Sản xuất vàng miếng ngưng trệ

Theo tổng giám đốc một doanh nghiệp vàng lớn tại TP HCM, thông thường, hàng năm Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu thì doanh nghiệp mới được phép sản xuất vàng miếng. Nhưng mấy tháng qua, việc cấp quota nhập khẩu vàng gần như không có, ngoại trừ SJC.

Ngoài ra, bà cho biết, hơn một tháng trước, doanh nghiệp này đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không sản xuất gia công vàng miếng nữa và chờ quy định mới. "Hiện chúng tôi đã dừng mọi hoạt động sản xuất gia công vàng miếng. Trước đây, doanh nghiệp cũng chỉ sản xuất vàng miếng khi được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu", bà nói.

Sản xuất vàng miếng ngưng trệ ảnh 1
Thường hiệu SBJ và nhiều thương hiệu khác đã không được sản xuất nữa. Ảnh: Lệ Chi
Đại diện Sacombank-SBJ cũng đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc ngừng gia công, sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, theo vị đại diện này, trước đó, Sacombank-SBJ chủ yếu chỉ gia công vàng cho các ngân hàng là chính. "Nguyên năm nay doanh nghiệp chúng tôi gần như không được cấp quota nhập khẩu vàng nguyên liệu nên không thể sản xuất vàng miếng" vị này cho biết. Tổng giám đốc Công ty vàng Agribank Nguyễn Thanh Trúc cho hay, đơn vị ông đã dừng sản xuất vàng miếng và chờ hạn ngạch mới của Ngân hàng Nhà nước. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ cho rằng, hệ thống máy móc của doanh nghiệp đã được nhập về sản xuất vàng miếng trong thời gian khá lâu. Do đó, việc khấu hao tài sản đến thời điểm này cũng gần hết. Hơn nữa, dây chuyền máy móc không chỉ để gia công riêng vàng miếng mà còn kết hợp sản xuất vàng nữ trang và một số hàng trang sức mỹ nghệ khác. "Nếu chúng tôi không được sản xuất vàng miếng nữa thì những thiệt hại cũng không quá nặng nề", bà Dung nói. Về số phận của vàng miếng PNJ, bà Dung cho biết đơn vị đang chờ động thái cụ thể của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, các thương hiệu vàng miếng khác SJC được lưu hành bình thường nhưng chỉ không được sản xuất mới khi nghị định quản lý vàng đi vào thực tế. Do đó, PNJ vẫn tiến hành kinh doanh song song hai loại vàng miếng PNJ và SJC. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa mới gia nhập thị trường vàng gần đây như SBJ, ACB... thì việc ngưng sản xuất vàng miếng có thể sẽ chịu thiệt hại tương đối lớn. Theo lãnh đạo Sacombank-SBJ, việc thương hiệu SBJ bị xoá sổ trong tương lai đồng nghĩa với sự thiệt hại khá lớn về tiền của mà công ty đã phải bỏ ra để nhập dây chuyền máy móc sản xuất và xây dựng thương hiệu (theo ước tính không dưới 30 tỷ đồng). Do đó, để phần nào giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp khi phải ngừng sản xuất vàng phi SJC, một số doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên nới điều kiện để cho phép các công ty kinh doanh vàng đủ tiêu chuẩn được sử dụng thiết bị máy móc dập thuê vàng thương hiệu SJC. Thế nhưng, nhìn nhận về việc này, Tổng giám đốc PNJ và SBJ đều lo ngại kiến nghị trên khó khả thi. Bởi theo lý giải của hai vị này, Ngân hàng Nhà nước sẽ không dễ kiểm soát việc gia công vàng miếng SJC của các công ty. Vì khi gia công vàng miếng, mặc dù sẽ có đóng dấu và ký hiệu, seri vàng gia công, nhưng cũng khó kiểm soát được đơn vị nhận gia công liệu có sản xuất thêm vàng để tuồn ra bán ngoài thị trường hay không. Và nếu điều này xảy ra cũng khó quy trách nhiệm cho đơn vị nào đã sản xuất vượt hạn mức để bán ra ngoài. Vì vậy, theo Tổng giám đốc SBJ, trong trường hợp này, chỉ có thể là Ngân hàng Nhà nước nên mua lại các thiết bị công nghiệp của các thương hiệu vàng khác về và tự gia công vàng miếng. "Việc này vừa giúp Ngân hàng Nhà nước dễ quản lý chất lượng, số lượng vàng miếng, lại giúp doanh nghiệp giảm bớt được thiệt hại", đại diện Sacombank-SBJ nói. Về việc Ngân hàng trung ương tiến hành quốc hữu hoá vàng SJC, bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng đây là một định hướng đúng đắn. Vì để ổn định nền kinh tế, chống vàng hóa phải đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng vào quỹ đạo thống nhất do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nên quản lý luôn khâu nhập khẩu và phân phối kinh doanh vàng miếng. Vì nếu độc quyền mà giao cho công ty thì không nên. "Do vậy, cần phải có một tổ chức của Nhà nước quản lý kinh doanh thương hiệu vàng quốc gia, lợi nhuận được đưa vào quỹ bình ổn thị trường vàng", bà dung đề xuất. Đồng thời, vấn đề phân phối vàng miếng cũng được bà Dung đặc biệt quan tâm. Vì hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước khoanh vùng một số đơn vị bán vàng bình ổn nhưng người dân rất khó mua. SJC cho biết có ngày bán đến 20.000 lượng nhưng nhiều người dân phải xếp hàng chờ cũng không dễ mua được. Trong khi các đơn vị phân phối vàng miếng SJC như PNJ với hàng chục cửa hàng trên cả nước lại không có nguồn vàng SJC để bán và cũng không biết mua từ đâu, bởi các ngân hàng được phân công bình ổn thị trường chỉ bán cho người dân mua vàng gửi giữ hộ tại chính nhà băng họ. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giá vàng SJC niêm yết với giá bán bên ngoài. Có hiện tượng nhiều người xếp hàng mua vàng SJC rồi ra ngoài bán giá cao hơn. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước cần sớm có quy định rõ ràng việc phân phối vàng miếng SJC, tránh tình trạng mỗi nơi một giá và người dân muốn mua vàng không mua được. "Một khi công nhận người dân có quyền cất trữ, mua, bán vàng miếng thì phải tạo điều kiện thông thoáng để người dân tiếp cận mua vàng một cách thuận lợi mới tạo tâm lý an tâm và niềm tin cho dân", bà Dung nói.

Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cho biết, đơn vị này không thu mua vàng phi SJC. " Bởi hiện nay, chúng tôi đã bị Ngân hàng Nhà nước khống chế về hạn mức gia công vàng miếng nên không thể mua của các thương hiệu khác về gia công thành SJC được", ông Tường nói.

Trong khi đó, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ cho rằng, vàng miếng PNJ chất lượng cũng ngang bằng với SJC, nên người dân không nên lo lắng. Doanh nghiệp sẽ không để người dân nắm giữ vàng PNJ bị thiệt. Trường hợp, Ngân hàng Nhà nước muốn chuyển đổi các thương hiệu khác về SJC cho đồng nhất thì cần phải có lộ trình. Đồng thời, cơ quan này nên đứng ra làm trung gian thu mua để đảm bảo quyền lợi người nắm giữ vàng.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank, cho biết các loại vàng miếng khác sẽ chỉ phải tốn thêm phí gia công, khoảng 30.000 đồng một lượng để chuyển đổi sang thương hiệu SJC. Do đó, nếu phải đổi sang vàng miếng SJC thì người dân nắm giữ các thương hiệu vàng miếng khác cũng không bị lỗ.

Theo Lệ Chi (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm