Mã ngành… hành doanh nghiệp!

Gần đây, doanh nghiệp (DN) làm thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh đều bị yêu cầu khai báo lại mã ngành nghề kinh doanh. Thế nhưng nhiều ngành nghề mà DN từng đăng ký nay lại khó tìm được mã tương ứng.

“Chân” lạ khó tìm “giày”

Gần đây, chị NTL đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật cho công ty. Công ty của chị chuyên tổ chức sự kiện như hội thảo, hội nghị, tổ chức họp trực tuyến… Khi nộp hồ sơ, chị được yêu cầu khai mã số ngành nghề kinh doanh.

Quyết định 10/2007 về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam liệt kê gần 650 ngành nhưng lại không có “tổ chức sự kiện”. Tìm tới tìm lui, chị L. tìm được ngành nghề “hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu”. Tuy nhiên, chị L. than: “Nghe cái tên ngành thấy phát chán, không thể hình dung được hoạt động của công ty”.

Sau đó, chị L. được tư vấn khai ngành “tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại” với mã ngành 82300. Chị L. cho rằng hoạt động tổ chức sự kiện không hoàn toàn giống xúc tiến thương mại nhưng hướng dẫn vậy thì đành làm vậy!

Thêm nữa, một DN từng đăng ký kinh doanh dịch vụ dịch thuật nay tìm trong hệ thống ngành không biết phải xếp vào ngành nghề nào. Cuối cùng, DN này được tư vấn xếp vào “hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu”.

Mã ngành… hành doanh nghiệp! ảnh 1

Doanh nghiệp dò xét các thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Ảnh: HTD

Có những trường hợp dễ gây băn khoăn như DN đăng ký kinh doanh bán buôn yến sào thì nay được hướng dẫn xếp vào ngành “bán buôn thực phẩm khác”. Trong khi đó, bán buôn sâm thì lại được hướng dẫn xếp vào “bán buôn dược phẩm”.

Tìm được mã ngành đã khó, có những ngành nghề giống như “chân” lạ không tìm được “giày” hợp ý. Mới đây, một DN hỏi Sở KH&ĐT TP.HCM rằng kinh doanh dịch vụ “môi giới cầu thủ” thì xếp vào mã ngành nào? Lâu nay, môi giới lao động, việc làm đã được liệt kê, có mã ngành. Thế nhưng môi giới cầu thủ để tham gia đá bóng chỉ có vài trận quan trọng thôi thì có được xem như môi giới lao động hay không?

Đụng thủ tục là đòi mã ngành

Từ năm 2007, khi đăng ký thành lập DN thì DN phải kê khai ngành nghề kinh doanh theo Quyết định 10/2007 về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và Quyết định 337/2007 giải thích nội dung của hệ thống ngành. DN đã xác định ngành và mã ngành thì sau đó có làm các thủ tục đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh cũng không phải lục tìm mã ngành để khai lại.

Tuy nhiên, DN thành lập trước năm 2007 chỉ khai ngành nghề kinh doanh chứ không có mã ngành kèm theo. Hiện nay khi những DN này thực hiện thủ tục với các sở KH&ĐT thì bị yêu cầu khai lại mã ngành.

Giải thích cho việc yêu cầu kê khai này, Cục Đăng ký DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết hiện nay đã áp dụng hệ thống đăng ký DN quốc gia. Do đó, mọi dữ liệu đều phải được mã hóa, trong đó cần thiết phải mã hóa ngành nghề kinh doanh. Việc này còn nhằm phục vụ cho công tác thống kê xem có bao nhiêu DN kinh doanh ngành nào, ngành nào có nhiều DN kinh doanh…

Thế nhưng muốn khai được mã ngành tương ứng, DN phải đối chiếu ngành nghề mình từng đăng ký (trước năm 2007) với hệ thống ngành (có sau năm 2007). Kẹt một nỗi hai thứ này không phải lúc nào cũng khớp với nhau.

Nghịch lý: Thích khó

Bà Trần Thị Bình Minh, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT TP.HCM, cho biết có một nghịch lý liên quan đến mã ngành nghề là DN thích tự làm khó! Theo quy định, DN chỉ cần ghi mã ngành cấp bốn (mã số có bốn số). Dưới từng mã cấp bốn có thể có thêm vài mã cấp năm (mã số có năm số) chi tiết hơn. Nếu DN chỉ khai mã cấp bốn thì có thể kinh doanh toàn bộ các ngành cấp năm nằm dưới đó. Nếu DN ghi chi tiết mã cấp năm thì chỉ được kinh doanh đúng ngành cấp năm đó mà thôi. Hơn nữa, có nhiều ngành nghề quá chi tiết và không có trong số ngành nghề cấp năm của Quyết định 10. Thế nhưng DN cứ muốn tìm ngành nghề cấp năm để ghi chi tiết!

Trong văn bản hướng dẫn của Bộ KH&ĐT về ghi mã ngành cũng nêu một trường hợp DN ở Trà Vinh muốn kinh doanh “khai thác cát sông”. Thật ra DN có thể đăng ký ngành cấp bốn tương ứng là “khai thác đá, cát, sỏi, đất sét” thì đã bao gồm nội dung “khai thác cát sông” trong đó. Tuy nhiên, DN vẫn muốn đăng ký đúng như hoạt động của mình nên Bộ đành hướng dẫn cụ thể ghi tên ngành “khai thác đá, cát, sỏi, đất sét” và ghi thêm bên dưới dòng thông tin “chi tiết: khai thác cát sông”.

Bà Minh cũng cho biết nếu DN chỉ sử dụng mã cấp bốn thì cũng tiện lợi cho nhân viên xử lý hồ sơ khi nhập dữ liệu toàn bằng mã số ngành nghề. Trong khi đó, nếu DN khai ngành “chi tiết” thì mỗi DN khai một kiểu, nhân viên rất mất công nhập dữ liệu (bằng chữ), có DN đăng ký đến cả vài chục ngành nghề kinh doanh.

Có thể DN chưa nắm rõ quy định về mã ngành nên tự làm khó mình. Ngoài ra, có thể tâm lý DN e ngại trong quá trình kinh doanh bị kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu thông tin bao trùm quá, không chính xác với ngành nghề DN hoạt động thì có thể bị làm khó.

Tuy nhiên, DN không nên e ngại vì hơn hai năm qua, Sở đã cố gắng làm việc với các cơ quan có liên quan để hiểu rõ về ngành cấp bốn, cấp năm.

Bà TRẦN THỊ BÌNH MINH,
Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT TP.HCM

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm