Gian lận thương mại ‘giết’ DN nhỏ

Tại hội thảo Cung cấp tài chính toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam diễn ra ngày 21-8, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Quản trị DN Hà Nội, cho biết ngoài các chính sách hỗ trợ DNNVV chưa mang lại hiệu quả thì tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đang giết chết DNNVV.

31 tỉ chỉ là cò con

TS Nghĩa kể trong một lần lên Lào Cai khảo sát tình trạng buôn lậu qua biên giới, ông và đoàn khảo sát đã tìm gặp những người đổi tiền (cho những đối tượng buôn lậu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam) ở chợ vùng biên mậu. Số người làm nghề đổi tiền tại đây rất nhiều nhưng ông Nghĩa và đoàn khảo sát chỉ hỏi chuyện được 19 người sau khi đã trấn an họ.

“Chúng tôi hỏi mỗi năm một người đổi khoảng bao nhiêu tiền, họ trả lời trung bình đổi khoảng 31 tỉ đồng. Nhưng họ cho hay họ chỉ là con tép, các chỗ khác gấp vài ba chục lần” - TS Nghĩa nói.

Theo TS Nghĩa, điều này chứng tỏ việc buôn lậu qua biên giới là rất lớn. Với kim ngạch không chính thức cao như thế này, các DNNVV càng gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững.

Về gian lận thương mại, TS Nghĩa thông tin: “Một mẫu áo Việt Tiến vừa ra lò, vài ngày sau đã có ngay mẫu áo ấy, cũng đóng mác Việt Tiến được nhập từ Trung Quốc về”.

Ông Nghĩa nói mình có thói quen dùng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Song khi vào thị sát các kho hàng ở biên giới, ông giật mình và sau đó không dám dùng các sản phẩm đó trên thị trường vì toàn là hàng giả.

 
Buôn lậu và gian lận thương mại đang “giết chết” DNNVV. Ảnh: HTD

DNNVV không chỉ gặp khó khăn với buôn lậu và gian lận thương mại mà các “thủ tục” ngoài kinh doanh trong nước cũng là một rào cản rất lớn.

TS Nguyễn Đại Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kể ông có một người em thành lập DN ở Thái Bình và vô cùng vất vả vì không tìm được sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau đó em của TS Lai nhận thấy các giếng khơi của người dân không đảm bảo vệ sinh nên đã nảy sinh ý tưởng kinh doanh máy lọc nước nhằm cung cấp nước sạch cho nông thôn, cũng là để tham gia vào chương trình nước sạch nông thôn của tỉnh.

“Hiện tại, số vốn của công ty đã tăng lên 14, 15 tỉ đồng, sản phẩm phủ khắp huyện Kiến Xương và cả huyện Tiền Hải (Thái Bình). Tuy vậy, ngoài những vướng mắc về vốn liếng, thủ tục công ty phải lo đối nội, đối ngoại, phải tiếp đoàn ra, đoàn vào… Những điều này DN không lường trước được” - ông Lai kể.

Từ đó, ông Lai cho rằng phải có một chính sách hỗ trợ DNNVV minh bạch để “không ai phải lụy ai, để DN không phải bỏ ra các khoản tiền không liên quan đến kinh doanh”.

Khó tiếp cận vốn vay

TS Nghĩa cho hay các chính sách hỗ trợ DNNVV hiện nay rất nhiều nhưng rất tiếc các chính sách ấy lại đang nằm trên giấy, chưa đi vào cuộc sống. TS Lai thì cho rằng các chính sách dường như được lập ra theo “phong trào” chứ chưa mang lại hiệu quả thiết thực đối với DN.

Theo TS Nghĩa, các chính sách hỗ trợ DNVVN của Việt Nam không thành công vì được đưa ra một cách hời hợt, thiếu sự giám sát kỹ lưỡng.

TS Nghĩa đề nghị cần phải cụ thể hóa định hướng phát triển DNNVV với trọng tâm là chính sách tài chính và hỗ trợ đào tạo quản trị.

TS Đinh Thị Thanh Vân, khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), cho rằng một trong những khó khăn của DNNVV hiện nay là tiếp cận nguồn vốn. Những khó khăn này bắt nguồn từ DNNVV có quy mô hoạt động nhỏ, quản lý yếu kém, tốc độ phát triển, tài sản thế chấp, chứng minh khả năng trả nợ… đều rất kém.

Bên cạnh đó, quy định thủ tục phức tạp của tín dụng và bảo lãnh tín dụng cũng rắc rối; những quy định phức tạp từ Chính phủ cộng với các chương trình hỗ trợ DNNVV chưa hiệu quả, thị trường tài chính chưa phát triển, rủi ro cao… cũng là những khó khăn mà DNNVV chưa thể vượt qua.

TS Lai phân tích bản thân các DNNVV ngoài nỗi khổ vì “yếu, bé” còn phải chịu cảnh cạnh tranh không đồng chất vì yếu thế về các quyền lợi tiếp cận tài nguyên quốc gia như mặt bằng, lao động, công nghệ, đào tạo, thị trường... so với các DN nhà nước.

“Nếu không sớm có các quy định chuẩn mực hóa thông qua hệ thống các tiêu chí hay các điều kiện mới, nói một cách thẳng thắn là các chuẩn mực về “tư cách” vay vốn ngân hàng cho sản xuất, kinh doanh thì tiếng kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng của các DNNVV sẽ vẫn còn như vị thế của nó vậy” - ông Lai đề nghị.

“Trần trụi giữa bầy sói”

Một nhà báo New York Times nói với TS Nghĩa rằng các DNNVV sắp lâm vào tình trạng “trần trụi giữa bầy sói” khi các FTA mà Việt Nam ký kết sắp có hiệu lực.

Khi đó, DN và người nước ngoài được đối xử bình đẳng tại Việt Nam, cộng thêm việc không thể kiểm soát buôn lậu và gian lận thương mại, DNNVV sẽ khó có thể trụ vững và phát triển.

“Ở Mỹ có hẳn Bộ DNNVV. Ban đầu chính phủ Mỹ cấp cho bộ này 17 tỉ USD/năm để cho các DNNVV Mỹ vay. Năm 2005 nhận thấy cho vay không hiệu quả, chính phủ Mỹ chuyển sang hình thức bảo lãnh. Nếu chủ DNNVV là nam giới thì được bảo lãnh 55%, nếu chủ DN là nữ giới thì bảo lãnh hơn 80% mà không có điều kiện gì cả. Ngoài ra, bộ này còn hỗ trợ đào tạo về marketing, quản trị, kế toán… với chi phí vừa phải” - TS Nghĩa cho biết.

70% DNNVV không tiếp cận được vốn ngân hàng. 30% tiếp cận được thì đang nợ đầm đìa.

TS LÊ XUÂN NGHĨA

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.