thị trường cần mua loại gạo gì để tổ chức sản xuất. Từ thực tế này cho thấy các DN muốn thành công phải bắt tay nhau, lập các nhóm chia sẻ thông tin thị trường, bàn bạc thống nhất giá cả với nhau để không bị thương nhân các nước chèn ép giá, nhất là TQ” - Sở Công Thương TP Cần Thơ đề xuất.

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi, chuyển từ gạo cấp thấp sang gạo chất lượng cao. Trong ảnh: Công nhân đóng gói, vận chuyển gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: QUANG HUY

Bị thương nhân nước ngoài bắt nạt

Ngược lại, phía DN cũng chỉ ra những điểm yếu trong cách điều hành của Hiệp hội Lương thực VN (VFA). Đại diện một số công ty đánh giá hiệp hội không làm tốt vai trò cầm trịch trong điều hành xuất khẩu gạo, dẫn tới DN mạnh ai nấy làm. Hậu quả là mới đây, xuất khẩu gạo VN “thua trận” trong hai thương vụ đấu thầu mua gạo của Philippines và Bangladesh.

Nói rõ thêm về vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, cho hay trong đợt đấu thầu mới đây của Bangladesh, không có cửa cho hạt gạo VN trúng thầu. Tương tự, trong cuộc đấu thầu với Philippines cũng chỉ có mỗi Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) trúng thầu với giá tốt. Trong khi những công ty khác do thiếu sự thống nhất, tự hại nhau, chào giá thấp nên rốt cuộc trúng thầu nhưng bị lỗ nặng.

Ông Nam nhấn mạnh: “DN ngành xuất khẩu gạo rơi vào thế bị động trong một thời gian dài, gặp nhiều rủi ro cao vì bị thương nhân nước ngoài chèn ép, bắt nạt. Khi giá cao thì bị nước ngoài ép phải giao thật nhanh, giao chậm bị phạt hợp đồng. Khi giá gạo xuất khẩu rẻ thì nước ngoài lại không chịu lấy hàng, dù đã cam kết trong hợp đồng. Do đó hiệp hội cần làm tốt vai trò thống nhất DN trong nước lại để chủ động và có tiếng nói với nhà nhập khẩu nước ngoài” - ông Nam tha thiết đề nghị.

Cần cởi trói thật sự, đừng nửa vời

Ngay từ đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo. Cùng với đó là bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội Lương thực VN.

Một số chuyên gia đề nghị đối với thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, cần bỏ ngay cơ chế độc quyền cho hai tổng công ty Vinafood 1 và 2 để các DN có thể cạnh tranh bình đẳng, có lợi cho hạt gạo Việt. 

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều quy định kiểu “bình mới, rượu cũ” chưa cởi trói thật sự dẫn tới khó khăn cho DN. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty Gạo Việt, dẫn chứng việc xuất khẩu gạo từ chỗ phải thông qua VFA, nay chuyển qua Bộ Công Thương chẳng khác gì nhau, đó không thể nói là cởi trói. Đặc biệt, việc bắt buộc DN phải thông báo với cơ quan chức năng thì mới được xuất khẩu gạo gây ra những cản trở không cần thiết.

“Do vậy cần bỏ quy định này. Thay vào đó cơ quan điều hành xuất khẩu gạo chỉ cần tiếp nhận thông tin từ cơ quan hải quan, vì khi xuất khẩu DN đã làm tờ khai hải quan” - ông Long đề nghị.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cũng cho rằng nhiều năm qua cơ chế điều hành về xuất khẩu gạo đã gián tiếp tạo điều kiện để nhóm lợi ích ngăn cản các DN tiếp xúc, giao dịch với nhiều quốc gia nhập khẩu gạo. Thậm chí ngành gạo xuất hiện nhóm lợi ích khống chế, triệt tiêu việc xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao.

Xuất khẩu gạo đã có nhiều thay đổi

Ông Nguyễn Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực VN, cho biết cơ cấu gạo xuất khẩu của VN đã thay đổi. Từ việc chủ yếu xuất khẩu gạo trắng hạt dài chất lượng thấp, đến nay VN đã chuyển mạnh sang xuất khẩu gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao và nếp. Gạo thơm đứng đầu trong rổ gạo của VN với tỉ lệ 26%. Đây là chuyện mà chỉ khoảng hai năm trước DN không dám mơ tới.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, thị trường gạo VN có hai khu vực chính là châu Á và châu Phi. Hiện tại gạo cấp thấp của VN không thể cạnh tranh với gạo các nước Thái Lan, Ấn Độ hay Pakistan vì giá thành.

“Ngay cả nhà nhập khẩu TQ cũng cho rằng VN không có cửa chen vào thị trường gạo cấp thấp. Ví dụ khi DN VN chào giá gạo cấp thấp 350 USD/tấn thì các nước này chào 340 USD/tấn; mình chào 340 USD/tấn, họ hạ xuống còn 320 USD/tấn nên không thể cạnh tranh được” - ông Nam nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm