Chỗ dựa cho hàng Việt ở nước ngoài

Có thể nói đây là hiệp hội phát triển hàng Việt đầu tiên được lập ra tại nước ngoài, một nước nhập khẩu tiềm năng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Ông Ngô Hùng Lâm, Chủ tịch Hiệp hội, cho biết hàng hóa của Việt Nam đặc biệt là nông sản, thủ công mỹ nghệ rất đa dạng, phong phú về chủng loại nhưng lại chưa có mặt tại thị trường Nhật Bản. Do vậy, ông mong muốn với việc ra mắt Hiệp hội sẽ tập trung được trí tuệ, tâm huyết của các hội viên nhằm nghiên cứu, điều chỉnh chủng loại, chất lượng hàng hóa sao cho phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người dân Nhật Bản, hướng tới mục đích đưa hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, Nhật Bản nổi tiếng là thị trường rất “kỹ tính”, đặt ra những tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm khiến DN gặp nhiều khó khăn. Như vụ thủy sản Việt Nam bị phía Nhật Bản cấm chất Ethoxyquin trong khi những nước nhập khẩu khác cũng khó tính như Mỹ, châu Âu thì lại không. Rồi gạo Việt muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng hàng trăm tiêu chí, nếu phát hiện không đạt được một tiêu chuẩn là bị hủy đơn hàng, DN Việt thiệt hại rất lớn. Dù xuất khẩu sang Nhật Bản giá trị thu được cao, vận chuyển thuận lợi nhưng hầu hết DN không mấy mặn mà vì những hàng rào xuất khẩu gần như “bất khả thi”.

Vì vậy, Hiệp hội Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam ra đời ngay trên đất Nhật chính là chìa khóa giúp mở rộng thị trường, mang lại nhiều lợi ích cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Đây có thể là phương tiện nhanh nhất truyền thông tiếp thị hàng Việt Nam đến “tận tay, tận mắt” người tiêu dùng nước nhập khẩu. Đồng thời là cầu nối giúp người dân Nhật hiểu rõ về nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng hàng Việt. Ngược lại, DN Việt có nguồn thông tin thực tế, chi tiết, được cập nhật thường xuyên về nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ dễ dàng tạo được mối liên hệ thân thiết với chính quyền nước sở tại, đàm phán dỡ bỏ những hàng rào kỹ thuật bất hợp lý kịp thời hoặc có thể cảnh báo trước những rủi ro cho DN.

Nếu làm sớm việc này thì biết đâu thủy sản Việt Nam đã tránh được rủi ro về chất cấm Ethoxyquin, nhiều sản phẩm đã có thể tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường Nhật. Và nếu thành lập thêm hiệp hội dạng này ở các thị trường khác thì có khi hình ảnh con cá tra đã không bị bêu xấu, cạch mặt ở châu Âu, con tôm có thể tránh được vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở Mỹ, các hàng rào kỹ thuật đã không bị nước nhập khẩu dựng lên nhiều như hiện nay…

Những hiệp hội phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tương tự cần phải được “xây” thêm ở những thị trường nhập khẩu lớn, tiềm năng của các ngành hàng xuất khẩu nước ta. Khi đó, hàng Việt, DN Việt mới có nhiều chỗ dựa, được cảnh báo trước những rủi ro, được bảo vệ an toàn hơn và có nhiều thông tin cơ hội, an tâm phát triển kinh doanh ở nước ngoài.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm