Thị trường dịch vụ bất động sản: 90% thuộc về doanh nghiệp nước ngoài

Mới đây nhất, Knight Frank, công ty tư vấn bất động sản hàng đầu nước Anh với 207 văn phòng tại 43 quốc gia, tuyên bố hiện diện tại Việt Nam. Dù mới xuất hiện nhưng tân binh này có một số điểm đáng chú ý, là một đối thủ nặng ký đối với các doanh nghiệp trong nước.

Nước ngoài thống lĩnh

Các công ty phát triển dự án địa ốc thường phải nhờ đến các công ty làm dịch vụ địa ốc mới có thể bán được hàng thuận lợi. Theo nhận định của giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM, hiện ba đại gia trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản tại Việt Nam là CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam và Colliers đang chiếm thế thượng phong, khi nắm đến khoảng 90% thị phần. Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam chuyên về dịch vụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay như: công ty cổ phần Megagroup, Eden, Him Lam, VietRees…

Điểm chung của các công ty nước ngoài là có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản. Colliers vào Việt Nam 14 năm, Savills 15 năm, còn CBRE cũng có đến chín năm hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Ba công ty này lại có những thế mạnh riêng ở từng phân khúc, tạo thành thế chân vạc để “cát cứ” thị trường.

Cụ thể: nếu CBRE có lợi thế ở khâu định giá và quản lý văn phòng cho thuê, thì Savills nổi bật với vai trò tư vấn đầu tư và là nhà quản lý căn hộ dịch vụ lớn nhất Việt Nam, trong khi đó Colliers lại mạnh ở khâu quản lý căn hộ cao cấp. Theo tiết lộ của công ty Savills Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2009 – khi thị trường bất động sản còn khó khăn, bộ phận kinh doanh của công ty này đã bán các dự án căn hộ, chi nhánh tại TP.HCM của Savills Việt Nam cho thuê đến 40.000m2 văn phòng. Còn Colliers đã vượt mặt hàng loạt đối thủ để giành quyền quản lý toà nhà Kumho Asian Plaza, quản lý và tiếp thị độc quyền toà nhà cao nhất TP.HCM là Bitexco Financial…

Giám đốc điều hành công ty Savills Việt Nam Brett Ashton, thừa nhận phải luôn để mắt tới tất cả công ty mới gia nhập thị trường, đặc biệt là các công ty của Việt Nam, điều đó sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt. Theo đánh giá của công Brett Ashton, những cái tên có thể phá vỡ thế chân vạc, ngoài Knight Frank Việt Nam có thể kể đến Jones Lang LaSalle, Cushman & Wakefield...

Dễ bị “bóp chết”

Lý giải vì sao có lợi thế sân nhà nhưng các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn bất động sản của Việt Nam dường như bị xếp “đội sổ”, ông Nguyễn Xuân Châu, tổng giám đốc công ty cổ phần Megagroup mới thành lập đầu năm 2010 chuyên về hoạt động dịch vụ bất động sản của Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường không phải do các doanh nghiệp trong nước yếu, mà do đặc thù của thị trường bất động sản”.

Ở nước ngoài, theo ông Châu, những công ty hoạt động trong lĩnh vực này đã được thành lập rất lâu, có nhiều kinh nghiệm và công nghệ điều hành tốt. Trong khi thị trường bất động sản Việt Nam còn non trẻ nên có rất ít doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực này được thành lập. Không những thế, để tham gia sân chơi này, doanh nghiệp phải có chuyên môn cao, thời gian đầu tư lâu dài để đào tạo nhân sự, gầy dựng dữ liệu, uy tín với khách hàng... mới có thể cạnh tranh được.

Tuy vậy, hiện nay theo đánh giá của ông Châu, cũng có một số doanh nghiệp bất động sản nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư đã chủ động “cậy” các doanh nghiệp trong nước tư vấn, quản lý dự án vì họ cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm tốt hơn do hiểu rõ văn hoá, tập quán tiêu dùng… của người Việt Nam. Bằng chứng là dù mới thành lập đầu năm 2010, nhưng nay công ty đã có 14 hợp đồng tư vấn đầu tư cho các tập đoàn lớn của Trung Đông vào Việt Nam đầu tư, các tập đoàn lớn của Việt Nam như: Sông Đà, Cao su Việt Nam… Ngoài ra, các đối tác cũng tin tưởng giao cho công ty độc quyền phân phối nhiều dự án như: Sun Villas (Đà Nẵng), Nusajaya City (Malaysia) rộng gần 10.000ha, căn hộ Sun City, Tôn Thất Thuyết (quận 4)…

Ở góc độ khác, ông Bùi Tiến Thắng, phó tổng giám đốc công ty Sacomreal, nói tuỳ đẳng cấp của dự án mà chủ đầu tư chọn các công ty trong nước hay nước ngoài quản lý. Thực tế cho thấy giá thuê các công ty nước ngoài thường đắt hơn các công ty trong nước từ 20 – 30%, trong khi chất lượng dịch vụ có khi ngang ngửa nhau. Song ông Thắng thừa nhận, nguyên nhân khiến các chủ đầu tư vẫn tín nhiệm dịch vụ của các doanh nghiệp nước ngoài là do “trong nước chưa phát triển mạnh, thương hiệu không lớn”.

Một điểm yếu nữa của các doanh nghiệp nội là ôm quá nhiều dịch vụ mà không chuyên như các công ty nước ngoài. Điều này sẽ càng khiến các doanh nghiệp Việt Nam muốn chen chân vào lĩnh vực này phải chịu nhiều áp lực và dễ bị bóp chết.

Theo Di Lã ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm