Phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô: Mạnh ai nấy lo

Tỷ lệ nội địa hóa quá thấp

Theo báo cáo của ngành chức năng, trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 20 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô (kể cả liên doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Trong đó, dòng xe dưới 9 chỗ ngồi có khoảng 50 chủng loại; ôtô buýt trên 80 chỗ có 37 chủng loại. Riêng ôtô tải có tải trọng từ 0,8 đến 5 tấn được sản xuất, lắp ráp tại 10 doanh nghiệp có chủng loại đa dạng, giá phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhóm sản phẩm này phát triển mạnh nhất trong thời gian gần đây, được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư sản xuất.

 Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chỉ lắp ráp ôtô dưới dạng CKD (nhập các linh kiện về lắp ráp) với trình độ công nghệ gần như nhau, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Giá trị gia tăng đạt được chủ yếu ở các khâu hàn, lắp ráp... còn lại gần 90% linh kiện, phụ tùng khác được nhập khẩu. Dòng xe con, xe du lịch 4-9 chỗ chưa có doanh nghiệp trong nước nào tham gia lắp ráp, sản xuất, mà chủ yếu do khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lắp giáp và tỷ lệ nội địa cũng thấp (tỷ lệ nội địa hóa của Honda Việt Nam cao nhất cũng chỉ đạt 10%, kế tiếp là Toyota Việt Nam: 7%, các công ty ô tô còn lại chỉ đạt 2-4%). Riêng với dòng xe buýt, xe tải có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn...

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô: Mạnh ai nấy lo ảnh 1

Lắp ráp ôtô tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Ảnh: Lê Tuấn

Theo mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô, hết năm 2010 sẽ hoàn thiện các mẫu xe tải, xe khách với tỷ lệ sử dụng linh phụ kiện sản xuất trong nước là 65%, xe con: 15% và đến năm 2020 cho xe khách: 75%, xe tải: 85% và xe con: 30%... Trên cơ sở tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô theo cụm công nghệ, gồm cabin, khung, vỏ, động cơ, cầu, hộp số, hệ thống lái cho xe tải, xe khách và xe chuyên dụng; phát triển có lựa chọn một số loại động cơ, hộp số, phụ tùng khác với số lượng lớn phục vụ lắp ráp ôtô và từng bước xuất khẩu.

Phát triển thị trường nội địa: Cách nào?

Trên địa bàn Hà Nội đã hình thành một số cơ sở sản xuất phụ tùng, linh kiện, cung cấp cho các nhà sản xuất lắp ráp ô tô. Các doanh nghiệp bước đầu có sự hỗ trợ nhau trong sản xuất để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất, lắp giáp ôtô cũng ưu tiên đầu tư để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki). Ngay từ khi thành lập, lãnh đạo doanh nghiệp này đã có tham vọng xây dựng thương hiệu ô tô riêng của nước ta. Vì vậy, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư chế tạo khuôn mẫu.

Ngoài những máy dập đơn có trọng tải lớn (1.900 tấn), hệ thống máy liên kết có tải trọng tới 2.500 tấn, các máy làm khuôn mẫu của Vinaxuki đã giúp doanh nghiệp tạo được thế chủ động khi thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường. Được biết, ngoài những bộ khuôn hiện có, doanh nghiệp này còn hợp tác với chuyên gia Nhật Bản thiết kế, chế tạo thêm nhiều bộ khuôn mẫu khác. Với sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa hơn 40%, giá cạnh tranh và tiếp tục sản xuất một số phụ tùng với sự cộng tác của chuyên gia Nhật Bản nhằm ổn định chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ gia công tại một số doanh nghiệp cơ khí còn hạn chế, chất lượng không ổn định, nhất là khâu tạo phôi, sản xuất khuôn mẫu... Được biết, trong số linh kiện sản xuất trong nước, có nhiều mẫu không phù hợp với quy chuẩn về kích cỡ như lốp, kính, ắc quy. Bên cạnh đó, các mối liên kết giữa các nhà sản xuất chủ yếu theo ngành dọc hoặc theo chủ quản lý. Điều này đã hạn chế khi khai thác thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, cũng như hạn chế trong việc đầu tư phát triển chuyên sâu giữa các doanh nghiệp.

Tăng cường hợp tác trong sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước là giải pháp tối ưu nhằm giảm chi phí nhập khẩu, chi phí vận chuyển, nhất là liên kết để trở thành nhà cung cấp phụ tùng cho các doanh nghiệp, tập đoàn ôtô có thương hiệu trên thế giới. Trước mắt, để cạnh tranh với linh kiện nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng linh kiện phụ trợ không những phải có đủ số lượng, mà chất lượng tốt. Vì thế, các doanh nghiệp nên phối hợp cùng nghiên cứu, lựa chọn kiểu loại xe ôtô có lợi thế cạnh tranh để tập trung sản xuất, từ đó phát triển thị trường nội địa cho công nghiệp hỗ trợ.

Theo Khánh Linh (HNM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm