Vốn tắc, ngân hàng phải chạy đường vòng

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ 29/4 đến 6/5 doanh số giao dịch bình quân một ngày trên thị trường liên ngân hàng giảm 1.784 tỷ đồng so với tuần trước đó. Dù lãi suất liên ngân hàng qua đêm chỉ 6,82%/năm, 1 tháng 9,34%/năm… nhưng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn ở nhiều ngân hàng cổ phần vẫn ở mức 11,5%/năm.

Giải thích nguyên nhân lãi suất liên ngân hàng thấp nhưng các tổ chức tín dụng vẫn phải huy động từ dân cư và doanh nghiệp với lãi suất cao, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội tiết lộ, đó là do khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các tổ chức tín dụng không nên vay từ thị trường liên ngân hàng vượt quá 20% tổng vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp, vượt quá mức này sẽ bị thanh kiểm tra toàn diện.

Vì khuyến cáo này, các ngân hàng cổ phần nhỏ trước dựa nhiều vào vốn liên ngân hàng giờ phải tìm nguồn khác khiến nhu cầu vay trên thị trường liên ngân hàng sụt giảm. Đối với các ngân hàng dư thừa vốn, họ cũng phải xoay sở tìm đầu ra.

Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh cho biết huy động được nhiều mà tín dụng tăng trưởng thấp, nếu không tìm được đầu ra thì sẽ lỗ nặng. Vì vậy, nếu không được cho vay trực tiếp trên thị trường liên ngân hàng thì các ngân hàng sẽ đi đường vòng.

Thông thường, ngân hàng sẽ bơm tiền cho các công ty con của mình, sau đó đơn vị này đem tiền đến gửi ở tổ chức tín dụng khác đang cần vốn. Cách này giúp ngân hàng cần vốn không vi phạm khuyến cáo về tỷ 20% của Ngân hàng Nhà nước mà vẫn huy động đủ khối lượng cần thiết mà nhanh hơn từ dân cư. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng: “Cách làm này khiến thị trường tiền tệ bị méo mó và vận hành không hiệu quả”.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn có trụ sở tại Hà Nội nói với VnExpress.net lẽ ra khi huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp mà lãi suất cao thì các ngân hàng có thể chuyển sang liên ngân hàng với lãi suất thấp hơn và sau đó mặt bằng chung sẽ giảm xuống. Nhưng do tỷ lệ 20%, ngân hàng thiếu vốn không thể tìm thêm nguồn rẻ hơn ở thị trường liên ngân hàng, dòng tiền bị ùn tắc và chi phí huy động vốn tăng lên. Do vậy, ngân hàng cũng khó hạ lãi suất cho vay và không kích thích được tăng trưởng tín dụng”.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng của 4 tháng đầu năm chỉ 5,5% hệ thống ngân hàng khó có thể hỗ trợ tốt cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của năm nay. Vì thế, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng hạ chi phí huy động vốn sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng, chuyên gia này bình luận.

Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng tác nghiệp kinh doanh vốn của Vietcombank lại cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải cân đối giữa việc kiểm soát rủi ro khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại. “Nếu như muốn đảm bảo an toàn, ít rủi ro thì phải chấp nhận giảm bớt hiệu quả. Đó cũng là điều bình thường”, ông này nói.

Một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã nhận được ý kiến từ phía các tổ chức tín dụng về vấn đề cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để có các biện pháp thích hợp. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã phát hiện ra những đường đi khác thường của nguồn vốn tại một số ngân hàng. “Chúng tôi sẽ tiến hành thanh kiểm tra đối với những tổ chức này để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân”, ông này tiết lộ.

Theo Hoàng Ly ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm