Tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp bị bêu tên xấu

Không có luật hóa, không có khuôn mẫu giống nhau nên việc thi hành cũng có hai chiều hướng. Có những công ty chủ động thực hiện, họ tự đặt ra những tiêu chuẩn tốt và tất nhiên là họ sẽ thành công trong chuỗi kinh doanh của họ. Ví dụ như Honda tự đặt ra tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng.

Nhưng cũng có rất nhiều DN không chú trọng nhiều đến CSR vì họ thấy phiền hà quá, tốn kém quá. Họ không thực hiện; hoặc chỉ thực hiện khi họ thấy có lợi ích cho họ; hoặc chỉ thực hiện khi bị ép buộc, khi bị kiểm soát, nhất là khi đứng trước nguy cơ thiệt hại nhiều hơn; hoặc bị thanh tra, kiểm tra hay bị truy tố. Gần đây, một hãng xe Đức đã vi phạm tiêu chuẩn xả thải mà châu Âu quy định, rồi bồi thường hàng tỉ USD.

Muốn thực hiện CSR, DN phải có tiêu chí, có quy tắc, xác định giá trị cốt lõi của mình. Nước Nhật có thể nói là thành công nhất trong việc này, Việt Nam nên học tập. Hầu hết DN Nhật có tiêu chí rõ ràng khi xây dựng và cung cấp dịch vụ, hàng hóa có lợi cho người tiêu dùng. Họ đặt yêu cầu ba tốt: tốt cho người bán, tốt cho người mua và tốt cho xã hội.

Ngay từ đầu, DN phải tự đặt ra tiêu chí, thể hiện đẳng cấp. Ví dụ, giai đoạn đầu không đặt mục tiêu lợi nhuận. Với các DN lớn, đa quốc gia thì họ có nền tảng vững chắc hơn để thực hiện CSR, còn với DN vừa và nhỏ thì khó khăn hơn. DN thường chao đảo bởi cái lợi trước mắt, suy nghĩ ngắn hạn. DN cũng có thể xây dựng kế hoạch 5-10 năm nhưng với một hợp đồng béo bở trước mắt, dễ bị thỏa hiệp, ban đầu nghĩ là thỏa hiệp lần này thôi nhưng sau đó cứ nối tiếp và sẽ đánh mất chiến lược lâu dài của mình.

Về vấn đề lao động, DN phải có trách nhiệm cao hơn đồng lương, nhất là khi nước ta có rất đông lao động giá rẻ, dễ chấp nhận các dự án, các ngành sản xuất thâm dụng lao động nhưng không đòi hỏi cao trong việc bảo vệ người lao động lâu dài. Nhiều người lao động dễ dàng chấp nhận mức lương vài ba triệu đồng/tháng mà chưa chú ý đến ô nhiễm, đến nguy cơ bệnh tật trong công việc, môi trường mình làm.

Ví dụ như thế giới có khá nhiều cảnh báo nguy cơ bệnh tật, ung thư đối với lao động ngành điện tử nhưng khi hào hứng đón nhận các dự án điện tử, chúng ta có cảnh báo hay đòi hỏi gì đối với các nhà đầu tư hay không… Hay những thiệt hại xã hội phải gánh chịu hậu quả nặng nề thì DN có trách nhiệm gì không? Một ví dụ điển hình mới đây là Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải chất bẩn, độc, gây hại một vùng biển rộng lớn, gây thiệt hại vô cùng lớn cho một vùng miền Trung rộng lớn, đã phải đền bù 500 triệu USD…

Để DN thực hiện CSR, cần có những tổ chức giám sát DN để CSR có chất lượng và thực chất hơn. Vai trò của những tổ chức giám sát là cực kỳ quan trọng. Các công ty không chỉ để ý khách hàng mà phải tuyệt đối tôn trọng pháp luật. Rất nhiều sản phẩm khách hàng tiêu dùng lại không có điều kiện đo đếm, kiểm định chất lượng.

Mặt khác, người tiêu dùng nên phát huy vai trò thượng đế trong các quyết định mua hàng để thúc đẩy DN thực hiện CSR. Ví dụ như tham khảo kỹ thông tin về DN và sản phẩm trước khi mua sắm. Nếu DN tốt, thực hiện CSR tốt thì ủng hộ nhãn hàng của DN đó. Nếu DN có vi phạm, bị bêu tên xấu thì tẩy chay sản phẩm. Điều này góp phần tạo ra động lực kích thích, ủng hộ DN tốt phát triển và xã hội được lợi, đào thải DN thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, công tác CSR là một phạm trù đạo đức, rất khó thực hiện đơn phương hay chỉ có bên bán và bên mua, mà cần một giải pháp tổng thể, trong đó việc luật định mọi trách nhiệm xã hội, cùng với hệ thống chế tài nghiêm minh đủ sức răn đe và một hệ thống hành pháp công tâm sẽ tạo một xã hội cùng phát triển tốt đẹp và bền vững.

ThS NGUYỄN HOÀNG DŨNG, Giám đốc nghiên cứu phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM

Ông PHAN HUY KHANG, Tổng Giám đốc Sacombank:

Xây nhà vệ sinh chuẩn năm sao, 1 tỉ đồng/cái

Chúng tôi làm vì cộng đồng, vì môi trường chứ không có mục đích gì vì tất cả là miễn phí. Chi phí đầu tư hay chi phí vận hành vô cùng tốn kém và vô cùng phức tạp. Việc Sacombank gắn một máy ATM tại đây cũng chỉ để thuận tiện cho người dân có thể rút tiền trong khu vực đông dân cư như vậy.

Hiện nay Sacombank đã xây dựng được 19 nhà vệ sinh (NVS) công cộng trên toàn quốc và riêng tại TP.HCM là 11 NVS. Mới đây Sacombank đã xây dựng NVS công cộng tại Đà Nẵng và hiện nay cũng đang làm việc để xây NVS tại Hà Nội. Chúng tôi muốn phát triển thành chuỗi NVS công cộng chất lượng năm sao trên khắp cả nước nhưng trước mắt ưu tiên các TP lớn, TP du lịch.

Hiện nay những NVS công cộng được đặt ở những khu vực đông người đến đó như bến xe, công viên. Để NVS khang trang, sạch sẽ thì diện tích một NVS dao động 30-50 m2, có toilet nam, nữ riêng. Trong NVS đều được bật máy lạnh, gắn quạt, trồng cây và có nhạc. Các thiết bị sử dụng được Sacombank chọn lựa rất kỹ càng. Chính vì thế tổng chi phí cho một NVS công cộng là từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Và những NVS công cộng này hoàn toàn miễn phí 100%.

Trên thực tế, đầu tư một NVS chi phí bao nhiêu không quan trọng bằng vận hành sau đó. Điều này vô cùng quan trọng vì để giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, để giữ gìn cho NVS công cộng không xuống cấp, chúng tôi trả lương thật tốt cho những người làm ở đây. Nhiều người có thể không hình dung ra với những NVS công cộng thì tình trạng như khạc nhổ, ói là chuyện bình thường lắm. Rồi cả chuyện hút chích, xì ke, bơm kim tiêm… những người làm vệ sinh ở đây có thể thấy thường xuyên. Phía Sacombank cũng thường xuyên phải động viên và chính sách tốt về lương để những người làm việc cho mình được yên tâm.

Để quản lý chất lượng NVS sau khi đi vào hoạt động, Sacombank có quy trình riêng, quy trình giám sát, quy trình quản lý, quy trình kiểm tra để tránh tình trạng như thu tiền hay vệ sinh chưa sạch sẽ…

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Đông con khó lo

Tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp bị bêu tên xấu ảnh 1

Cái khó đặc thù của ngành dệt may là có quá nhiều lao động. Lo cho vài chục người thì dễ tính, chứ lo cho vài chục ngàn công nhân thì không dễ. Tùy điều kiện DN, có nhiều DN trong ngành chăm lo tốt cho công nhân, từ chỗ ăn ở của chính họ đến chỗ học hành cho con cái họ.

Điều kiện làm việc của người lao động ngày càng được cải thiện. Dù muốn hay không thì DN nhận đơn hàng gia công cũng phải đáp ứng. Từ việc giám sát bằng camera đến tiêu chuẩn NVS, hay diện tích tối thiểu của công nhân... đều phải thực hiện. Anh chủ động làm tốt thì anh có nhiều thuận lợi hơn khi đối tác đến đánh giá, lựa chọn.

Trách nhiệm về môi trường thì toàn ngành dệt may phải đáp ứng tiêu chuẩn của ngành, như tiêu chuẩn nước thải, tiêu chuẩn hóa chất dệt nhuộm. Dù trong nước không đòi hỏi thì đối tác nước ngoài họ vẫn bắt buộc, nếu không đáp ứng thì không xuất hàng đi được. Trách nhiệm hay không phụ thuộc rất nhiều vào tiêu chuẩn của đối tác và khách hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm