Hàng nhập khẩu tăng giá theo đôla

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, thép là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất khi đôla tăng giá bởi phôi và thép thành phẩm phải nhập khẩu. Theo Hiệp hội Thép, tính từ đầu năm đến đầu tháng 11, lượng phôi thép nhập khẩu của cả nước khoảng gần 2 triệu tấn, tương ứng với 835 triệu USD. Lượng thép thành phẩm nhập khẩu cũng lên đến 5,7 triệu tấn tương đương với 3,2 tỷ USD. Lượng phôi và thép thành phẩm phải nhập khẩu khẩu lên đến hơn 4 tỷ USD.


Ông Cường tính toán, đôla lên giá, ngành thép càng gay go. Bởi theo ông Cường, mua đôla vào thời điểm cuối năm cực khó, lượng cung của ngân hàng thương mại không đủ, các doanh nghiệp buộc phải mua ở thị trường tự do. "Trên thực tế, có những doanh nghiệp đã phải bù lỗ đến 3 tỷ đồng mới mua được đôla để nhập phôi và thép thành phẩm", ông Cường nói.

Một số các mặt hàng điện tử có linh kiện nhập khẩu như máy tính cũng đứng ngồi không yên khi giá đôla tăng. Công ty TNHH Di động (Hà Nội) cho hay, trong vòng một tuần gần đây, nhiều cửa hàng bán linh kiện điện tử nhập ngoại tăng giá ít nhất 70.000-100.000 đồng mỗi thiết bị. Mức giá đôla trong tuần trước từ 18.300 đồng mỗi USD nay đã vượt qua ngưỡng 19.000 đồng khiến giá cả máy tính cũng lên. Chị Nguyễn Thị Hồng Ánh, phụ trách kinh doanh công ty, cho hay, sức mua khách hàng có hạn, giá bán linh kiện điện tử nhập khẩu tăng, khiến nhiều khách hàng lo ngại. "Biết là khách hàng chịu nhiều thiệt thòi nhưng chúng tôi không thể hạ giá bán khi các công ty cùng mặt hàng đồng loạt tăng giá", chị Ánh chia sẻ.

Khảo sát của VnExpress.net tại một số cửa hàng xe máy trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) cho thấy, chỉ trong vòng 1 ngày, nhiều loại xe máy tăng giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Theo một chủ cửa hàng chuyên xe máy cao cấp trên đường Nguyễn Lương Bằng, hầu hết các xe hạng sang như SH, Spacy, Attila hay Fuma, Nouvo đều tăng giá bán từ 2 triệu đến 5 triệu đồng do giá USD biến động.

Chị Thanh Hà (Ô Chợ Dừa), cho hay, chị đến phát hoảng khi hỏi 1 chiếc Honda Crea Scoop sáng nay vừa có giá 57.300.000 đồng, đến chiều đã lên tới 58.200.000 đồng. Vậy là trong một buổi chiều, chiếc xe đã tăng giá đến gần 1 triệu. "Tôi đành bấm bụng mua vì đang cần phương tiện đi lại", chị nói.

Một số siêu thị lớn tại Hà Nội như Pico, BigC ít bị ảnh hưởng do đang trong tháng khuyến mại. Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc siêu thị Big C, mức biến động giá tại các siêu thị chậm hơn so với mặt hàng nhập khẩu khác bởi chính sách bình ổn giá. Giá đôla tăng, nhà cung cấp muốn điều chỉnh vẫn phải có sự đàm phán giữa doanh nghiệp và siêu thị. Thêm vào đó, phải say 15 ngày, doanh nghiệp mới được áp dụng giá mới.

Ông Nguyễn Thái Dũng, cho hay, tỷ lệ hàng ngoại nhập ở siêu thị của BigC chỉ chiếm khoảng 5% nên mức biến động giá không đáng kể. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là đồ gia dụng, thực phẩm đóng hộp, mỹ phẩm từ một số nước như Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Lượng khách hàng đến BigC vẫn ổn định, mỗi ngày duy trì khoảng 20.000 lượt người và ngày cuối tuần có thể lên tới 40.000- 50.000 lượt.

Ông Dũng cho biết, trong vòng hai tháng nay, ngoại trừ mặt hàng rượu vang nhập từ châu Âu giá tăng 7-8% so với cùng kỳ năm ngoái, chưa có doanh nghiệp nào điều chỉnh giá. "Trong những tháng cuối năm, đôla khan hiếm, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu buộc phải mua đô tại thị trường tự do nhưng mức ảnh hưởng này đối với siêu thị không đáng kể", ông Dũng nói.

Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Kinh Hùng, Giám đốc trung tâm siêu thị điện máy Pico Plaza 35 Hai Bà Trưng cho hay, các mặt hàng điện tử như điện thoại di động, Tivi LCD vẫn thu hút được nhiều người mua. "Hơn nữa thời điểm này đang diễn ra tháng khuyến mại nên nhiều mặt hàng được giảm giá nên vẫn thu hút được nhiều khách hàng", ông Dũng chia sẻ

Tại TP HCM, anh Phạm Long Nhật, đại diện công ty TNHH DV TM công nghệ Phương Linh, TP HCM cho biết, tỷ giá USD so với Việt Nam đồng tăng đã gây rất nhiều khó khăn cho công ty. Trước hết là về giá cả, vì trước đây công ty đã lỡ báo giá sản phẩm cho khách hàng, nhưng khi nhập hàng về thì tính theo tỷ giá USD ngoài thị trường tự do hiện nay, khiến giá cả quá cao. Do đó, khách hàng không chịu nhận hàng về gây khó khăn cho việc bán sản phẩm và thu hồi vốn.

Ngoài ra, theo anh Nhật, hiện tại công ty anh đang triển khai nhiều dự án thiết bị mạng, cho các công trình lớn. Dù hai bên đều ký kết hợp đồng thanh toán tiền theo từng thời điểm xuất hóa đơn, nhưng hiện giờ, dự án đã thực hiện gần xong, nhưng đối tác lại không chịu thanh toán tiền vì giá cả quy đổi ra tiền Việt Nam đồng hiện nay quá cao. Nhiều khi gây ra sự mất hòa khí hai bên. Cuối cùng, công ty phải 'cắn răng" áp dụng mức giá trung bình của ngân hàng và thị trường tự do.

Đại diện một công ty nhập khẩu ôtô, xe máy tại TP HCM cũng đang dở khóc dở cười. Anh cho biết, hiện giờ tỷ giá USD đã biến động mạnh, trong khi mua USD lại không phải là chuyện dễ. Điều này khiến cho công ty không những mất uy tín với đối tác nước ngoài vì không có đủ USD để thanh toán, mà khách hàng trong nước cũng bị thất hứa, do không giao kịp hàng. Vị đại diện này cho biết, trong suốt tuần vừa qua, công ty đang đau đầu vì mua hàng cũng khó, mà bán ra thị trường lại càng khó hơn.

Giá các mặt hàng điện tử, máy tính nhập khẩu là mặt hàng chịu sự chi phối mạnh nhất khi tỷ giá USD so với đồng Việt Nam biến đổi. Đại diện siêu thị Long Vũ cho biết, giá cả các mặt hàng ở siêu thị biến đổi giá hàng ngày theo sự biến động của tỷ giá USD. Trong ngày hôm nay, khi USD tăng lên 19.500 đồng tại thị trường tự do, nên giá các sản phẩm tại siêu thị cũng được điều chỉnh tăng theo. Tùy từng loại mặt hàng, giá được điều chỉnh tăng ít hoặc nhiều.

Trường hợp, một số siêu thị nhập hàng lượng nhiều trước đó, nên giờ vẫn còn bán lượng cũ nên ít bị ảnh hưởng giá. Ông Lê Vũ Vương, phụ trách tiếp thị hệ thống siêu thị điện máy Chợ Lớn cho biết, vì tại siêu thị này, trong tháng trước đã nhập khẩu một lượng hàng lớn, hiện trong kho vẫn còn nhiều sản phẩm chưa bán ra. Do đó, dù tỷ giá USD trên đồng Việt Nam biến động, họ vẫn còn áp dụng giá cũ.

Theo Hoàng Lan - Lệ Chi ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm