Masan nói gì về nước mắm ‘tinh cốt cá cơm’?

Những ngày qua, báo chí đã phản ánh về tình trạng đánh đồng giữa nước mắm công nghiệp với nước mắm truyền thống; nước mắm với nước chấm; nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang áp đảo nước mắm truyền thống... và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (NTD).

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với đại diện Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan xung quanh những vấn đề trên.

Nước chấm là dưới 10 độ đạm

. Phóng viên: Có thông tin cho rằng sản phẩm của Masan không đạt độ đạm quy định (trên 10 g/lít) của nước mắm nhưng vẫn ghi sản phẩm là nước mắm. Bà bình luận gì về thông tin này?

+ Bà Lê Thị Nga, Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan: Thông tin không đủ độ đạm mà vẫn ghi “nước mắm” là hoàn toàn sai lệch. Tất cả sản phẩm nước mắm, nước chấm đều được chúng tôi công bố hồ sơ với cơ quan quản lý và các chỉ tiêu đều đúng quy định.

. Như vậy NTD có thể hiểu rằng dòng sản phẩm nước chấm không đạt độ đạm như nước mắm?

+ Masan đã khảo sát thị trường, nhất là vùng sâu, vùng xa. Có rất nhiều gia đình nghèo đến mức không có tiền mua nước mắm để ăn. Họ pha bột canh với muối và nước để làm nước chấm rau. Do đó, Masan đã làm ra sản phẩm nước chấm phù hợp cho thị trường này, đảm bảo ngon, an toàn vệ sinh và giá cả hợp lý.

. Có nghĩa là sản phẩm nước chấm này chưa đạt 10 độ đạm, thưa bà?

+ Theo quy định thì nước mắm phải là 10 độ đạm trở lên. Dưới 10 độ đạm thì gọi là nước chấm.

. Bà nghĩ sao khi có ý kiến nhận xét rằng những sản phẩm nước chấm dưới 10 độ đạm của Masan thực ra chỉ có 2 độ đạm mà thôi?

+ Nước mắm thì phải trên 10 độ đạm, có quy định và bắt buộc ghi rõ độ đạm trên nhãn nước mắm. Tuy nhiên, không có bất cứ quy định về độ đạm của nước chấm phải đạt bao nhiêu, cũng không bắt buộc doanh nghiệp (DN) ghi độ đạm này trên nhãn!

Người tiêu dùng đang chọn mua nước mắm tại siêu thị. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Nước mắm cốt nhưng không ghi “nước mắm cốt”

. NTD quan tâm đến việc “tinh cốt cá cơm” chiếm tỉ lệ bao nhiêu, nhiều hay ít trong một chai nước mắm, nước chấm. Vì sao Masan không ghi rõ tỉ lệ “cốt” này trong mục thành phần?

+ Theo quy định về ghi nhãn thì nếu DN dùng tên thành phần vào tên của sản phẩm thì mới phải ghi tỉ lệ thành phần đó ra. Ví dụ, đã đặt tên sản phẩm là “xúc xích bò”, “xúc xích bắp” thì phải ghi rõ hàm lượng bò, bắp trong xúc xích đó.

Nếu DN không dùng tên thành phần vào trong tên sản phẩm thì không cần ghi tỉ lệ, chỉ cần ghi tên các thành phần đó theo thứ tự giảm dần.

Masan có sử dụng thành phần là “tinh cốt cá cơm” nhưng không đưa vào tên gọi sản phẩm, không gọi là “nước mắm tinh cốt cá cơm” hay “nước chấm tinh cốt cá cơm”, nên không bắt buộc phải ghi rõ hàm lượng, tỉ lệ của thành phần này.

. Như vậy có thể hiểu “tinh cốt cá cơm” là gì, thưa bà?

+ Là nước mắm cốt. Sau khi ủ chượp, nước kéo rút lần đầu gọi là nước mắm nhĩ. Sau đó cho nước muối vào thùng chượp để kéo rút lần hai, gọi là nước mắm cốt.

. Thưa bà, nếu không dùng từ “tinh cốt cá cơm” mà ghi rõ ràng là “nước mắm cốt” như đúng bản chất thì Masan bắt buộc phải ghi rõ tỉ lệ của thành phần “nước mắm cốt” này chứ, vì tên thành phần này nằm trong tên sản phẩm nước mắm rồi?

+ Thực tế trên tất cả nhãn, Masan ghi là “nước mắm” và “tinh cốt cá cơm” chứ không gọi là “nước mắm cốt”. Còn nước mắm là tên chung của một dòng sản phẩm theo TCVN 5107:2003: Nước mắm là dung dịch đạm lỏng.

“Sử dụng bao nhiêu phụ gia không có ý nghĩa nhiều”

. Trên thị trường có nhiều loại nước mắm cũng dùng phụ gia nhưng thường chỉ có vài loại phụ gia. Nhưng nước mắm Nam Ngư của Masan có tới 17 loại phụ gia. Theo bà, có cần phải sử dụng quá nhiều phụ gia như vậy không?

+ Trong nước mắm, nước tương, thực phẩm tiện lợi, nước giải khát... không thể thiếu phụ gia. Đấy là phụ gia thực phẩm. Quan trọng là dùng đúng danh mục, liều lượng, tỉ lệ…, phù hợp với quy định và công bố rõ ràng.

Chuyện sử dụng bao nhiêu phụ gia hay bao nhiêu nước mắm cốt, pha loãng bao nhiêu lần... không có ý nghĩa nhiều. Quan trọng là giải pháp tổng thể để có sản phẩm ngon, an toàn cho sức khỏe.

Thay vì ngồi tranh cãi 17 phụ gia hay bao nhiêu phụ gia thì nên quan tâm đến ô nhiễm kim loại nặng, thạch tín...

. Từ năm 2012, Bộ Y tế có soạn thảo quy chuẩn đối với nước mắm. Bộ NN&PTNT cũng từng có ý kiến rằng cần ghi rõ “nước mắm truyền thống”, “nước mắm công nghiệp” trên chai nước mắm. Trong đó, nước mắm truyền thống chỉ gồm cá và muối. Đã cho phụ gia thì là nước mắm công nghiệp. Quan điểm của Masan về vấn đề này như thế nào?

+ Masan đại diện cho các DN tham gia xây dựng bản quy chuẩn này. Hiện đã có bản dự thảo năm 2015 nhưng vẫn chưa ban hành.

Đến thời điểm này không có quy định nào phân biệt hay định nghĩa về nước mắm truyền thống và công nghiệp. Nhiều người vẫn đang tranh cãi về vấn đề này. Có thể hiểu đây là hai phương thức khác nhau. Một là phương thức sản xuất từ xưa đến nay, ba cá một muối, ủ chượp và kéo rút, đóng chai. Hai là phương thức hiện đại dùng khoa học công nghệ để kiểm soát, cho ra hàng triệu chai nước mắm ngon và an toàn.

Việt Nam và Thái Lan có xây dựng một quy chuẩn chung về nước mắm, trong đó cũng không phân biệt hai loại nước mắm truyền thống và công nghiệp.

. Xin cám ơn bà.

Bảo vệ nước mắm Phú Quốc

Bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết tính đến hết tháng 9-2016, có 28 cơ sở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc. Nước mắm Phú Quốc hiện chỉ được sản xuất, đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc.

“Tất cả công ty sản xuất nước mắm nguyên chất truyền thống muốn sử dụng nhãn chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc phải đăng ký sử dụng tem riêng, đạt các tiêu chuẩn từ khâu khai thác đến sản xuất, ủ chượp, đóng chai, chất lượng... Chỉ có làm như vậy các sản phẩm nước mắm truyền thống mới có thể cạnh tranh sòng phẳng và NTD dễ phân biệt, chọn lựa” - bà Tịnh chia sẻ.

Phải rõ ràng

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản đã đề nghị các ngành chức năng cần minh bạch khái niệm thế nào là nước mắm và nước chấm; nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Ví dụ nước mắm công nghiệp thì phải ghi rõ “phương pháp sản xuất công nghiệp”; nếu sản phẩm nước mắm sản xuất theo phương thức truyền thống thì trên nhãn mác phải ghi “nước mắm sản xuất chưng cất theo công nghệ ủ chượp truyền thống”. Với nước mắm pha chế cần ghi rõ sản xuất theo “phương pháp pha chế” và chỉ được ghi là nước chấm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.