Buôn lậu nhiều nhưng chưa người đứng đầu nào bị xử lý

Đó là thực tế được ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, hàng giả và Gian lận thương mại (389), nêu ra tại hội nghị tổng kết đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm tổ chức ngày 4-12 ở Hà Nội.

Ông Hùng cho biết thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu là tập kết hàng hóa vào nhà dân, chợ biên giới; xé lẻ hàng hóa, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác để vận chuyển, cất giấu trong hành lý... Sau đó vận chuyển về các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… để tiêu thụ. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả còn chồng chéo, sơ hở. Công tác kiểm soát hàng hóa ở khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển còn lỏng lẻo. Đặc biệt, vấn đề xử lý cán bộ tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu vẫn chưa quyết liệt.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban 389 quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 10-2015, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 3.600 vụ việc vi phạm liên quan đến mỹ hóa phẩm, dược phẩm giả; thu nộp ngân sách hơn 21,6 tỉ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy hơn 19,7 tỉ đồng.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm