Khuyến mãi nhưng hết hàng

Thời trang A. khuyến mãi giảm giá nhân dịp kỷ niệm 30-4 và 1-5, giảm từ 100.000-150.000 đồng/sản phẩm hàng hè…”. Đọc được thông tin quảng cáo rầm rộ trên mạng cùng những mẫu quần áo thời trang mới, phù hợp với sở thích, giá tiền lại chỉ từ 700.000-800.000 đồng/sản phẩm, chị Hà-Thanh Xuân khấp khởi tìm đến cửa hàng thời trang A. ở Láng Hạ để mua đồ. Đến nơi, chị Hà được nhân viên bán hàng trả lời: “Mẫu đầm mới này vừa hết hàng. Vì đây là hàng mới, mẫu mã đẹp và giá cả phải chăng nên có khuyến mãi là khách hàng đến mua luôn”.

Khuyến mãi nhưng hết hàng ảnh 1

Khách hàng luôn hào hứng với các chương trình khuyến mãi thực sự

Thời điểm chị Hà đi mua hàng là ngày thứ ba trong tổng số 7 ngày khuyến mãi. Thất vọng ra về, chị Hà thắc mắc không hiểu sao một nhãn hiệu thời trang tương đối nổi tiếng tại Hà Nội, được nhân viên văn phòng ưa chuộng lại bị động trước nhu cầu của khách hàng? Phải chăng, chương trình khuyến mãi được công bố rầm rộ để “câu khách”, còn thực tế, số lượng sản phẩm khuyến mãi chỉ mang tính tượng trưng?

Cùng chung nỗi bức xúc này, chị Hoài Thu - nhân viên công ty phần mềm than thở: “Tôi lướt web và thấy hãng thời trang T. khuyến mãi khá nhiều sản phẩm, với giá dưới 500.000 đồng/sản phẩm. Giờ nghỉ trưa, tôi rủ bạn cùng làm đi chọn mua, nhưng đến cửa hàng ở Tôn Đức Thắng thì những mẫu hàng khuyến mãi cũng đã hết, dù thời gian khuyến mãi vẫn còn”. Chị Thu cho rằng, “săn lùng” được sản phẩm khuyến mãi không hề đơn giản. Giá như bên bán hàng có thông báo số lượng từng sản phẩm khuyến mãi và cập nhật thông tin bán hàng, số hàng còn lại thường xuyên trên website thì khách hàng đỡ tốn công, mất sức.

Còn nhớ những chương trình khuyến mãi, hạ giá sản phẩm của các siêu thị điện tử, điện máy rầm rộ diễn ra trong thời gian gần đây, nhiều nơi công bố số lượng hàng khuyến mãi cụ thể, hoặc ghi chú rõ trong băng rôn quảng cáo “số lượng sản phẩm chỉ có hạn”, “chương trình khuyến mãi này được áp dụng đến khi hết hàng” khiến khách hàng chủ động hơn trong việc tìm kiếm mua hàng khuyến mãi.

Một tình huống khác xảy ra với các chương trình khuyến mãi là khách hàng chen lấn, xô đẩy, tranh giành mua hàng vì số lượng hàng ít ỏi. Tháng 11-2009, tham gia “Tháng Khuyến mãi Hà Nội” 2009, một siêu thị điện máy đã giảm giá sâu cho một số sản phẩm trong Ngày Vàng 15-11-2009. Tuy nhiên, vì số lượng sản phẩm có hạn nên hàng nghìn khách hàng đã không quản đường sá xa xôi đến chờ đợi siêu thị mở cửa. Chen lấn ra khỏi đám đông, có khách hàng đã thở phào chia sẻ: “Tôi phải đi khỏi nhà từ lúc 6h30. Khi siêu thị mở cửa, ào ào chen lấn xông vào mua được chiếc tivi 32 inch với giá rẻ hơn giá niêm yết ngày thường 2 triệu đồng”. Vị khách này đã rất may mắn, bởi số lượng hàng khuyến mãi chỉ có 8 chiếc, trong khi có hàng trăm khách hàng muốn tranh thủ cơ hội mua hàng giá rẻ.

Thực tế cho thấy, các cửa hàng, cửa hiệu, các trung tâm bán lẻ đang áp dụng các chương trình khuyến mãi với 2 mục đích. Một là giảm giá để bán hàng đã lỗi mốt, hàng lỗi, hàng hết thời vụ. Trong trường hợp này, khách hàng có thể chọn được những sản phẩm có mức giá thấp nhưng chấp nhận mẫu mã kém hấp dẫn hơn. Nhiều khách hàng không hứng thú với các chương trình khuyến mãi như vậy. Hai là các chương trình khuyến mãi để giới thiệu sản phẩm mới, khuyến mại theo chủ trương nhằm bình ổn thị trường.

Sản phẩm khuyến mãi được chào đón nhưng số lượng sản phẩm luôn có hạn, thậm chí là rất ít. Tất nhiên, việc đáp ứng được lượng hàng hóa khuyến mãi đủ cho nhu cầu tiêu dùng là đòi hỏi khó. Mặc dù vậy, người tiêu dùng có quyền được biết những thông tin công khai liên quan đến hàng hóa, đến các quyền lợi họ được hưởng. Theo quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sắp được thông qua, thông tin khuyến mãi, giảm giá sản phẩm phải chi tiết, cụ thể, treo ở vị trí dễ nhìn để mọi khách hàng đều nắm được thông tin. Các trường hợp vi phạm đều bị xử lý.

Theo Vân Hằng (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm