Ngân hàng vẫn ganh nhau hút vốn

Ngân hàng vẫn ganh nhau hút vốn ảnh 1
Lãi suất huy động đã qua thời chỉ 14% một năm như niêm yết.
Cuộc đua huy động vốn của nhiều ngân hàng ngày càng nóng.
Ảnh: Tuệ Minh.

Chị Thanh, ở Mỹ Đình (Hà Nội) được nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần chào mời lãi 17% cho khoản tiền gửi 400 triệu đồng, kỳ hạn có thể kéo dài từ 1 đến 6 tháng và không giới hạn chỉ một tháng như trước. Trong khi đó, một nhà băng khác cũng chào mời chị này mức lãi chênh hơn là 18% một năm. Với khoản tiền lớn hơn, khoảng 500-600 triệu đồng trở lên, lãi suất nhận được có thể đạt 18,3% cho kỳ hạn 1 tháng.

Nhân viên giao dịch một nhà băng trên phố Láng Hạ (Hà Nội) cũng khẳng định, với khoản tiền 400 triệu đồng, lãi suất có thể trên 18% một năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước tương đối mạnh tay nên dù muốn, đơn vị này vẫn không dám nới ra quá nhiều cho khách. "So với các ngân hàng khác, lãi như thế này là cao hơn rồi. Giờ nhiều nơi giảm, mà bên em vẫn ổn định, thậm chí tăng, là quá được", chị này cho biết.

Mặt bằng lãi mới nhất cách đây khoảng gần một tháng của nhiều ngân hàng phổ biến từ 16-19% một năm cho các kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng. Sau đó, nhờ những chính sách can thiệp của Ngân hàng Trung ương, lãi suất niêm yết và "đi đêm" của không ít đơn vị đã xuống thấp.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, khách đến gửi tiết kiệm bằng VND có thể thỏa thuận được lãi suất cao hơn so với mức đã "nới" lên từ trước đó. Cụ thể, với các khoản tiền gửi từ vài trăm triệu đồng trở lên, mức lãi suất cao nhất có thể nhận được tại một số ngân hàng quốc doanh có thể đạt trên 17% một năm (cao hơn khoảng 0,2% một năm so với trước). Ngoài ra, các chương trình tặng quà, tích điểm, ưu đãi cho khách gửi tiền nhiều vẫn liên tục được các nhà băng tung ra để câu kéo khách hàng.

Theo tìm hiểu của PV, càng những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, lãi suất đầu vào càng được đẩy lên cao hơn. Mức lãi phổ biến hiện nay từ 17 đến 20%, tùy số tiền gửi cũng như kỳ hạn. Với khách hàng đem tiền đến gửi ở ngân hàng quốc doanh, lãi suất phổ biến từ 17 đến hơn 18% một năm. Chênh lệch lãi suất tại hệ thống các ngân hàng vừa, nhỏ với ngân hàng lớn khoảng 2-3% một năm.

Áp lực lạm phát vẫn còn cao được cho là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cuộc đua lãi suất đầu vào chưa nguội bớt.

Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội chia sẻ, yếu tố chính khiến cho mặt bằng lãi suất đầu vào vẫn cao và có một số đơn vị bắt đầu nhích dần lên trong thời gian này là tâm lý. Theo ông, thời gian gần đây, vàng và USD liên tiếp tăng giá, nhiều khách hàng rút tiền VND nên để thu hút vốn, một số đơn vị đẩy lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam cao lên, khiến cho lãi suất cũng có xu hướng nhích dần lên.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác nhìn nhận, việc một số đơn vị điều chỉnh lãi suất mức 0,1-0,2% một năm nói trên là chuyện bình thường.

Phó Giám đốc một ngân hàng quốc doanh lớn chia sẻ, ông không nhìn thấy dấu hiệu lãi bị đẩy lên cao. "Phải tăng từ 0,5 đến 1% một năm mới được gọi là cao, còn mức tăng như hiện nay có thể trong ngày cũng biến động như thế, ở một số ngân hàng", ông nói. Việc một số nhà băng vẫn có xu hướng bám đuổi nhau về huy động vốn đầu vào, ông đánh giá, là do lạm phát vẫn lớn.

Theo ông, thanh khoản VND tại nhiều ngân hàng hiện nay tương đối tốt. Tín dụng bằng đồng VND không tăng nên không có lý do để tăng lãi suất huy động, ông nói. "Nếu lãi suất liên ngân hàng tăng cao chứng tỏ tính thanh khoản đang khó khăn, nhưng những ngày gần đây lãi liên ngân hàng đã giảm rồi, duy trì mức thấp so với thị trường 1 cho thấy thanh khoản đang tốt hơn, hoàn toàn có cơ sở để hạ lãi đầu vào", ông nhận định. Tuy nhiên, nếu lạm phát không được đẩy lùi, lãi suất sẽ vẫn cao, chuyên gia này chia sẻ.

Trao đổi với báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, lãi suất có thể giảm về 17-19% từ tháng 9. Đồng thời, ngay trong tháng 8, thay vì các biện pháp hành chính đơn thuần như trước đây, một loạt các biện pháp kinh tế sẽ được tung ra.

Theo Tuệ Minh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm