Vụ tố chồng ca sĩ Thu Minh trốn nợ: Bài học nào cho DN Việt?

Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng, bà Trần Thị Thu, Giám đốc Công ty TNHH Gia Hân ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, cho biết: Tháng 8-2012, Công ty Gia Hân ký hợp đồng sản xuất và cung cấp với Công ty Globle Home có trụ sở tại Cộng hòa Czech, do ông Otto de Jager (chồng ca sĩ Thu Minh) làm tổng giám đốc.

Từ khi ký hợp đồng đến tháng 4-2015, hai bên làm ăn suôn sẻ, thanh toán đầy đủ với giá trị lên tới hơn 6 triệu USD. Tuy vậy, từ tháng 4 đến tháng 10-2015, Globle Home không thanh toán và còn nợ lại Gia Hân hơn 493.000 USD. Ngoài ra, còn một số lượng hàng hóa đã được Globle Home đóng dấu xác nhận chất lượng trong kho trị giá gần 282.000 USD vẫn chưa được thanh toán và số hàng này cũng chưa được Globle Home nhận.

Gia Hân cho hay không biết ông Otto ở đâu để đòi số tiền hơn 491.000 USD còn chưa được thanh toán. “Hành vi của ông Otto đã có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên chúng tôi làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng” - Công ty Gia Hân cho hay.  Trong khi đó ông Otto đòi Gia Hân phải nộp phạt 250.000 USD…

DN Việt Nam cần nâng cao năng lực pháp lý để có thể tự tin khi tham gia thương mại quốc tế. Trong ảnh: Triển lãm đồ gỗ xuất khẩu tại TP.HCM.Ảnh: HTD

Bất lợi cho doanh nghiệp Việt

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nói đến nay rất khó có thể đánh giá được bản chất của vụ việc trên. “Chỉ có tòa án hoặc trọng tài mà các bên lựa chọn là có thẩm quyền đưa ra kết luận về việc ai đúng, ai sai; có việc lừa đảo hay gian lận giữa các bên không”- luật sư Dương khẳng định.

Tuy nhiên, luật sư Dương cho rằng giữa Gia Hân và Globle Home đã có thời gian làm ăn với nhau khá dài, chắc hẳn đã có giao kết hợp đồng bằng văn bản. Do đó hiện nay vẫn có nhiều điểm tranh cãi thì có thể nhìn nhận rằng hợp đồng của các bên là chưa rõ ràng, gây ra những cách hiểu khác nhau về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo hợp đồng. “Đây không hẳn là trường hợp hiếm mà có lẽ còn là phổ biến khi các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Việt Nam có hoạt động làm ăn với DN nước ngoài”.

Luật sư Dương cũng đánh giá rằng tình hình sẽ còn khó khăn hơn cho phía Việt Nam khi được biết theo hợp đồng, các bên đã thỏa thuận lựa chọn trọng tài Hong Kong để giải quyết tranh chấp. Ông Dương nói: “Về nguyên tắc, khi các bên trong giao dịch có yếu tố nước ngoài đã thỏa thuận lựa chọn một tổ chức trọng tài nước ngoài để giải quyết thì các bên chỉ có thể mang tranh chấp tới đúng tổ chức trọng tài nước ngoài đã thỏa thuận để giải quyết, trong trường hợp này là sang Hong Kong. Tòa án hay trọng tài Việt Nam đều sẽ không thụ lý đơn khởi kiện của các bên”.

Đồng tình, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, nhận định Công ty Global Home có trụ sở đặt tại Cộng hòa Czech, đã ký với một công ty có trụ sở đặt tại Việt Nam nhưng lại lựa chọn cơ quan tài phán là trọng tài quốc tế tại Hong Kong. Thế nên nếu Gia Hân muốn kiện thì phải khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Hong Kong. Điều này sẽ phát sinh rất nhiều chi phí như thuê luật sư, chi phí đi lại, phí trọng tài… và thời gian theo kiện.

“Trong trường hợp thắng kiện thì Gia Hân lại phải đề nghị cơ quan thi hành án tại Cộng hòa Czech thi hành bởi công ty này đặt trụ sở tại Czech. Đây là những thủ tục pháp lý vô cùng phức tạp và không phải DN Việt nào cũng có thể thực hiện được” - luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Làm sao tránh trái đắng?

Tổng thư ký VIAC Vũ Ánh Dương cho rằng đối với các quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam cho phép các bên tham gia hợp đồng được tự do lựa chọn cơ quan tài phán là trọng tài tại Việt Nam hay trọng tài nước ngoài. Việc lựa chọn cơ quan trọng tài tại Việt Nam có rất nhiều thuận lợi. Bởi nếu phán quyết trọng tài nước ngoài muốn được công nhận và thi hành tại Việt Nam phải trải qua thủ tục được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại nhiều cấp khác nhau. Trong khi đó phán quyết trọng tài trong nước có thể được chuyển thẳng sang cơ quan thi hành án để cưỡng chế thi hành và không cần thủ tục công nhận và thi hành bởi tòa án Việt Nam.

Ngoài ra, chi phí giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong nước cũng thấp hơn trọng tài nước ngoài, chỉ bằng khoảng 21% so với phí trọng tài của Tòa án Trọng tài quốc tế (ICC) và bằng 51% so với phí trọng tài của Trung tâm Trọng tài quốc tế Hong Kong (HKIAC). Cùng với đó là tiết kiệm được chi phí thuê luật sư, phiên dịch và thời gian.

Cũng theo luật sư Dương, mọi rủi ro trong thương mại quốc tế đều có thể phòng ngừa được. Việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu kỹ đối tác trước khi chính thức đặt bút ký kết hợp đồng. “Thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấy nhiều DN đã phải ngậm trái đắng do lựa chọn nhầm đối tác. Hậu quả là phải gánh chịu những thiệt hại lớn về kinh tế” - ông Dương nói.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh khuyến nghị các DN Việt nên tham khảo các luật sư và chuyên gia pháp lý trước khi ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt khi làm ăn với đối tác ngoại cần dựa vào pháp luật thay vì làm ăn chỉ dựa vào danh tiếng hay tin đồn.

Nhiều doanh nghiệp tố cáo

Không chỉ Công ty Gia Hân, gần đây nhiều DN khác cũng tố ông Otto De Jager (chồng ca sĩ Thu Minh) lừa đảo tiền tỉ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến nhận xét chưa biết bên nào đúng, bên nào sai do cả hai phía chưa đưa ra hết những bằng chứng quyết định mang tính thuyết phục.

Tuy vậy, một ý kiến cho rằng không ít thỏa thuận làm ăn giữa các DN Việt với đối tác nước ngoài thường có một công thức chung đó là một khi xảy ra tranh chấp, phần thiệt thòi đầu tiên là DN Việt.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VietGo, chia sẻ kinh nghiệm để giảm rủi ro thì khi làm ăn với DN nước ngoài cần phải cẩn trọng trong khâu thanh toán, tốt nhất là hướng đến xuất khẩu trực tiếp để thanh toán bằng L/C. Đồng thời tìm đến các chuyên gia cũng như những người làm xuất nhập khẩu lâu năm… để đảm bảo giảm thiểu tối đa những rủi ro trong giao dịch.

Phải hiểu rõ đối tác là ai

Các DN Việt cần hiểu rõ đối tác mình định hợp tác là ai dựa vào các căn cứ pháp lý rõ ràng và chắc chắn, nhất định không thể tìm hiểu đối tác bằng niềm tin và cảm nhận chủ quan.

Đồng thời, phải đảm bảo hợp đồng có các điều khoản chặt chẽ, đầy đủ nội dung cơ bản. Dứt khoát không đặt bút ký hợp đồng khi chưa chắc chắn hoặc chưa hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng. Tốt nhất nên tham khảo các mẫu hợp đồng của các cơ quan, tổ chức có uy tín và thẩm quyền hoặc mời luật sư, chuyên gia pháp lý giúp đỡ.

Luật sư VŨ ÁNH DƯƠNG,
Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm