Vụ 'nước mắm nhiễm asen': Vì sao luật cũng…bó tay?

Ngày 16-3, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương đã có buổi báo cáo chuyên đề về cạnh tranh với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM.

Tại đây, một số ý kiến cho rằng có muôn vàn chiêu trò cạnh tranh thiếu lành mạnh được tung ra, đừng nói là đối thủ “đỡ” không nổi mà đến Luật Cạnh tranh có khi cũng... chịu thua!

Không cho khách sạn nhận... du khách

Theo báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh, trong 10 năm qua đã có 82 vụ việc hạn chế cạnh tranh được điều tra tiền tố tụng nhưng chỉ có năm quyết định xử lý; hơn 300 khiếu nại về cạnh tranh không lành mạnh nhưng chỉ xử phạt được 150 vụ. Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP.HCM, nhận xét việc xử lý trong 10 năm qua là “quá ít so với nhu cầu cuộc sống”.

Ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM, ĐBQH, đặt vấn đề tại sao rất nhiều doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà không xử lý được bao nhiêu.

“Đơn cử như vụ thông tin sai lệch về thạch tín trong nước mắm khiến nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng nhưng vì sao Cục Quản lý cạnh tranh không xử lý?” - ông Quốc hỏi.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết có nhiều vụ việc đã điều tra nhưng không xử lý được theo Luật Cạnh tranh. “Tôi là trưởng đoàn kiểm tra trong vụ nước mắm. Thậm chí chúng tôi còn phải mua các loại từ điển, mở ra và tranh luận từng khái niệm một để làm rõ thế nào là thạch tín, thế nào là asen hữu cơ, vô cơ... Cuối cùng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nhận sai. Họ cũng đã công khai xin lỗi về thông tin mà họ công bố. Đó là một bước xử lý” - ông Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Vinastas là một tổ chức xã hội chứ không phải là DN và cũng không phải là hiệp hội của các DN nên họ không vi phạm Luật Cạnh tranh. Luật này vốn chỉ điều chỉnh đối với DN, các hiệp hội, cơ quan quản lý. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh không có căn cứ để xử lý Vinastas về hành vi cạnh tranh.

Người dân tìm mua nước mắm truyền thống tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Tuấn nói thêm: “Vụ việc cũng đã được Chính phủ chỉ đạo, ngành công an đang điều tra để tìm ra ai đứng đằng sau Vinastas. Chúng ta chờ kết quả”.

Mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cũng điều tra chính thức vụ việc hạn chế cạnh tranh của Công ty Ánh Dương (quận 3, TP.HCM). Công ty này ký hợp đồng với 43 khách sạn tại Khánh Hòa, trong đó các khách sạn không được nhận khách Nga từ các công ty du lịch khác đưa đến dù có phòng trống. Điều này dẫn đến việc các công ty du lịch, trong đó có Công ty AB Tours, đưa khách đến Khánh Hòa thì bị từ chối phòng nên khiếu nại.

“Trong quá trình Cục xử lý, Công ty Ánh Dương đã tự nguyện chấm dứt hành vi và loại bỏ các điều khoản vi phạm trong các hợp đồng bị khiếu nại. Công ty AB Tours cũng tự nguyện rút đơn khiếu nại” - đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.

Uống bia tỉnh nhà sản xuất

Một điểm đáng báo động là trong những năm gần đây một số cơ quan quản lý nhà nước đã có hành vi hoặc ban hành văn bản hành chính chứa đựng nội dung mệnh lệnh, chỉ định can thiệp trực tiếp vào hoạt động cạnh tranh của các DN trên thị trường.

Ông Trịnh Anh Tuấn dẫn chứng bằng các vụ việc thực tế: Năm 2014, Sở GD&ĐT TP Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn các trường “chỉ nên tham gia bảo hiểm với các công ty có uy tín gồm: Bảo Việt Hà Nội, PJICO Hà Nội, Bảo Minh Hà Nội…”. Sau khi Cục Quản lý cạnh tranh vào cuộc xử lý thì văn bản này mới được hủy.

Cũng trong năm 2014, tỉnh Nghệ An ra Văn bản số 5290 yêu cầu các cơ quan, đơn vị tại địa phương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách có sử dụng ngân sách thì ưu tiên dùng sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh. Sau khi Cục Quản lý cạnh tranh làm việc với UBND tỉnh, Sở Công Thương tỉnh, tỉnh này mới sửa đổi nội dung văn bản.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng từng có văn bản tăng cường hợp tác với Ngân hàng T. bằng cách lựa chọn và sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua ngân hàng do hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch thuộc Ngân hàng T. cung cấp. Sau khi làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh, Quảng Ninh đã chấm dứt “hợp tác” bằng hình thức trên.

50.000 chương trình khuyến mãi mỗi năm tại TP.HCM, trong đó hơn 49.000 chương trình khuyến mãi là giảm giá hàng bán. Tuy nhiên, có tình trạng DN kê giá bán lên cao rồi rao giảm giá 50%. Thực tế là người mua không hưởng lợi gì khi giảm giá ảo thế này.

Ông HÀ NGỌC SƠN, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm