Yêu cầu tổ chức tín dụng lập kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2010

Để đảm bảo việc các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP về mức vốn pháp định của TCTD, ngày 14-1-2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Văn bản số 397/NHNN-TTGSNH yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng liên doanh, ngân hàng trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài, TCTD phi ngân hàng không phải là TCTD phi ngân hàng cổ phần xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ năm tài chính 2010.

Theo đó, các TCTD trên khẩn trương xây dựng kế hoạch tăng vốn trong năm tài chính 2010 trình các cấp có thẩm quyền thông qua theo quy định hiện hành. Chậm nhất ngày 31-3, có văn bản báo cáo thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) về việc tăng vốn điều lệ của đơn vị. Trong đó báo cáo cụ thể về: Kết quả việc thực hiện tăng vốn năm 2009; kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2010; đề xuất biện pháp xử lý với những trường hợp không đảm bảo mức vốn quy định.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Văn bản số 398/NHNN-TTGSNH yêu cầu giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh thành phố chỉ đạo các TCTD {ngân hàng thương mại cổ phần (không bao gồm ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa), TCTD phi ngân hàng cổ phần, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở} có trụ sở chính trên địa bàn triển khai các công việc:

- Báo cáo tình hình tăng vốn điều lệ năm 2009 theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch tăng vốn trong năm tài chính 2010 trình cấp có thẩm quyền của TCTD thông qua theo quy định hiện hành. Trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện tăng vốn và phương án xử lý trong trường hợp TCTD không đạt được mức vốn này.

Căn cứ báo cáo của các TCTD, ngân hàng hhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tổng hợp tình hình tăng vốn điều lệ của TCTD trên địa bàn; chậm nhất ngày 15-4 có văn bản báo cáo thống đốc Ngân hàng Nhà nước các vấn đề liên quan trong việc tăng vốn điều lệ của các TCTD.

Theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP về danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, chậm nhất vào ngày 31-12-2008 và 31-12-2010, tổ chức tín dụng được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định theo danh mục sau:

DANH MỤC MỨC VỐN PHÁP ĐỊNH CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

STT

Loại hình tổ chức tín dụng

Mức vốn pháp định áp dụng cho đến năm

2008

2010

I.

Ngân hàng

1.

Ngân hàng thương mại

a.

Ngân hàng thương mại nhà nước

3.000 tỉ đồng

3.000 tỉ đồng

b.

Ngân hàng thương mại cổ phần

1.000 tỉ đồng

3.000 tỉ đồng

c.

Ngân hàng liên doanh

1.000 tỉ đồng

3.000 tỉ đồng

d.

Ngân hàng 100% vốn nước ngoài

1.000 tỉ đồng

3.000 tỉ đồng

đ.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài

15 triệu USD

15 triệu USD

2.

Ngân hàng chính sách

5.000 tỉ đồng

5.000 tỉ đồng

3.

Ngân hàng đầu tư

3.000 tỉ đồng

3.000 tỉ đồng

4.

Ngân hàng phát triển

5.000 tỉ đồng

5.000 tỉ đồng

5.

Ngân hàng hợp tác

1.000 tỉ đồng

3.000 tỉ đồng

6.

Quỹ tín dụng nhân dân

a.

Quỹ tín dụng nhân dân trung ương

1.000 tỉ đồng

3.000 tỉ đồng

b.

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

100 triệu đồng

100 triệu đồng

II.

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng

1.

Công ty tài chính

300 tỉ đồng

500 tỉ đồng

2.

Công ty cho thuê tài chính

100 tỉ đồng

150 tỉ đồng

Cũng theo quy định của nghị định này,  các tổ chức tín dụng được cấp phép thành lập và hoạt động sau ngày nghị định này có  hiệu lực và trước ngày 31-12-2008 thì phải đảm bảo có ngay số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định quy định cho năm 2008.

Đối với các tổ chức tín dụng được cấp giấy phép thành lập và hoạt động sau ngày 31-12-2008 phải đảm bảo có ngay vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định quy định cho năm 2010.

Trường hợp tổ chức tín dụng có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp thấp hơn mức vốn pháp định tương ứng đối với từng loại hình tổ chức tín dụng quy định cho từng thời kỳ, Chính phủ giao thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định xử lý đối với các tổ chức tín dụng này, kể cả việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.

Theo CKH (website Ngân hàng Nhà nước VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm