ĐỐI THOẠI DOANH NGHIỆP - HẢI QUAN:

Thủ tục khó thực hiện, tính phí chưa rõ ràng

Sáng qua (8-6), Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP (ITPC) cùng Cục Hải quan TP.HCM tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp về các vướng mắc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Quy định gỡ vướng có được hồi tố?

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP, liệt kê một số vướng mắc hiện nay doanh nghiệp đang gặp phải và Cục Hải quan TP cũng đang kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tháo gỡ.

Một trong các vướng mắc có liên quan đến việc thanh khoản của doanh nghiệp. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp muốn thanh khoản thì phải nộp chứng từ thanh toán của đối tác mua hàng. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp đối tác nước ngoài mua hàng xong lại không có khả năng thanh toán do đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua đối tác bị phá sản... Hơn nữa, hiện vẫn có những biện pháp hậu kiểm khác để kiểm tra nên không nhất thiết phải đòi hỏi loại giấy tờ này mà làm khó khăn cho doanh nghiệp.

Mới đây, Thông tư 74/2010 của Bộ Tài chính (ban hành ngày 14-5-2010) đã gỡ vướng bằng cách bỏ yêu cầu về chứng từ thanh toán. Thế nhưng thông tư này sẽ có hiệu lực vào ngày 27-6-2010 và theo nguyên tắc thì chỉ áp dụng cho những hồ sơ phát sinh sau ngày hiệu lực. Vậy thì liệu có thể áp dụng cách gỡ vướng này cho những hồ sơ thanh khoản bị vướng mắc trong thời gian qua hay không?

Thủ tục khó thực hiện, tính phí chưa rõ ràng ảnh 1

Doanh nghiệp than phiền thêm thủ tục, thêm chi phí gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Đặt thủ tục nhưng bí thực hiện

Sắp tới đây các lô hàng nhập khẩu sẽ phải có thêm giấy chứng nhận chất lượng do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết một số cơ quan có liên quan đã than vướng mắc. Bởi lẽ hiện nay vẫn chưa rõ giấy chứng nhận này là giấy gì và cơ quan cấp là cơ quan nào. Ông Nghiệp cho rằng với các nước phát triển thì có thể dễ dàng hơn vì hệ thống quy định, giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm của họ đã rõ ràng, áp dụng nhuần nhuyễn lâu nay. Thế nhưng với một số nước khác thì chưa chắc đã rõ quy trình cấp thế nào. Hơn nữa, các cơ quan quản lý ở nước ta vẫn chưa nhận biết được các loại giấy chứng nhận từ các nước khác nhau, làm sao phân biệt được giấy nào là thật, giấy nào là giả. Nói đơn cử như việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) thôi mà ngành hải quan đã phải có một hệ thống dữ liệu riêng để nhận biết CO, CO ở nước nào thì cơ quan nào cấp, người nào ký, chữ ký như thế nào,...

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phản ánh bức xúc liên quan đến phí xếp dỡ. Vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn khi tính giá trị giao dịch hàng hóa phải cộng thêm phí xếp dỡ. Nếu doanh nghiệp không tự kê vào tờ khai thì cán bộ hải quan cũng sẽ tự cộng khoảng 80 USD/container loại 20 feet và khoảng 125 USD/container loại 40 feet. Ngay buổi đối thoại, một doanh nghiệp cho rằng cộng thêm phí xếp dỡ vào giá hàng thì tổng giá tính thuế tăng lên, làm tăng số thuế phải đóng, hậu quả là giá bán hàng cũng phải tăng theo, gây khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nghiệp cho biết đã ghi nhận nhiều phản ánh của doanh nghiệp về phí này. Tuy nhiên, đây là quy định đã ban hành rồi nên trước mắt chúng ta vẫn thực hiện. Song song đó là cùng nhau kiến nghị để làm rõ.

Than phiền hạ tầng kỹ thuật

Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) phản ánh trục trặc về hệ thống điện tử. Công ty nhập khẩu một lô hàng nên đã thực hiện khai báo hải quan điện tử và đã được cấp số tiếp nhận (chứng tỏ hệ thống đã nhận được hồ sơ mới cấp được số). Thế nhưng khi nhân viên công ty ra cảng để nhận hàng thì nhân viên hải quan ở đây thông báo là chưa nhận được khai báo, yêu cầu khai lại. Công ty cũng chấp nhận khai lại và giải quyết xong xuôi. Thế nhưng sau đó công ty thấy mình có tên trong danh sách nợ thuế, thì ra lô hàng này (do khai báo hai lần) bị hệ thống tính thuế hai lần!

Tại buổi đối thoại, một số doanh nghiệp cũng góp ý về hệ thống hải quan điện tử. Đại diện Công ty Cổ phần Sài Gòn cho biết hiện nay mỗi doanh nghiệp chỉ được cài đặt phần mềm ứng dụng hải quan điện tử ở một máy tính mà thôi. “Lỡ mà máy tính này bị trục trặc thì doanh nghiệp cũng bó tay!”. Công ty này kiến nghị hải quan nên cho các doanh nghiệp cài đặt thêm máy dự phòng.

Một doanh nghiệp khác phàn nàn rằng một tháng bị rớt mạng đến hai, ba lần. Mỗi lần như vậy doanh nghiệp phải chuyển sang khai thủ công như trước đây. Điều đáng nói là sau 4 giờ chiều thì hải quan mới tiếp nhận khai thủ công mà doanh nghiệp lại phải cùng lúc khai báo ở hai địa điểm. Vì vậy, doanh nghiệp phải thuê dịch vụ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Ông Nghiệp cho biết đã có một số sự cố kỹ thuật gây ảnh hưởng đến hệ thống điện tử. Cụ thể mới đây, bỗng dưng một đơn vị đào đường ở đoạn Hai Bà Trưng-Lê Thánh Tôn cắt luôn cả cáp quang khiến đứt đường truyền mạng và tắc luôn hải quan điện tử. Cục Hải quan TP cũng đang có đề nghị lập một trung tâm dự phòng để ứng cứu trong trường hợp sập mạng. “Cơ quan hải quan hiểu những sự cố này đã gây phiền hà cho doanh nghiệp và rất mong doanh nghiệp đồng cảm, chia sẻ” - ông nói.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm