Mang rượu vào nhà hàng vẫn phải mất phí

Anh Mai Ngọc Vượng ở Thành Công, Hà Nội kể: Đầu xuân gặp mặt bạn bè, có sẵn ít rượu quê mang ra, anh cùng với đám bạn hẹn gặp nhau tại nhà hàng Sơn Đông (129 Thái Thịnh), nhưng khi mang chai rượu “quốc lủi” của mình ra thì nhân viên ở đây cho biết nhà hàng sẽ thu phí “phục vụ” rượu với giá 260.000 đồng/chai, đắt gấp 4 lần giá trị của chai rượu nhưng cuộc vui đang dở anh đành gật đầu đồng ý. Anh Vượng bức xúc, nếu từ đầu nhà hàng nói rõ quy định này thì không sao, đằng này khi chúng tôi đã gọi món và ăn uống rồi mới nói, như thế chẳng khác nào bắt bí khách hàng.

Cùng hoàn cảnh này, Minh - một sinh viên du học ở Trung Quốc về - mang theo 1 chai Mao Đài vào nhà hàng. Tuy nhiên, khi tiệc tàn, nhóm của Minh mới “té ngửa” khi nhân viên chìa ra hóa đơn đội thêm 200.000 đồng (tương đương 15% giá thành chai rượu) tiền “phí” rót rượu. Ra về, cả nhóm hậm hực, biết thế tổ chức ở nhà cho đỡ tiếc.

Chuyện bi hài hơn, sau một chuyến đi công tác tại Đức, anh Lân về nước, hành trang đem đến trong cuộc gặp gỡ bạn bè của anh là một chai rượu. Kết thúc cuộc vui, xem hóa đơn, anh mới tá hỏa khi nhân viên tính phí mang rượu vào quán bằng gần nửa tiền đồ nhậu. “Tranh cãi nảy lửa xảy ra, mọi chuyện chỉ ổn thỏa khi chủ quán ra giải thích và giá được hạ xuống còn 500.000 đồng”, anh Lân cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, quản lý của nhà hàng Sơn Đông cho rằng, đây là quy định của nhà hàng, mỗi chai rượu có phí 200.000 - 260.000 đồng và quy định này đã được niêm yết rõ tại tầng 1 mỗi nhà hàng của Sơn Đông, nhưng có lẽ khách hàng khi vào không chú ý nên mới dẫn đến nhầm lẫn đáng tiếc như trường hợp của anh Vượng.

Phí mang rượu vào quán tại Hà Nội từ lâu đã trở thành một quy định của nhiều nhà hàng. Tuy nhiên, mỗi khách sạn, nhà hàng lại đưa ra mức phí khác nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc ở Khách sạn Deawoo (360 Kim Mã), phí mở rượu từ 10 - 15USD/chai đối với rượu vang, 20 - 40USD/chai đối với  rượu mạnh, tuỳ vào chủng loại và dung tích. Tại cửa hàng Bia Đức, số 4 Vũ Ngọc Phan, Láng Hạ, Đống Đa (Hà Nội), phí mở rượu từ 100.000 - 150.000 đồng/chai. Nhà hàng Long Đình ở 64B Quán Sứ, phí mở rượu từ 15 - 20 USD/chai. Nhà hàng Phố Biển, Hoàng Quốc Việt có phí mở rượu bằng 20% trị giá của chai rượu. Nhà hàng Venus, phí 20% giá chai rượu, còn Khách sạn Melia, nhà hàng El Patio, phí  mở rượu từ 15 - 20 USD/chai...

Theo một chủ cửa hàng bán rượu, sở dĩ có phí mở rượu là nhằm hạn chế khách mang rượu vào nhà hàng. Vì mỗi nhà hàng đều có mối nhập rượu riêng và lãi từ việc bán rượu là không nhỏ. “Ước tính giá rượu trong quán bao giờ cũng gấp rưỡi. Còn tại các bar, sàn thì gấp đến cả chục lần”, chủ cửa hàng này nói.

Chị Hoa, một nhân viên của nhà hàng Bí Đỏ trên đường Giảng Võ cho biết, phí tính theo nồng độ của rượu, với những loại rượu có nồng độ cao, phí được tính 15 -20% theo giá bán, có những nhà hàng còn tính đến 40%. Phí của các loại bia mang vào nhà hàng khoảng 7.000 đồng/chai, các loại rượu vang, rượu có nồng độ thấp thì giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/chai.

Anh Lẫm ở Đội Cấn, người đã từng có kinh nghiệm làm quản lý nhà hàng chia sẻ: Phí đồ uống trong các nhà hàng chính là phí dịch vụ (mở rượu, rót rượu, mượn ly...). Theo kinh nghiệm của tôi, đồ uống nội địa thì dùng trong nhà hàng, riêng rượu ngoại nên mua bên ngoài rồi chịu phí, vì tính tất cả mọi chi phí thì mang rượu ngoại vào uống vẫn rẻ hơn mua trong nhà hàng.

Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Hiện nay, chưa có luật nào quy định mang rượu vào nhà hàng phải mất phí cả. Những quy định này đều do các nhà hàng tự quy định, vì thế nên phí mỗi nơi một khác và người chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng.

Theo Hương Ly (báo TNVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm