Thủ đoạn "thổi giá vàng" kinh khủng trên thế giới

Vàng luôn luôn là một tài sản có sức hấp dẫn cao với tất cả mọi người, đặc biệt với giới đầu tư kinh doanh. Giá của kim loại quý này trên thế giới trong 2 tháng vừa qua đã đi lên với một đà tăng mạnh mẽ chưa từng có và lập kỷ lục ở mức 1217,40 USD/ounce, cao nhất theo số liệu thống kê từ năm 1973 trở về đây.
Trong hơn 30 năm qua, giá vàng luôn biến động, mặc dù có những thời điểm những năm 1980 giá vàng rớt thảm hại, nhưng tựu trung lại vẫn là xu hướng đi lên. Vậy nguyên nhân nào khiến cho giá vàng liên tục lập các đỉnh cao như vậy, liệu có phải chỉ do yếu tố đầu cơ và nhu cầu thật sự về vàng tăng cao, hay còn thêm những thủ đoạn và âm mưu thổi giá vàng để trục lợi mà chúng ta chưa được biết?

Thủ đoạn "thổi giá vàng" kinh khủng trên thế giới ảnh 1

Tại Việt Nam, mua vàng như một kênh tích trữ của cải là rất phổ biến, điều hoàn toàn trái ngược tại các quốc gia phương Tây.

Từ lâu, vàng đã là một thiên đường an toàn cho giới đầu tư khi có lo lắng về những tài sản của họ sẽ bị mất giá do lạm phát hay chiến tranh. Vàng sẽ tăng giá khi nền kinh tế thế giới lâm vào tình cảnh khó khăn hay lạm phát không thể kiềm chế được.

Nhưng tại sao khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các dòng tiền đáng lẽ phải được quay trở lại để đầu tư khôi phục sản xuất kinh doanh thì giá vàng trên thế giới vẫn tăng vọt như tên lửa? Có một số nguyên nhân mang tính khách quan như lo ngại về suy thoái sẽ còn tiếp tục ở đáy thứ 2 trong hình chữ W (phục hồi đến một giai đoạn nào đó rồi lại suy thoái), nhiều người cất giữ vàng để phòng tránh rủi ro này.

Yếu tố tâm lý lo ngại quá trình phục hồi sẽ đẩy lạm phát tăng cao, làm mất giá các loại tài sản khác như tiền, cổ phiếu… Ngoài ra đồng đô la mất giá khiến nhiều ngân hàng trung ương của các quốc gia thay vì mua đô la để dự trữ lại quay sang mua vàng, khiến cầu về vàng tăng đẩy giá vàng lên.

Hơn nữa, vàng tăng giá vào một số thời điểm trong năm (theo mùa) và do tập quán: Tại nhiều nước phương Đông như Ấn Độ, Trung Quốc hay ngay cả Việt Nam, mua vàng như một kênh tích trữ của cải là rất phổ biến, điều hoàn toàn trái ngược tại các quốc gia phương Tây.

Tuy nhiên, những nguyên nhân này mới chỉ là bề nổi của tảng băng, liệu đằng sau những lý do trên thì còn những âm mưu thủ đoạn nào để đẩy giá vàng tăng cao đột biến hay không. Trong khi người dân bình thường phản ứng lại với việc tăng giá vàng bằng cách giảm nhu cầu, thì giới đầu cơ dùng những âm mưu thủ đoạn tinh vi sau để đẩy giá vàng tăng cao nhằm thu lợi:

Đầu cơ tổ chức: những nhà đầu cơ riêng lẻ thường rất khó có thể quyết định giá vàng trên thị trường, quy luật luôn là cầu tăng quá cao vượt cung dẫn đến giá tăng. Khả năng đầu cơ nhằm thay đổi thông tin giá cả này trở nên bớt khó khăn hơn bởi công việc của các quỹ đầu cơ tương hỗ vàng.

Các quỹ này nhận tiền từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, dưới bàn tay quyết định của những người điều hành quỹ thường là các chuyên gia tài chính hàng đầu, họ đổ tiền đầu tư vào vàng.

Khi sức mua vàng tăng mạnh, cầu tăng khiến giá vàng có xu hướng đi lên. Kết hợp với việc tung tin đồn vàng sẽ tăng giá mạnh bởi những người có tiếng nói trong giới tài chính, giá vàng như một quả tên lửa mà những kẻ bám theo nó sẽ được hốt bạc. Khi giá vàng tăng đến một mức nhất định, nó sẽ được chú ý bởi cả thị trường, giờ đây những con thiêu thân là những nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc những kẻ đi nhờ xe (free rider – đầu tư ăn theo) sẽ lao vào mua với hy vọng kiếm chác. Và đây cũng là thời điểm xả hàng của những kẻ đã đầu cơ vàng trước đây – mua vào giá thấp, bán ra giá cao ngất trời nhằm trục lợi.

Thủ đoạn "thổi giá vàng" kinh khủng trên thế giới ảnh 2

Những thủ thuật tạo ra nhiều giao dịch ảo với nhu cầu ảo thế này có thể khiến thị trường nhầm tưởng rằng nhu cầu về vàng tăng cao khiến vàng sốt giá.

Cách nữa là tung tin đồn: kết hợp với những kẻ đầu cơ là miệng lưỡi của những kẻ có tiếng nói trong giới tài chính. Có lẽ nếu Standard & Poors không đưa ra dự báo giá vàng sẽ tăng trong cả 12 tháng của năm 2010 cùng những thông tin tốt về những công ty khai thác vàng thì đúng là nó sẽ không tăng, nhưng sau khi công ty này công bố dự đoán của mình, lập tức giao dịch vàng trở nên sôi động và giá vàng tăng thật.

“Giá vàng vừa dễ dàng phá vỡ mức 1000 USD/1 ounce” chuyên gia phân tích kỹ thuật chiến lược Mark Arbetersaid của S&P nói, “nếu như giá vàng lên trên 1050 USD một ounce, chúng tôi tin tưởng rằng nó sẽ khiến cho cả thị trường lao vào một cuộc đua ngay lập tức và có thể đẩy giá tăng lên tận khoảng 1200USD đến 1500USD một ounce".

Và liệu có ai biết mối quan hệ giữa S&P và các quỹ đầu tư vàng như Franklin Gold & Precious Metals fund (FKRCX) xếp hạng tín dụng 5 sao của công ty, hay như First Eagle Gold (FEGIX), Tocqueville Gold (TGLDX), Oppenheimer Gold & Special Minerals (OPGSX) Van Eck International Investors (INIVX) được xếp hạng 4 sao?

Ngoài ra còn thủ đoạn mua bán giao dịch vàng tương lai thông qua các hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai: Hai dạng hợp đồng này giúp hai bên sẽ thỏa thuận mua bán cho nhau một lượng hàng hóa nhất định vào một thời điểm trong tương lai với một mức giá đã được ấn định sẵn.

Với hình thức này, các nhà đầu tư, quỹ phòng hộ hay giới đầu cơ có thể đầu tư vào vàng mà không cần đến vàng vật chất, do khi đến hạn giao hàng thì hai bên sẽ đối chiếu giá đã thỏa thuận và giá thị trường rồi tiến hành trao đổi phần giá trị chênh lệch. Những thủ thuật tạo ra nhiều giao dịch ảo với nhu cầu ảo thế này có thể khiến thị trường nhầm tưởng rằng nhu cầu về vàng tăng cao khiến vàng sốt giá.

Sự ra đời của các sàn giao dịch vàng ảo cũng là cách thức được dùng để đẩy giá vàng lên cao. Virtual Metals là một ví dụ, quỹ đầu tư này thông qua 2 sàn giao dịch là Streettracks Gold Shares và iShares COMEX Gold Trust  giúp khách hàng có thể đầu cơ vào vàng mà không cần lo nơi cất trữ. Dòng tiền từ hoạt động này lại dùng để mua vàng thật, một dòng tiền phát sinh hai nhu cầu về vàng khiến một lần nữa tạo cầu ảo là nguyên nhân khiến giá vàng tăng giá trong thời gian qua.

Theo  Phan Quang (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm