Đưa hàng Việt về nông thôn: "Chỉ sợ bị phạt vì quá tải"

Đưa hàng Việt về nông thôn: "Chỉ sợ bị phạt vì quá tải" ảnh 1
Người tiêu dùng nông thôn hưởng ứng nhiệt tình với hàng Việt Nam,
 nhưng còn tâm lý: mua rồi, muốn nữa liệu có hàng không?


Liên tục điều thêm hàng nhưng vẫn không đủ bán, nhiều doanh nghiệp chưa trả lời được câu hỏi của người tiêu dùng nông thôn: “Đã tới đây rồi, chừng nào về nữa?”, “Xài hết rồi, biết mua hàng ở đâu?”.

Khi sản phẩm kem Dạ Lan tái xuất thị trường và bán chạy tại chợ phiên, có người hỏi: “Kem Dạ Lan của mình hồi xưa đó phải không? Vậy lâu nay nó ở đâu?”. Câu hỏi khó trả lời! Một người dân mua thật nhiều bột giặt Pano và kem Dạ Lan với hai lý do: gởi về trong quê vì loại này hợp vùng phèn trong đồng sâu, mua đại chứ không biết xài hết rồi sẽ mua ở đâu.

"Cháy” hàng liên tục

Phiên chợ hàng Việt về Năm Căn và Cái Nước (Cà Mau) có doanh số bán là 1,45 tỉ đồng; tại Đông Hải và Phước Long (Bạc Liêu) là 1,26 tỉ đồng. Ở Phước Long, chỉ còn 31/34 doanh nghiệp tiếp tục tham gia chợ phiên, 3 đơn vị đã tách khỏi “cuộc chơi” vì hết hàng. Mỗi khi “cháy” hàng, doanh nghiệp phải tổ chức hoạt động tiếp vận khẩn cấp trong đêm. Một vài tài xế đã bị phạt do chở hàng quá tải…

Anh Nguyễn Thanh Liêm, đại diện công ty phân bón hóa chất Cần Thơ, đơn vị tham gia phiên chợ lần đầu, cho biết chưa đến 8 giờ tối đã hết hàng. Gian hàng của anh phải mượn hàng từ kho của đại lý, ghi doanh số cho họ. Nhưng hai phiên chợ sau đó, anh phải rời khỏi cuộc chơi vì xoay xở nguồn hàng không kịp tốc độ bán.

Ông Nguyễn Minh Sơn, phụ trách kế hoạch công ty này thú thật: ”Bán hết hàng phải rút, do chưa có chuẩn bị hàng hóa, thiếu sót trong cách đánh giá thị trường”.

Bài toán giao thông

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, phụ trách đội bán hàng của Co.opMart Vị Thanh (Hậu Giang), lần đầu tiên tham gia phiên chợ, cho biết: ”Tổng doanh số của Co.opMart tại 2 phiên chợ đạt trên 290 triệu đồng. Thực sự mà nói, khi xe hàng 12 tấn của chúng tôi chuyển hàng về chợ phiên, nhìn thấy chiếc cầu trọng tải 5 tấn, tôi không biết phải làm thế nào. Bán hàng về nông thôn lần đầu, tôi mong sẽ đi lần nữa, nhưng phải nói lâu nay chưa nghĩ tới những chuyến chở hàng như thế này. Không sợ khó khăn, chỉ sợ bị phạt vì quá tải”.

Anh Lưu Kim Sáng, công ty nhựa Duy Tân cũng chia sẻ tình huống tương tự. Chiếc xe tải nặng hơn trọng tải chỉ 3-5 tấn của cây cầu, nhưng anh vẫn phải liều để đưa sản phẩm nhựa Duy Tân tới nơi đúng thời hạn. Anh cũng thừa nhận hơi “đuối” khi sức mua tăng cao, nhựa Duy Tân phải bị động huy động nhân sự từ nhiều mục tiêu khác để đáp ứng được nhu cầu.

Ông Bùi Đức Huệ, tổng giám đốc công ty Sao Việt, nhận định thêm một vấn đề còn tồn tại với các doanh nghiệp khi tham gia đưa hàng về nông thôn: “Khi các địa phương yêu cầu Trung tâm nghiên cứu kinh doanh & hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức 50 phiên chợ trong một năm, khâu điều vận không phải là việc khó. Doanh nghiệp đủ khả năng chuẩn bị nhân lực, tài chính, điều vận… để quảng bá hình ảnh ở những nơi phân phối chưa tới được. Một cú điện thoại, đi trong đêm là có hàng.

Nhưng vấn đề là các đơn vị tách bạch mục tiêu giữa việc marketing với bán hàng như thế nào. Không tách bạch thì cứ lấy nhân viên kinh doanh để đi bán hàng thuần túy, chứ chưa lập được đội ngũ marketing phù hợp vùng nông thôn”.

Theo Hoàng Lan ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm